Lần đầu tiên ra mắt Ngân hàng Gen (AND) liệt sĩ chưa xác định được thông tin
Nhân Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị 'Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ'.
Hội nghị có sự tham gia của: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương; Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ; Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Cùng với đó là hơn 400 đại biểu là người có công với cách mạng qua các thời kỳ; cán bộ lão thành cách mạng; cán bộ tiền khởi nghĩa, người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; đại diện thân nhân liệt sĩ có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng, chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Chương trình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và UBND TP. Hà Nội phối hợp tổ chức như một món quà ý nghĩa đặc biệt dành tặng những người có công và cũng là lần đầu tiên ra mắt Ngân hàng Gen (AND) liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Việc xây dựng “Ngân hàng Gen” cho liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ không chỉ mở ra hy vọng cho hơn 300.000 gia đình người có công mà còn là niềm mong mỏi của toàn Đảng và nhân dân cả nước rằng tương lai không xa, tất cả các liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.
Kính cẩn tri ân những anh hùng Cách mạng qua hành động đền ơn, đáp nghĩa
Trước khi diễn ra Hội nghị, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu tham dự Hội nghị dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tưởng niệm đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Báo cáo tri ân người có công với cách mạng toàn quốc năm 2024, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Thấm nhuần sâu sắc đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng. Đối tượng người có công ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội.
"Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong nhiều thập kỷ vừa qua, được dư luận xã hội và người có công, thân nhân hoan nghênh, ủng hộ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Trong 10 năm qua (2013 - 2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được quan tâm, chăm sóc, tu bổ, cả nước đã tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang trên 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, trên 4.000 công trình ghi công liệt sĩ. Tiến hành chuẩn hóa thông tin bia mộ liệt sĩ, 02 năm qua đã điều chỉnh 20.000 bia mộ đang ghi "Liệt sĩ vô danh", đến nay cả nước tuyệt đại bộ phận thống nhất ghi “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” theo quy định.
Qua 6 năm, ngành LĐTBXH đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ, trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, phần lớn là liệt sĩ trong thời kỳ chống Pháp và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
“Đây là việc làm vô cùng khó khăn do thời gian đã quá lâu, hồ sơ thất lạc, người giao nhiệm vụ không còn sống, đồng đội, người làm chứng đều đã mất… điển hình như trường hợp cụ Phạm Khánh, chiến sĩ cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh năm 1931, sau 92 năm mới tìm được dữ liệu, được công nhận liệt sĩ”, Bộ trưởng trăn trở.
Vinh danh và biểu dương những tấm gương tiêu biểu của các thương binh, bệnh binh, thân nhân người có công
Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 có sự góp mặt trên 400 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước. Trong đó, 13 đại biểu là lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, 6 Mẹ Việt Nam anh hùng, 36 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, hơn 200 thương binh, trong đó có 22 thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, 44 bệnh binh, 53 thân nhân liệt sĩ và các đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu khác.
Đặc biệt, trong số các đại biểu tham dự buổi gặp mặt có 33 đại biểu là người dân tộc thiểu số như: Bana, Chăm, Ê đê, Hrê, Jrai, Mường, Nùng, Paco, Ragiai, Tày, Thái…
Tiêu biểu là bác Lê Quang A, năm nay tròn 100 tuổi đời, 80 năm tuổi Đảng, đến từ tỉnh Hà Tĩnh, là cán bộ tiền khởi nghĩa, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám.
Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thạnh, sinh năm 1932 đến từ Bình Định. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Mẹ đã mất những người thân yêu, ruột thịt của mình, đó là chồng, con và chị gái là liệt sĩ.
Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển năm xưa chiến đấu bên cây cầu Hàm Rồng lịch sử với câu chuyện như huyền thoại về nữ dân quân chỉ nặng 42 kg vác 2 hòm đạn nặng 98kg để tiếp đạn cho bộ đội, biểu tượng cho ý chí quật cường của quân và dân Việt Nam. Năm 1967, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi chỉ mới 21 tuổi.
