Lần đầu tiên trên thế giới, giới khoa học đặt tên cho 1 làn sóng nhiệt: Nó vừa tấn công nơi nào?
Nhiệt độ tại khu vực bị sóng nhiệt tấn công lên đến 44,4 độ C.
Lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khoa học đã đặt tên cho một làn sóng nhiệt. Họ gọi nó làZoe.
Theo USA Today, các nhà khoa học Tây Ban Nha đã đặt biệt danh này cho một đợt nắng nóng khiến nhiệt độ tăng vọt lên 44,4 độ C ở Seville (tây nam Tây Ban Nha) trong khoảng thời gian từ ngày 24/7 đến ngày 27/7/2022.
José María Martín Olalla, Phó giáo sư tại khoa Vật lý vật chất cô đặc tại Đại học Sevilla, cho biết đây là một nỗ lực mới để cảnh báo công chúng về nhiệt độ khắc nghiệt và cảnh báo họ về những nguy hiểm.
Từ lâu, các cơn bão đều được các nhà khoa học đặt tên nhưng Zoe là đợt nắng nóng đầu tiên được xướng tên.
Cái tên này là một nỗ lực của Dự án proMETEO Sevilla - một sáng kiến của Trung tâm nghiên cứu và tổ chức phi lợi nhuận Adrienne Arsht-Rockefeller Foundation thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, một trung tâm nghiên cứu và tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, Mỹ.
Seville là địa điểm thí điểm cho dự án, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về nắng nóng khắc nghiệt và vận động cho các nỗ lực giảm thiểu sự nguy hiểm của các đợt nắng nóng.
Theo Dự án proMETEO Sevilla, các hiện tượng nắng nóng được sắp xếp thành ba cấp, với mỗi cấp sẽ kích hoạt các biện pháp nhất định trong kế hoạch ứng phó thảm họa và khẩn cấp của thành phố. Các kế hoạch khẩn cấp bao gồm việc triển khai các nhân viên y tế cộng đồng để kiểm tra những người dễ bị tổn thương và thậm chí giữ cho các hồ bơi thành phố mở cửa trong nhiều giờ hơn. Cấp cao nhất sẽ được chỉ định để nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Trung tâm nghiên cứu và tổ chức phi lợi nhuận Adrienne Arsht-Rockefeller Foundation đang hợp tác với Dự án proMETEO Sevilla và đã chọn Seville, thành phố 700.000 người ở miền nam Tây Ban Nha, làm địa điểm thí điểm.
Những đợt nắng nóng không chỉ là những ngày nóng nực. Chúng được Cơ quan Khí tượng Nhà nước Tây Ban Nha (AEMET) định nghĩa là các đợt nắng kéo dài ít nhất ba ngày liên tiếp trong đó ít nhất 10% các trạm thời tiết ghi lại nhiệt độ tối đa trên phân vị thứ 95 trong tháng 7 đến tháng 8 từ năm 1971 đến năm 2000.
Các đợt nắng nóng có thể nguy hiểm, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương như những người lớn tuổi và những người lao động chân tay ngoài trời. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tính toán vào năm 2018 rằng, từ năm 2000 đến năm 2016, số người tiếp xúc với nhiệt độ quá cao mỗi năm tăng 125 triệu người.
NẮNG NÓNG CÀN QUÉT NHIỀU NƠI TRÊN THẾ GIỚI
Vào tháng 7/2022, nhiệt độ ở Anh đã vượt quá 40 độ C - phá vỡ kỷ lục nhiệt độ mọi thời đại của Vương quốc Anh. Mức nhiệt này có thể gây chết người, đặc biệt là ở những vùng thiếu điều hòa nhiệt độ hoặc thiếu các tòa nhà được xây dựng để chống chọi với nhiệt độ cao.
Miền Nam nước Anh đã ghi nhận tháng 7 (của năm 2022) khô hạn nhất kể từ năm 1836. Đáng chú ý, nắng nóng đã khiến 8km đầu nguồn sông Thames của Anh cạn sạch nước. Đây là điều chưa từng xảy ra tại Anh.
