Lần đầu tiên thu thập thông tin người nước ngoài sống tại Việt Nam
Từ ngày 1/4/2024, Tổng cục Thống kê sẽ bắt đầu thực hiện Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 (Điều tra DSGK 2024). Một điểm mới trong cuộc điều tra lần này là sẽ thu thập thông tin về người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam.
Bổ sung đối tượng điều tra mới
Theo Tổng cục Thống kê, cuộc điều tra được thực hiện trên phạm vi cả nước tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tỉnh, thành phố), với mục đích chính là thu thập thông tin về dân số và nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2026 - 2030; giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết.
Kết quả Điều tra DSGK 2024 cũng góp phần thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng. Đề án 06 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện nhiệm vụ thống kê, phân tích dân số đảm bảo nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm chi phí nhà nước.
Trên thực tế, số liệu thống kê về người nước ngoài ở Việt Nam đã được nhiều bộ, ngành quản lý và báo cáo. Tuy nhiên hiện nay, các số liệu này còn rời rạc và thiếu đồng bộ và chưa được sử dụng để phục vụ hiệu quả công tác quản lý.
Việc thu thập thông tin về nhóm người này sẽ là cơ sở để biên soạn các chỉ tiêu thống kê giúp Việt Nam bước đầu có được nguồn số liệu đáng tin cây để đánh giá quy mô, đặc điểm kinh tế - xã hội và các đặc trưng nhân khẩu học về người nước ngoài đang cư trú ở Việt Nam. Từ đó có những chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển bền vững.
Ông Cao Văn Hoạch - Phó Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) thống kê (Tổng cục Thống kê) cho biết, so với các cuộc điều tra trước về dân số, Điều tra DSGK 2024 có điểm mới là lần đầu tiên bổ sung đối tượng điều tra là người có quốc tịch nước ngoài, nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn thống kê và khuyến nghị của quốc tế về thống kê dân số, cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Trước đây, đối tượng các cuộc điều tra chỉ bao gồm người có quốc tịch Việt Nam.
Được biết, công tác thu thập thông tin đối với người nước ngoài đã được quy định cụ thể. Theo đó, đối với hộ có người nước ngoài sống cùng người Việt Nam thì thu thập thông tin như với người Việt Nam. Đối với hộ chỉ bao gồm người nước ngoài thì sử dụng phiếu dành riêng cho người nước ngoài chỉ gồm 10 câu hỏi để thu thập thông tin về giới tính, tuổi, quốc tịch, nơi sinh, tình trạng di chuyển, tình trạng nhà ở của hộ (phiếu điều tra được dịch ra 6 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản).
Điểm mới nữa là Điều tra DSGK 2024 có quy mô mẫu khá lớn, cỡ mẫu 20% địa bàn điều tra của cả nước (tương đương 39.340 địa bàn), mẫu được chọn ở tất cả các huyện với quy mô mẫu đảm bảo các chỉ tiêu về quy mô dân số được đại diện đến cấp huyện (khoảng trên 1,1 triệu hộ mẫu).
Ngoài ra, cuộc điều tra lần này sử dụng kết hợp công cụ thu thập thông tin là phiếu điều tra điện tử và phiếu điều tra in trên giấy, trong đó phiếu điều tra điện tử cài đặt trên thiết bị di động là chính.
Thu thập các thông tin quan trọng về chất lượng cuộc sống người dân
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), mặc dù hiện Việt Nam đã xây dựng thành công cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý), song vẫn cần triển khai điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ.
Bởi, điều tra dân số nói chung và điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ nói riêng nhằm thu thập thông tin về con người trong đời sống kinh tế - xã hội thực tế của một khu vực địa lý, một quốc gia theo các tiêu chí được thừa nhận và áp dụng trên toàn thế giới. Các tiêu chí này không hoàn toàn thống nhất với quy định của cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Chẳng hạn, để xác định một người sẽ được tính vào dân số của một địa bàn hành chính nào đó, điều tra dân số dựa trên khái niệm “nhân khẩu thực tế thường trú”. Trong khi đó, để được ghi nhận vào cơ sở dữ liệu dân cư của một địa phương, công dân cần phải thực hiện các thủ tục đăng ký hộ khẩu, đăng ký tạm trú theo đúng quy định. Nếu không thực hiện các thủ tục theo quy định thì họ sẽ không được tính là dân số của địa phương họ đang thực tế thường trú.
Bên cạnh đó, điều tra không chỉ thu thập thông tin về dân số mà còn thu thập các thông tin về nhà ở của các hộ dân cư cùng với một số chỉ tiêu thống kê quan trọng khác để đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân như: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi chưa được đăng ký khai sinh, trình độ học vấn của dân số, tỷ lệ người dân tộc biết chữ phổ thông, tỷ suất di cư thuần của dân số; tỷ suất sinh, tỷ suất chết, các đặc điểm nhà ở của hộ dân cư…
Trên tất cả, các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mang tính pháp lý, bảo mật và riêng tư. Hiện nay, cơ chế chia sẻ để khai thác nguồn dữ liệu này phục vụ công tác thống kê còn đang thiếu, vì vậy khả năng tiếp cận nguồn thông tin này phục vụ các hoạt động nghiên cứu và phân tích của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước còn gặp nhiều hạn chế, bà Nguyễn Thị Thanh Mai cho hay.
Cuộc điều tra sẽ được thực hiện từ ngày 1/4/2024 đến hết ngày 30/4/2024 tại khoảng gần 40 nghìn địa bàn trong tổng số hơn 200 nghìn địa bàn trên phạm vi cả nước. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ về cơ bản đã hoàn thành, sẵn sàng cho một cuộc điều tra quốc gia quy mô lớn, phạm vi rộng, mức độ tin cậy cao như Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 1/4/2024.