Lần đầu tiên phát hiện protein ngoài Trái đất

Ba nhà nghiên cứu người Mỹ Malcolm McGeoch, Sergei Dikler và Julie E. M. McGeoch cho rằng họ đã phát hiện được protein đầu tiên có nguồn gốc ngoài hành tinh, được cất giấu bên trong thiên thạch lao xuống Trái đất cách đây khoảng 30 năm.

Protein trong vũ trụ có thể đã bay xuống Trái đất theo thiên thạch

Protein trong vũ trụ có thể đã bay xuống Trái đất theo thiên thạch

Protein là “vật liệu xây dựng” cơ bản của các sinh vật, chủ yếu dựa trên carbon. Cho đến nay, chúng ta chưa tìm thấy protein trong vũ trụ. Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định, cách đây 30 năm, dường như protein như vậy đã bay đến Trái đất trên thiên thạch.

Công trình nghiên cứu về đề tài này đang chờ phản biện của các nhà khoa học trên thế giới. Nếu công trình được đánh giá tích cực và các nghiên cứu để xác định protein trong thiên thạch vẫn tiếp tục thì đây sẽ là bước đột phá lớn trong nghiên cứu vũ trụ.

Theo đó, đội ngũ chuyên gia do nhà vật lý học Malcolm McGeoch của Tập đoàn PLEX Corporation dẫn đầu đã vận dụng phương pháp khối phổ để phân tích thiên thạch có tên là Acfer 086. Acfer 086 đã rơi xuống Algeria vào năm 1990.

Dựa trên kết quả phân tích, nhóm của ông phát hiện một dạng protein mà họ đặt tên là hemolithin.

Tuy hemolithin tương tự các protein trên Trái đất về mặt cấu trúc nhưng tỉ lệ deuterium so với hydrogen của nó không hề được tìm thấy trên hành tinh của chúng ta mà giống loại bám trên các sao chổi có tuổi thọ cao của Hệ Mặt trời.

Dựa trên điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng hemolithin có lẽ được hình thành vào thời điểm Hệ Mặt trời vẫn còn tồn tại dưới dạng đĩa phôi cách đây hơn 4,6 tỷ năm.

Xác suất để protein hiện diện trong vũ trụ, đặc biệt là trên các hành tinh nhỏ hơn Trái đất, là khá lớn. Nghiên cứu thực hiện trên Trạm Vũ trụ quốc tế ISS cũng đã chứng minh rằng protein xuất hiện nhanh hơn trong trường hấp dẫn yếu.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/lan-dau-tien-phat-hien-protein-ngoai-trai-dat/389423.vgp