Đại biểu Rơ Châm Thoi, sinh năm 1950, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, là người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày kiên trung, bất khuất. Vượt lên khó khăn do sức khỏe yếu, vết thương cũ tái phát mỗi khi trái gió trở trời, ông luôn gương mẫu tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương, được nhân dân trong thôn làng công nhận là Già làng người có uy tín.
Anh hùng lực lượng vũ trang, Thiếu tướng Phan Văn Lai, nguyên là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Lực lượng công an nhân dân, 94 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, hiện bác là Trưởng Ban Liên lạc công an chi viện miền nam, là cánh chim đầu đàn của lực lượng công an nhân dân Việt Nam.
Vợ liệt sĩ Trương Thị Lài sinh năm 1957 đến từ Thừa Thiên Huế hay người nữ anh hùng người dân tộc Tày - Lâm Thị Mây, sinh ra và lớn lên tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Mang trên mình vết thương có tỷ lệ 61%, bà luôn là tấm gương sáng trong cộng đồng.
Thiếu tướng Mai Hoàng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Phó giám đốc Công an TP.HCM, người mà những băng nhóm tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy rất đỗi khiếp sợ. Anh trực tiếp tham gia 58 trận đánh vũ trang trong các chuyên án lớn, đối mặt với những băng nhóm ma túy có vũ trang xuyên biên giới; một người chỉ huy xuất sắc, góp phần quan trọng trong việc giảm rõ rệt tình trạng cướp giật trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua, bảo vệ an ninh trật tự cho người dân.
Anh hùng Lê Văn Kiểm, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam, người 2 lần được phong tặng anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Cùng với các hoạt động xã hội, ông đã đồng hành cùng với Ngành LĐTBXH trong nhiều năm qua trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng, đền ơn đáp nghĩa, tri ân đồng đội với số tiền hỗ trợ lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
"Ngân hàng Gen" - mở ra hy vọng xác định danh tính liệt sĩ
Các công tác đền ơn đáp nghĩa mặc dù đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm là luôn đặt lên vị trí hàng đầu, nhưng có một điều khiến ai cũng đau đáu đó là công tác tìm kiếm, xác định danh tính cách liệt sĩ.
Đất nước ta kết thúc chiến tranh gần 50 năm, có 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống nhưng vẫn còn hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa quy tập được hoặc chưa xác định danh tính; trong đó có hơn 23.000 hài cốt liệt sĩ còn nằm lại rừng sâu, khe lạnh. Do đó, từ nhiều năm qua, công tác quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và ưu tiên triển khai thực hiện.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai đề án liên quan việc quy tập và xác minh hài cốt, danh tính liệt sĩ, đó là: Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237) do Bộ Quốc phòng triển khai; Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) do Bộ LĐTBXH triển khai.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Đề án 150 được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.
Thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, trên nền tảng hiện nay các đơn vị đã lưu trữ được số liệu của trên 25.000 dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân. Tại Hội nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an đề xuất Chính phủ xây dựng Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.
Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gen sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
"Đây là việc làm rất có ý nghĩa, rất linh thiêng, phải chạy đua với thời gian, càng làm càng nhanh càng tốt vì thời gian không cho phép chúng ta kéo dài song đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan, chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và đại diện người có công đã thực hiện nghi thức ra mắt “Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.
Trong bối cảnh công tác giám định gen còn nhiều khó khăn, không ít gia đình liệt sĩ đã đón nhận niềm vui vỡ òa sau nửa thế kỷ chờ đợi: nhờ kết quả giám định ADN mà tìm được mộ người thân.
Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao kết quả giám định Gen tới 10 gia đình liệt sĩ, trong đó, có 4 gia đình đã hoàn thành việc xác định hài cốt, đưa liệt sĩ về quê hương.
Là một trong 4 gia đình tìm được thân nhân của mình thông qua giám định gen, bà Phạm Thị Vinh, em gái liệt sĩ Phạm Văn Phước vui mừng, xúc động suốt 2 tuần nay khi xác định được chính xác thông tin của người anh trai.
"Nhiều năm nay, gia đình tôi đi tìm anh rất vất vả. Nay cuối cùng đã tìm được anh trở về. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước, các cơ quan, bộ, ngành đã giúp đỡ gia đình tôi tìm và đưa anh về", bà Vinh xúc động chia sẻ.