Lần đầu tiên tổ chức Ngày hội Nhãn Châu Thành (Đồng Tháp)

Ngày hội diễn ra từ ngày 27-28/10/2023 với nhiều hoạt động như: Trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm trái cây, sản phẩm OCOP của .

Người dân tham quan, mua nhãn trong ngày hội. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Người dân tham quan, mua nhãn trong ngày hội. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Sáng 27/10, UBND huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ khai mạc Ngày hội Nhãn Châu Thành năm 2023 với chủ đề “Đánh thức tiềm năng bản địa”. Đây là lần đầu tiên ngày hội này được tổ chức trên địa bàn huyện Châu Thành cũng như tỉnh Đồng Tháp.

Ngày hội diễn ra từ ngày 27-28/10/2023 với nhiều hoạt động như: Trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm trái cây, sản phẩm OCOP của huyện; hội thi trưng bày “Trái cây đẹp” Châu Thành; hội thi chế biến món ăn từ trái nhãn; giao lưu đờn ca tài tử; tọa đàm về tiềm năng xuất khẩu và kết nối tiêu thụ nhãn gắn với kết quả thực hiện mô hình “Nông dân tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất”…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Phan Thanh Dũng, việc tổ chức ngày hội này nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh địa phương đến các doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài huyện; tạo cơ hội tìm hiểu, liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông). Đặc biệt, ngày hội còn giới thiệu các giống nhãn trên địa bàn huyện, các sản phẩm chế biến từ nhãn, cùng các sản phẩm OCOP của huyện. Từ đó, khẳng định vị thế, tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch nông thôn theo chiều sâu và bền vững, từng bước nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu nhãn Châu Thành.

Ông Phan Thanh Dũng cho biết, toàn huyện Châu Thành có diện tích trồng nhãn hơn 2.670 ha, tập trung ở các xã An Nhơn, An Phú Thuận và Tân Nhuận Đông; sản lượng mỗi năm ước tính trên 40.050 tấn quả. Đến nay, vùng trồng nhãn của huyện có 126,19 ha được cấp chứng nhận VietGAP; 23 mã số vùng trồng (671,23 ha) xuất khẩu sang các thị trường khó tính (Mỹ, Australia, châu Âu...) và Trung Quốc. Hằng năm, sản lượng nhãn xuất khẩu chiếm khoảng 20% so với tổng sản lượng nhãn toàn huyện; giá trị sản xuất đạt hơn 854 tỷ đồng. Qua đó, đã tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới.

Nhãn Châu Thành trưng bày tại ngày hội. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Nhãn Châu Thành trưng bày tại ngày hội. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Qua thực tế sản xuất cho thấy, cây nhãn phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng ở huyện Châu Thành. Cây sinh trưởng, phát triển tốt và có năng suất, chất lượng cao. Nhãn là một trong những ngành hàng chủ lực, thế mạnh của huyện Châu Thành trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Năm 2016, nhãn Châu Thành (nhãn idor) được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu.

Để phát triển trái nhãn theo hướng bền vững mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân và doanh nghiệp, Châu Thành từng bước quy hoạch lại vùng trồng, xây dựng nhãn hiệu, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu nhãn đáp ứng các điều kiện khắt khe của thị trường về chất lượng sản phẩm…

Việc phát triển các tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nhãn (hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán) được địa phương chú trọng. Hiện nay, huyện Châu Thành hình thành và phát triển được 2 hợp tác xã nhãn, 7 tổ hợp tác và 2 hội quán với khoảng 350 thành viên, hội viên. Thông qua những tổ chức này đã kết nối, hình thành được các chuỗi liên kết tiêu thụ nhãn ổn định với khoảng 10.000 tấn/năm.

Nhựt An/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lan-dau-tien-to-chuc-ngay-hoi-nhan-chau-thanh-dong-thap/313190.html