Lần đầu tiên trong lịch sử, Israel đưa đồng nhân dân tệ vào dự trữ
Ngân hàng Trung ương Israel sẽ bổ sung đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng thời cắt giảm lượng nắm giữ bằng đồng đô la Mỹ và đồng euro. Đây là động thái nhằm đa dạng hóa phân bổ dự trữ và kéo dài thời gian đầu tư.
Theo tờ Business Insider, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel, ông Andrew Abir, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi cần xem xét nhu cầu kiếm được lợi nhuận từ khoản dự trữ để từ đó trang trải chi phí nợ phải trả”.
Ngoài đồng nhân dân tệ, Ngân hàng Trung ương Israel cũng sẽ bổ sung đô la Canada và đô la Australia. Động thái này báo hiệu thay đổi trong toàn bộ hướng dẫn và triết lý đầu tư của ngân hàng này. Trước đây, Ngân hàng Trung ương Israel chỉ nắm giữ đô la Mỹ, euro và bảng Anh.
Kho dự trữ của Israel sẽ lần đầu tiên vượt 200 tỷ USD.
Trong tương lai, đồng nhân dân tệ sẽ chiếm 2% dự trữ của Ngân hàng Trung ương Israel. Còn đồng tiền của Canada và Australia mỗi loại sẽ chiếm 3,5% dự trữ.
Đợt bổ sung mới này có nghĩa là tỷ trọng của đồng euro sẽ giảm từ 30% xuống 20% và đồng đô la Mỹ sẽ chiếm 61%, giảm từ tỷ lệ cũ 66,5%.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tỷ trọng của đồng đô la Mỹ trong tổng dự trữ tiền tệ toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ, làm dấy lên đồn đoán về sự trỗi dậy của đồng nhân dân tệ Trung Quốc.
Trung Quốc từ lâu đã thúc đẩy đồng nhân dân tệ thay thế đồng đô la Mỹ để làm đồng tiền dự trữ. Các chuyên gia nói rằng sẽ có thay đổi lớn nếu vũ khí hóa đồng tiền của Mỹ nhằm chống lại các tổ chức tài chính của Nga. Nhà kinh tế Aleksandar Tomic nói rằng hiệu quả của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã trở thành lời cảnh tỉnh cho các quốc gia đang tìm cách giảm tiếp xúc với đồng USD.
Nhưng để đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá trị nhiều hơn nữa, các quốc gia khác sẽ phải mất lòng tin vào nền kinh tế Mỹ và có niềm tin vào các cơ quan quản lý tiền tệ của Trung Quốc.
Ông Tomic cho biết: “Những thách thức đối với đồng đô la Mỹ đã xảy ra trước đó, nhưng chưa có tác động nào vì khi mọi thứ biến động, Mỹ có xu hướng ổn định, vì vậy đồng đô la Mỹ vẫn tồn tại”.
Trong khi đó, số lượng tài khoản bằng đồng nhân dân tệ mở mới tại các ngân hàng Nga tăng mạnh trong bối cảnh Mỹ và phương Tây siết chặt trừng phạt nhằm vào Moskva.
Kết quả khảo sát do tờ “Thương nhân” (Kommersant) công bố cho thấy các ngân hàng tại Nga ghi nhận xu hướng gia tăng mạnh tài khoản bằng đồng nhân dân tệ được mở mới trong tháng 3 vừa qua. Người dân Nga đang chủ động chuyển đổi nguồn ngoại tệ dự trữ bằng USD, euro sang đồng nhân dân tệ.
Tại ngân hàng Tinkoff Bank, số lượng tài khoản tiền gửi bằng đồng nhân dân tệ tăng 8 lần. Tỉ lệ này ở Ngân hàng MTS và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Ural lần lượt là 4 lần và 3,5 lần.
Ngân hàng Tinkoff Bank cũng cho biết nhiều công ty bán buôn cũng đã chuyển hình thức thanh toán sang đồng nhân dân tệ dù trước đó số này từng kỳ vọng giao dịch bằng đồng USD sẽ nhanh hơn và dễ dàng hơn. Thị phần thanh toán bằng đồng nhân dân tệ tăng từ mức 15-20% trong năm ngoái lên 25-30% ở thời điểm hiện tại.
Còn theo Ngân hàng MTS, giao dịch bằng đồng nhân dân tệ được thực hiện đối với các hoạt động buôn bán, trao đổi phụ tùng, thiết bị liên quan, sản phẩm dệt may và thực phẩm. Các công ty dầu mỏ, khai thác than, kim loại màu cũng bắt đầu sử dụng cơ chế hoán đổi tiền tệ, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.
Các tổ chức tài chính của Nga đã phải chịu áp lực ngày càng lớn sau khi các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraina được đưa ra. Các ngân hàng đã phải chuyển sang sử dụng hệ thống thẻ tín dụng UnionPay của Trung Quốc sau khi Visa và Mastercard thông báo ngừng hoạt động tại nước này.