Lần đầu tiên thay thế cáp dầu bằng cáp khô trong nhà máy thủy điện tại Việt Nam
Nhiệm vụ này đang được Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN (EVNPSC) triển khai thi công tại tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Đơn vị đang phấn đấu hoàn thành trước ngày 29/5 để sẵn sàng cho tổ máy phát điện vào mùa mưa lũ năm nay.
Ông Phan Đình Hòa – Giám đốc EVNPSC cho biết: Các tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã được vận hành trên 30 năm, hệ thống cáp dầu 220kV phục vụ truyền tải công suất phát của tổ máy từ máy biến áp tăng áp đến trạm chuyển tiếp 220kV đã bắt đầu già cỗi trong quá trình vận hành, có nguy cơ xảy ra sự cố dẫn đến cháy nổ và dừng tổ máy bất cứ lúc nào.
Các ghi nhận về thông số kỹ thuật trong vận hành cho thấy dầu cách điện cáp đã lẫn tạp chất gây nguy cơ sự cố cáp ngày càng cao. Do đó, việc thay thế hệ thống cáp dầu 220kV nêu trên nhằm đảm bảo cho nhà máy làm việc ổn định, liên tục, an toàn cho người vận hành và nhà máy.
Thực hiện chỉ đạo của Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc Tập đoàn về việc triển khai thay thế cáp dầu bằng cáp khô của công trình - đây là lần đầu tiên triển khai thay thế cáp dầu bằng cáp khô trong nhà máy thủy điện tại Việt Nam nên EVNPSC đã huy động lực lượng tinh nhuệ nhất nghiên cứu tìm hiểu, nắm rõ phương án thi công và phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia trong quá trình triển khai. Đến nay tiến độ của dự án đang bám sát kế hoạch đề ra và dự án đang trong tầm kiểm soát.
“EVNPSC phấn đấu hoàn thành thay thế cáp trước ngày 29/5 vượt tiến độ so với kế hoạch đề ra để tổ máy số 1 kịp thời đưa vào phát điện trước mùa mưa lũ năm nay (ngày 15/6 hàng năm) nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả cao nhất các tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình”, ông Phan Đình Hòa - Giám đốc EVNPSC trao đổi tại hiện trường thi công.
Ông Hòa cũng cho biết thêm, sau khi thử nghiệm thay thế cáp khô thành công tổ máy 1 và dự kiến tổ máy 2 vào cuối năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNPSC sẽ đánh giá, tổng kết lại những kinh nghiệm và phân tích ưu, nhược điểm để triển khai thay thế cáp cho các tổ máy khác của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trong những năm tới.
Phân tích về những ưu điểm của cáp khô so với cáp dầu, ông Uông Thanh Bình - Phó Quản đốc Phân xưởng Sửa chữa điện - tự động EVNPSC Hòa Bình (EVNPSC), Chỉ huy trưởng công trường cho biết: Cáp dầu được đưa vào vận hành từ năm 1988 từ khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, đến nay công nghệ này đã cũ, cáp đã đến thời điểm hết thời hạn sử dụng. Thay thế cáp khô là công nghệ mới, cáp khô có ưu điểm nhỏ gọn, lắp đặt đơn giản hơn, chất lượng và tuổi thọ cao hơn, chịu được tác động của môi trường tự nhiên ở nhiệt độ cao hơn so với cáp dầu.
Tuy nhiên thi công tuyến cáp khô là công việc mới mẻ ở Việt Nam, đặc biệt là công tác thay thế sửa chữa sẽ khó khăn hơn nhiều so với thi công mới. Chính vì vậy, từ khi EVNPSC được Tập đoàn giao nhiệm vụ, các kỹ sư EVNPSC đã tập trung nghiên cứu tài liệu và tìm tòi, học hỏi từ thực tế và đến nay, sau 3 tháng thi công đã từng bước làm chủ về công nghệ kỹ thuật.
Ông Uông Thanh Bình cũng cho biết thêm: Các tuyến cáp thi công nằm trong tuyến hầm kỹ thuật của Nhà máy; Việc thi công xây dựng nằm hoàn toàn trong phạm vi nhà máy thủy điện Hòa Bình nên phương án tổ chức triển khai và điều kiện thi công rất khó khăn khi các tổ máy, thiết bị liên quan đang vận hành, mang điện; Đặc biệt thi công trong hầm với không khí rất nóng, nhiệt độ trung bình lên tới trên 40 độ C, có thời điểm lên đến gần 50 độ C khi nhiệt độ ngoài trời lên cao và tác động từ vận hành của các tổ máy.
“Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đến ngày 02/5 công tác kéo dải cáp đã cơ bản hoàn thành. Theo kế hoạch, ngày 05/5, Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia sẽ dừng tổ máy số 1 để EVNPSC bắt đầu công tác thay thế cáp, đơn vị sẽ huy động tối đa lực lượng, trang tiết bị, tập trung để cố gắng phấn đấu hoàn thành trước 29/5”, ông Uông Thanh Bình Chỉ huy trưởng công trường cho biết.
Một số thông tin dây cáp khô được thay thế:
- Cấp điện áp: 220 kV
- Số mạch: 01 mạch tổ máy
- Điểm đầu: Đầu ra 220kV của máy biến áp tăng áp tổ máy 1
- Điểm cuối: Vị trí đấu nối với đường dây trên không tại trạm chuyển tiếp của nhà máy
- Chiều dài đơn tuyến: Khoảng 600 mét, nặng 11 tấn
- Loại cáp: Cáp đồng 1 lõi, tiết diện 800 mm2 cách điện XLPE, có trang bị sợi cáp quang trong 1 pha của mỗi mạch để kết nối với hệ thống DTS kiểm soát nhiệt độ cáp.
- Lắp đặt: Cáp được lắp trên giá đỡ với 1620 giá đỡ.
- Giá cáp được chế tạo bằng thép mạ kẽm, liên kết bu lông phù hợp với vị trí lắp đặt.