Lần đầu tiên sử dụng điện sinh lý điều trị thành công trẻ bị loạn nhịp
Một bệnh nhi chỉ mới 7 tháng tuổi, mắc chứng rối loạn nhịp tim và bị dị tật tim bẩm sinh gây tím tái, bệnh nhi có thể bị đột tử bất cứ lúc nào đã được cứu sống bằng kỹ thuật thăm dò điện sinh lý tim và can thiệp đốt ổ loạn nhịp bằng sóng cao tần.
Ngày 4.12, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho hay đã cứu sống bệnh nhi 7 tháng tuổi bị rối loạn nhịp tim và có thêm tật Ebstein (một loại tim bẩm sinh gây tím nặng) bằng kỹ thuật thăm dò điện sinh lý tim và can thiệp đốt ổ loạn nhịp bằng sóng cao tần. Đây là bệnh viện đầu tiên thực hiện kỹ thuật thăm dò điện sinh lý tim và can thiệp đốt ổ loạn nhịp bằng sóng cao tần điều trị thành công trẻ mắc bệnh rối loạn nhịp tim.
Bệnh nhi được may mắn được cứu sống bằng kỹ thuật này là cháu bé L.M.K. (7 tháng tuổi, quê ở Bình Dương), cân nặng 7 kg. Bệnh nhi này được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nhịp tim rất nhanh và thường xuyên mệt trong ngày. Điều đặc, bệnh nhi này còn mắc thêm tật Ebstein.
Sau khi tiến hành đo thêm điện tim, các bác sĩ khoa tim mạch chẩn đoán trẻ mắc hội chứng Wolff-Parkinson-White, một dạng loạn nhịp có thể dẫn đến đột tử nếu không điều trị kịp thời.
Bệnh nhi được nhanh chóng chỉ định điều trị 2 thuốc chống loạn nhịp, nhưng không thể khống chế cơn nhịp nhanh. Tình trạng bé trở nên không ổn định, bú kém và tím nhiều hơn trong thời gian nằm viện.
Tuy nhiên, do bệnh nhi bị bệnh loạn nhịp, các bác sĩ không thể chỉ định phẫu thuật, vì nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhi trong giai đoạn hậu phẫu.
Trước tình huống trên, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và quyết định thực hiện chỉ định thăm dò điện sinh lý tim và can thiệp đốt ổ loạn nhịp bằng sóng cao tần. Mặc dù vậy, các bác sĩ cho rằng việc thăm dò điện sinh lý tim và can thiệp đốt ổ loạn nhịp bằng sóng cao tần để xử lý tình trạng rối loạn nhịp đối với bệnh bệnh nhi chưa đầy 1 tuổi và chỉ mới 7 kg là điều cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là khó khả thi.
Vì thực tế theo các chuyên gia tim mạch, trong y văn trên thế giới các trường hợp can thiệp đều thực hiện trên trẻ trên 5 tuổi và cân nặng trên 15 kg. Những trẻ nhỏ ký, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi là cả một thách thức khó cho nhóm tim mạch.
Trước tình hình đó, các bác sĩ quyết định chuẩn bị dụng cụ nhỏ dành riệng cho trường hợp này và dùng kỹ thuật đốt với đường vào tối thiểu nhằm tránh tổn thương mạch máu.
“Trong quá trình thực hiện, chúng tôi phải đối diện với rất nhiều khó khăn, có lúc trẻ lên cơn nhịp nhanh liên tục, tím tái nặng và nguy cơ thủng tim do thành tim quá mỏng. Cuối cùng, sau 2 giờ thực hiện, các bác sĩ đã kiểm soát được cơn nhịp nhanh và trẻ hồi phục an toàn. Thời gian hậu phẫu trẻ được theo dõi sát và đo điện tim trong 24 giờ nhằm kiểm tra xem trẻ có tái phát hay không”, một bác sĩ khoa tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay.
Theo Bệnh viện Nhi đồng 1, đây là ca điều trị trẻ bị rối loạn nhịp tim bằng kỹ thuật thăm dò điện sinh lý tim và can thiệp đốt ổ loạn nhịp bằng sóng cao tần nhỏ ký nhất kèm theo tim bẩm sinh nặng từ trước đến nay được can thiệp tại đây và khu vực phía Nam.
Hiện nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 là đơn vị đầu tiên khu vực phía Nam triển khai can thiệp loạn nhịp tim cho đối tượng trẻ em. Bằng kỹ thuật mới này, từ tháng 6.2019, các trẻ mắc rối loạn nhịp tim (nhịp nhanh trên thất, rối loạn nhịp thất, ngoại tâm thu…) đã được điều trị thành công khi các phương pháp điều trị thuốc đã thất bại.
Như vậy, sau khoảng 6 tháng triển khai can thiệp loạn nhịp tim bằng kỹ thuật dò điện sinh lý tim và can thiệp đốt ổ loạn nhịp bằng sóng cao tần đã có 40 trẻ được chẩn đoán và can thiệp hiệu quả nhờ phương pháp mới này và số lượng bệnh nhi được gửi đến ngày càng tăng. Bệnh viện cũng xác định đây là hướng phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu, tiến tới chăm sóc toàn diện cho các bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch.