Lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang xuất ngoại qua Ga liên vận quốc tế Kép
Chuyến tàu đầu tiên chở 3 container chuyên dụng với 56 tấn vải thiều tươi Lục Ngạn đã chính thức xuất hành từ Ga liên vận quốc tế Kép, tỉnh Bắc Giang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Theo ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, người sản xuất và các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vải thiều mong muốn được mang đặc sản này đến mọi miền Tổ quốc và xuất khẩu đến thị trường các nước thuận tiện, nhanh chóng, chi phí vận chuyển hợp lý.
Trong đó, thị trường Trung Quốc là thị trường truyền thống, chiếm 45% tỷ lệ xuất khẩu quả vải. Khi Ga liên vận quốc tế Kép hoạt động, người dân, doanh nghiệp trồng và tham gia phân phối vải thiều sẽ có hình thức vận chuyển thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả.
Ông Phan Thế Tuấn đề nghị, Chi cục Hải quan quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 hỗ trợ, tạo điều kiện, hướng dẫn các quy trình, thủ tục cho doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu, đảm bảo thông quan với thời gian sớm nhất.
Trao đổi với phóng viên bên lề, ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, thời điểm này vải thiều Lục Ngạn bắt đầu vào thu hoạch chính vụ.
"Đến ngày hôm nay (15/6) đã tiêu thụ được 27.500 tấn và tình hình giá cả khá ổn định, nhất là vải thiều loại 1, có mã số vùng trồng để xuất khẩu đi các nước như Nhật Bản, Mỹ và các thị trường cao cấp có giá ổn định và cao hơn so với những năm trước" - ông Thi nói.
Năm nay, huyện Lục Ngạn có 17.000ha vải thiều, trong đó có gần 13.500ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Dự kiến sản lượng quả vải thiều tươi toàn huyện Lục Ngạn năm 2023 đạt khoảng 98.000 tấn.
Trong những năm trước, vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn đều được vận chuyển đi tiêu thụ ở trong nước cũng như xuất khẩu sang thị trường chủ lực Trung Quốc bằng đường bộ. Việc vận chuyển này có lúc đã ảnh hưởng tới hoạt động tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là ở những thời điểm ùn tắc ở khu vực biên giới tại các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai.
Bà Vũ Thị Như, đại diện Công ty TNHH Xuất khẩu An Như cho biết, mỗi năm công ty tiêu thụ trên 1.000 tấn vải thiều tươi. Hiện tại, công ty đang vận chuyển vải thiều bằng đường bộ và đường hàng không nhưng đi lại bằng đường bộ còn ùn tắc giao thông, mất nhiều thời gian, chi phí giá thành cao.
Chính vì thế, việc tổ chức xuất hành vận chuyển vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc bằng đường sắt đã mở ra một kênh vận tải mới, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân, các HTX và người dân trong hoạt động vận chuyển tiêu thụ vải thiều ở cả trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Phòng, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Bằng Thủy, thôn Lim, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, với lô 11 tấn vải thiều xuất khẩu chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc bằng đường sắt, HTX đã được tạo điều kiện thông quan nhanh nhất, khắc phục được tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu.
"Mình không phải làm thủ tục rườm rà" - bà Phòng nói và cho biết kế hoạch năm nay HTX dự kiến xuất khẩu 5.000 tấn vải thiều, trong đó có 4.000 tấn xuất khẩu sang Trung Quốc và 1.000 tấn tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt nhận định, những năm trước, toàn bộ vải thiều tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc đều được vận chuyển bằng đường bộ.
"Năm nay có thêm phương thức vận chuyển mới bằng đường sắt để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp kinh doanh nông sản Bắc Giang đưa sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là những thời điểm trên các cửa khẩu đường bộ ách tắc thì phương tiện vận chuyển đường sắt là một giải pháp để hỗ trợ bà con trong công tác xuất khẩu. " - ông Thanh nói.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Thanh cho biết, container tự hành, tự làm lạnh sẽ giúp bảo quản hàng hóa từ vựa cho đến chợ đầu mối bên Trung Quốc luôn luôn tươi ngon và giữ được chất lượng cao.
Năm 2023 diện tích vùng trồng vải của tỉnh Bắc Giang khoảng 29.700 ha, sản lượng vải thiều dự kiến đạt 180.000 đến 200.000 tấn. Được chăm sóc theo các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, chất lượng quả vải của Bắc Giang vượt trội, nhiều năm khẳng định chất lượng tại thị trường trong và ngoài nước./.