Lần đầu tiên Việt Nam phẫu thuật cắt khối u xương chầy, bảo tồn được chân của bệnh nhân
Ca mổ cực kỳ phức tạp để cắt bỏ khối ung thư xương chầy với sự phối hợp hoàn hảo giữa phẫu thuật ung thư, phẫu thuật tạo hình khớp, phẫu thuật chuyển vạt che phủ, đã thành công. Đặc biệt, ca mổ không chỉ triệt căn được khối u, mà còn phục hồi chức năng khớp gối tốt nhất và đảm bảo cả thẩm mỹ cho bệnh nhân. Chỉ sau 3 ngày phẫu thuật, không chỉ đỡ đau mà đầu gối bệnh nhân còn gấp được 30 độ.
Ca mổ đầu tiên ở Việt Nam này do PGS.TS. Trần Trung Dũng – Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, giảng viên Trường Đại Học Y Hà Nội – trực tiếp thực hiện cùng ekip bác sĩ của Bệnh viện K và Bệnh viện Xanh Pôn.
Trao đổi với chúng tôi hôm nay, 1/3, BS. Nguyễn Trần Quang Sáng – người tham gia kíp mổ - cho biết, bệnh nhân là anh Nguyễn Văn H. 24 tuổi. Gần một năm nay, anh H. thường bị đau âm ỉ ở chân trái. Các cơn đau xuất hiện dày hơn, khiến anh đau đớn đến mức không ăn không ngủ được, dù đã dùng thuốc giảm đau và thuốc ngủ. Đến bệnh viện khám, anh H. được chẩn đoán bị ung thư xương.
Với khối u loại này, việc hóa trị, xạ trị rất ít tác dụng, nên phẫu thuật là lựa chọn duy nhất để cứu sống bệnh nhân. Nhưng việc phẫu thuật vô cùng khó khăn, do tổn thương ở xương chày lan rộng, nên muốn loại bỏ triệt để khối u, phải cắt toàn bộ 2/3 xương chày. Do đó bệnh nhân có nguy cơ bị cắt cụt 1/3 dưới xương đùi.
Nhưng, bệnh nhân mới 24 tuổi, lại chưa có gia đình, nên việc cắt cụt đùi khác nào khép cánh cửa cuộc sống tương lai của anh lại? Là một bác sĩ ngoại khoa có tay nghề, từng tiếp xúc với biết bao trường hợp tương tự, PGS.TS. Trần Trung Dũng hiểu hơn ai hết nỗi sợ hãi của một người đối diện với việc mất một phần cơ thể, nên anh trăn trở rất nhiều trước khi tiến hành ca phẫu thuật.
“Khối ung thư của xương chầy có thể dễ dàng loại bỏ bằng việc cắt cụt, đảm bảo nguyên tắc triệt căn, nhưng sẽ để lại những hệ lụy sâu sắc về tâm, sinh lý cho bệnh nhân và gia đình họ. Tôi quan niệm, bác sỹ phẫu thuật không chỉ là người có đường dao chính xác và hoàn hảo, mà còn phải là người hiểu sâu sắc cả tâm, sinh lý bệnh nhân; điều khiển lưỡi dao mổ không phải bằng khối óc, mà còn bằng cả trái tim mình.
Ảnh chụp đoạn xương và khớp nhân tạo trên phim X quang sau phẫu thuật
“Bác sỹ không phải chỉ là người chữa bệnh cho bệnh nhân, mà là người cùng với bệnh nhân ở trên 1 trận chiến với căn bệnh ung thư của họ. Sự khác biệt trong nhận thức giúp cho người bác sỹ ý thức hơn trách nhiệm và động lực, để sát cánh cùng bệnh nhân trong cuộc chiến này” - PGS.TS. Trần Trung Dũng tâm sự suy nghĩ của anh trước khi đưa ra phương án phẫu thuật tối ưu.
