Lần đầu tiên phát hiện động vật có nguy cơ tuyệt chủng tại Thanh Hóa

Qua bẫy ảnh lực lượng chức năng ghi nhận một gia đình gấu ngựa gồm 3 con trong khu rừng ở huyện Quan Hóa, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Đây là động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.

Ngày 8/1, ông Đỗ Ngọc Dương, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hu, tỉnh Thanh Hóa xác nhận, qua bẫy ảnh đã phát hiện một gia đình gấu ngựa gồm 3 cá thể tại xã Trung Thành, huyện Quan Hóa thuộc Khu BTTN Pù Hu do đơn vị quản lý.

Gấu ngựa, loài động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, đây là lần đầu tiên phát hiện ở Khu BTTN Pù Hu. Sau khi phát hiện đàn gấu ngựa, đơn vị đã tổ chức đồng bộ các biện pháp để bảo vệ, bảo tồn loài động vật quý hiếm này cũng như các loài động vật hoang dã khác.

Lần đầu tiên phát hiện gấu ngựa tại khu bảo tồn. (Ảnh Khu BTTN Pù Hu).

Lần đầu tiên phát hiện gấu ngựa tại khu bảo tồn. (Ảnh Khu BTTN Pù Hu).

Theo thông tin từ Khu BTTN Pù Hu, thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài gấu tại Khu bảo tồn, thời gian thực hiện trong 3 năm (năm 2023-2025), Ban quản lý khu bảo tồn phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai các hoạt động điều tra giám sát loài gấu bằng bẫy ảnh.

Qua kiểm tra bẫy ảnh cho thấy, vào ngày 12/8/2024, tại xã Trung Thành, huyện Quan Hóa đã chụp được tổng cộng 209 bức ảnh về 3 cá thể gấu ngựa sống theo đàn đang nô đùa cùng nhau tại một vị trí.

Gấu ngựa là loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh Khu BTTN Pù Hu).

Gấu ngựa là loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh Khu BTTN Pù Hu).

"Xuất hiện loài gấu ngựa qua bẫy ảnh ở Khu BTTN Pù Hu là một minh chứng thể hiện sự đa dạng tài nguyên, động vật hoang dã đang còn được lưu giữ. Gấu ngựa là loài động vật hoang dã rất dễ có nguy cơ tuyệt chủng, vì thế cần có sự chung tay bảo vệ từ chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành cũng như người dân địa phương’, ông Dương cho biết thêm.

Trước đó, qua đặt bẫy ảnh tại một số vị trí và ghi nhận, phát hiện nhiều động vật hoang dã quý hiếm như mèo rừng, mang thường, chồn bạc má, chồn họng vàng, gà rừng, gà mặt tiền, lửng lợn...

Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hu có tổng diện tích gần 28.000 ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Quan Hóa và Mường Lát thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Theo nhận định từ các chuyên gia, Khu BTTN Pù Hu gồm hệ sinh thái núi đất cao xen kẽ với những hệ sinh thái núi đá vôi. Từ sự đa dạng của hệ sinh thái kéo theo sự đa dạng về sinh cảnh cũng như tạo nên tính đa dạng về chủng loại động, thực vật của khu bảo tồn.

Gia đình gấu ngựa gồm 3 cá thể. (Ảnh Khu BTTN Pù Hu).

Gia đình gấu ngựa gồm 3 cá thể. (Ảnh Khu BTTN Pù Hu).

Qua điều tra đã ghi nhận tại Khu BTTN Pù Hu có khoảng 1.725 loài thực vật thuộc 696 giống, 170 họ và 71 bộ, 12 lớp và 6 ngành. Phần lớn các loài thực vật bậc cao tập trung ở khu bảo vệ nghiêm ngặt.

Ngoài ra, các loài thực vật trong hệ sinh thái nông nghiệp, vườn rừng, vườn nhà dân cũng góp phần làm tăng thêm tính đa dạng sinh học.

Đặc biệt, hệ thực vật Pù Hu có tổng số 52 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam 2007. Theo tiêu chuẩn của IUCN, hệ thực vật Pù Hu có 93 loài được ghi nhận, có 16 loài nằm trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP.

Bên cạnh hệ thực vật, hệ động vật không những phong phú về chủng loài mà một số loài còn tập trung với mật độ cao. Qua kết quả điều tra, đã ghi nhận được 915 loài động vật, gồm: Khu hệ động vật nổi, động vật đáy, côn trùng, cá, lưỡng cư, bò sát, chim, thú. Trong đó, có 49 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam.

Gấu ngựa có tên khoa học là Ursus thibetanus hay Ursus tibetanus, còn được biết đến với tên gọi Gấu đen Tây Tạng, Gấu đen Himalaya hay Gấu đen châu Á. Gấu ngựa nằm trong Sách đỏ Thế giới (IUCN), là loài dễ bị thương tổn trong số các động vật đang bị đe dọa.

Ngọc Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lan-dau-tien-phat-hien-dong-vat-co-nguy-co-tuyet-chung-tai-thanh-hoa-16925010808133432.htm