Mỹ cũng đang trải qua thời kỳ nắng nóng khắc nghiệt do khí hậu thay đổi. Vào ngày 15/8/2022, tổ chức phi lợi nhuận First Street Foundation đã phát hành một báo cáo nêu bật tình trạng nắng nóng khắc nghiệt có khả năng trở nên phổ biến hơn trong những thập kỷ tới.
Mô hình của họ cho thấy rằng Deep South, nam bang Arizona và nam đến trung bang California của Mỹ sẽ trải qua một số thay đổi khắc nghiệt nhất. Ví dụ, hạt Miami-Dade ở bang Florida có thể sẽ trải qua 34 ngày trên 39,4 độ C vào năm 2053, so với 7 ngày hiện nay.
Tổ chức phi lợi nhuận First Street Foundation cho biết: Trong khi 8 triệu người ở Mỹ trong năm 2022 sẽ phải trải qua chỉ số nhiệt trên 51,6 độ C, thì 107 triệu người dự kiến sẽ phải trải qua nhiệt độ đó (51,6 độ C) vào năm 2053!
[Chỉ số nhiệt tính đến độ ẩm để điều chỉnh cảm giác của một nhiệt độ không khí nhất định đối với cơ thể con người. Độ ẩm càng cao, nhiệt độ không khí nhất định sẽ càng cảm thấy ấm hơn].
Ấn Độ đã báo cáo 280 ngày sóng nhiệt từ ngày 11/3 đến ngày 18/5/2022, một ấn phẩm Nhà nước về Môi trường của Ấn Độ năm 2022 tiết lộ. Đây là mức cao nhất trong 12 năm ở Ấn Độ. 16 bang của nước này phải đối mặt với tình trạng giống như đợt nắng nóng cao điểm từ ngày 11 tháng 3 đến ngày 24 tháng 4.
Không chỉ phải trải qua các đợt nắng nóng, Ấn Độ còn hứng chịu lũ lụt và mưa lớn. Nước này đang chống chọi với biến đổi khí hậu và ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Các chuyên gia nói thêm rằng biến đổi khí hậu không chỉ làm tăng nhiệt độ và làm cho các đợt nắng nóng của Ấn Độ trở nên nóng hơn, mà còn thay đổi các mô hình thời tiết khiến thời tiết khắc nghiệt thêm nguy hiểm.
Ảnh hưởng của các đợt nắng nóng gay gắt đến các lĩnh vực khác nhau, bao gồm sức khỏe, công việc, chất lượng cuộc sống và nền kinh tế, đã được ghi nhận đầy đủ. Theo hồ sơ chính thức, các đợt nắng nóng đã khiến hơn 24.000 người chết từ năm 1992 đến 2015 trên khắp nước Ấn Độ. Một báo cáo gần đây của Bộ Khoa học Trái Đất (Ấn Độ) chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong trên một triệu người vì các đợt nắng nóng đã tăng 62,2% trong bốn thập kỷ qua.
Zoe có thể là đợt nắng nóng được đặt tên đầu tiên, nhưng nó sẽ không phải là đợt cuối cùng. Các nhà chức trách ở Tây Ban Nha có kế hoạch thay thế tên nam và nữ theo thứ tự bảng chữ cái ngược lại cho các sự kiện nắng nóng trong tương lai.
Bằng cách đặt tên cho các đợt nắng nóng, proMETEO Sevilla hy vọng sẽ cho công chúng biết rằng họ sẽ cần phải cẩn thận hơn, USA Today đưa tin.
Trong đợt nắng nóng, WHO khuyên bạn nên giữ mát bằng cách mở cửa sổ vào ban đêm để không khí mát hơn vào và tránh ánh sáng vào ban ngày. Cần đặc biệt chú ý - đảm bảo giữ mát cho trẻ sơ sinh, người trên 60 tuổi hoặc những người có tình trạng sức khỏe mãn tính. Ngoài ra, việc giữ đủ nước là rất quan trọng trong thời gian nhiệt độ cao vì nó có thể ngăn ngừa say nắng.
Bài viết sử dụng nguồn: CNBC/TV18, Sciencealert