Vì thế, PGS.TS. Trần Trung Dũng và các cộng sự lên phương án phẫu thuật cho bệnh nhân với mục tiêu cao nhất là cắt bỏ hoàn toàn khối u, đồng thời, phải bảo tồn chân cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, quyết định này khiến ekip phẫu thuật đối diện với rất nhiều khó khăn, như phải tạo hình lại khuyết hổng của xương rất lớn sau khi cắt bỏ u, tới 2/3 xương chày, dài hơn 20cm. Đặc biệt phức tạp là việc tạo hình phục hồi lại điểm bám và chức năng gân bánh chè, bởi khi khâu gân bánh chè vào khớp nhân tạo, sẽ không tạo được sự kết dính, nên sau một thời gian, khi đứt chỉ khâu, toàn bộ diện bám gân bánh chè sẽ bị nhổ, làm cho khớp gối không duỗi được.
Sau khi nghiên cứu, các bác sĩ đưa ra phương án chuyển vạt cân cơ sinh đôi trong che phủ diện bám gân bánh chè, giúp gân bánh chè có sự kết dính bền vững, chức năng khớp gối được đảm bảo. Cũng nhờ xác định chính xác các thông số về kích thước u, đoạn xương cần phải cắt, kích thước khớp gối dưới định dạng 3D, nhóm phẫu thuật đã yêu cầu nhà sản xuất tạo được khớp và đoạn kim loại thay thế phần xương khuyết phù hợp với bệnh nhân.
Các bác sĩ tiến hành ca mổ đặc biệt với mong muốn mang lại hạnh phúc cho bệnh nhân và gia đình họ
Với sự chuẩn bị khoa học, kỹ lưỡng của cả ekip, cùng tay nghề và kinh nghiệm dày dạn trong phẫu thuật ung thư của PGS.TS. Trần Trung Dũng, ca mổ đã diễn ra với sự kết hợp hoàn hảo các kỹ thuật chuyên khoa sâu về phẫu thuật ung thư, phẫu thuật chỉnh hình và chuyển vạt cơ.
Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân diễn biến tốt, đang được hướng dẫn phục hồi chức năng và chăm sóc chu đáo. PGS.TS. Trần Trung Dũng tin rằng, ca mổ không chỉ triệt được khối u mà còn giúp khôi phục chức năng khớp gối, giúp bệnh nhân đi lại bình thường, sớm xuất viện và quay trở lại cuộc sống.
Ca mổ phức tạp lần đầu ở Việt Nam diễn ra thành công đúng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, càng khiến cho niềm hạnh phúc đong đầy với toàn bộ ekip, nhất là với PGS. Trần Trung Dũng. Anh kể, 2 năm trước, một du học sinh Việt Nam ở Nga cũng bị ung thư xương chày nhờ anh mổ, nhưng do Việt Nam chưa đủ điều kiện về trang thiết bị y tế, nên bệnh nhân phải quay lại Nga mổ, với chi phí cao gấp nhiều lần ở Việt Nam. Khi đó, anh chỉ ước ao sẽ có ngày thực hiện được ca phẫu thuật ung thư xương chày cho bệnh nhân ngay tại Việt Nam, để họ không còn phải ra nước ngoài chữa bệnh khi các thầy thuốc trong nước đủ khả năng như thế nữa…
Ước mơ 2 năm trước giờ đã thành sự thật và sẽ là cánh cửa mở ra cơ hội sống cho nhiều người bệnh ở Việt Nam. “Việc bảo tồn chi thể sau khi loại bỏ khối u là một bước tiến quan trọng không chỉ trong điều trị khối u, mà là cả cuộc sống của bệnh nhân”- PGS.TS. Trần Trung Dũng nhấn mạnh.
BS. Nguyễn Trần Quang Sáng chia sẻ: Ca mổ thành công không những mang lại hạnh phúc cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, mà còn là sự động viên ekip phẫu thuật trong việc đồng hành cùng bệnh nhân chống lại bệnh ung thư. Thành công của ca mổ cũng là lời tri ân của cả ekip với PGS. Trần Trung Dũng - người thầy luôn dành toàn bộ tâm huyết, trí tuệ để truyền nhiệt huyết tới các thế hệ học trò trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư: Không bao giờ đầu hàng trước căn bệnh quái ác này!