Lần đầu vàng miếng 'mất giá' trước vàng nguyên liệu
Thị trường vàng trong nước đang chứng kiến biến động hiếm gặp khi giá mua vào của vàng miếng còn thấp hơn cả giá mua vào của sản phẩm vàng nguyên liệu.

Giá mua vàng nguyên liệu đang cao hơn giá mua vàng miếng. Ảnh: Thế Bằng.
Trong phiên giao dịch ngày 18/2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Tập đoàn DOJI, Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải... cùng niêm yết giá mua vàng miếng từ người dân ở mức 88,6 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý đưa ra mức giá mua cao hơn, tại 88,7 triệu đồng/lượng. Thậm chí, Công ty Mi Hồng niêm yết giá mua vàng miếng cao nhất thị trường, lên đến 89,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, vàng nguyên liệu 24K - thường có giá thấp hơn vàng miếng - nay lại được mua vào với mức giá cao hơn.
Cụ thể, tại DOJI, giá mua vàng nguyên liệu 24K đạt mức 89,6 triệu đồng/lượng, cao hơn cả giá mua vàng miếng của chính thương hiệu này và của nhiều doanh nghiệp lớn khác tới gần triệu đồng mỗi lượng.

Tại DOJI, giá thu mua vàng nguyên liệu đang cao hơn vàng miếng SJC gần triệu đồng/lượng. Ảnh: DOJI.
Trước sự chênh lệch giá bất thường này, một số nhà đầu tư có thể nghĩ đến việc nung chảy vàng miếng để bán dưới dạng vàng nguyên liệu nhằm thu về mức giá cao hơn.
Cụ thể, một người bán vàng miếng tại cửa hàng DOJI hiện chỉ nhận được 88,6 triệu đồng/lượng, nhưng nếu họ nung chảy vàng miếng thành vàng nguyên liệu và cũng bán tại đơn vị này có thể nhận được 89,6 triệu đồng/lượng, tức cao hơn gần 1 triệu đồng/lượng.
Trong lịch sử từ trước đến nay, sản phẩm vàng miếng, đặc biệt là vàng miếng của thương hiệu vàng quốc gia SJC (hiện độc quyền sản xuất vàng miếng), thường có giá cao hơn vàng nguyên liệu do hạn chế về nguồn cung. Tuy nhiên, diễn biến mới cho thấy sự đảo chiều hiếm thấy của thị trường.
Anh Hoài Anh - nhà đầu tư vàng nhiều năm kinh nghiệm ở Đống Đa, Hà Nội - đánh giá nguyên nhân có thể xuất phát từ nhu cầu vàng miếng giảm mạnh, trong khi nhu cầu vàng nguyên liệu lại tăng.
Từ đầu năm đến nay, chênh lệch giá mua - bán của vàng miếng SJC luôn ở mức cao, trong ngày vía Thần Tài vừa qua lên đến 3,5 triệu đồng/lượng đã khiến người dân và nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.
Ở thời điểm hiện tại, giá bán vàng miếng tại các doanh nghiệp lớn chủ yếu dao động 90-91 triệu đồng/lượng, trong khi giá mua vào chưa đến 89 triệu đồng/lượng, tức là chênh lệch có giảm nhưng vẫn ở mức cao tới 2,5-3 triệu đồng/lượng.
"Đây là mức chênh lệch lớn, làm giảm sức hút của vàng miếng đối với những nhà đầu tư có ý định đầu tư ngắn hạn hoặc lướt sóng", anh Hoài Anh đánh giá.
Ngược lại, vàng nguyên liệu có nhu cầu gia tăng do các doanh nghiệp sản xuất nữ trang cần nguồn cung để đáp ứng thị trường. Khi nhu cầu vàng trang sức tăng cao, giá mua vào của vàng nguyên liệu tất nhiên cũng được đẩy lên, dẫn đến việc giá mua vào sản phẩm này lên cao hơn cả vàng miếng.
Tuy nhiên, anh Hoài Anh cho rằng sự bất thường này có thể chỉ là hiện tượng ngắn hạn và sẽ được điều chỉnh khi cung - cầu thị trường cân bằng trở lại.
Các nhà đầu tư cũng nên cân nhắc trong trường hợp "ăn theo" chênh lệch giá vì việc nung chảy vàng miếng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Hiện theo quy định, vàng miếng SJC là thương hiệu vàng quốc gia, việc thay đổi hình dạng hoặc sử dụng sai mục đích nhằm đầu cơ kiếm lợi rất có thể vi phạm quy định.
Nguồn Znews: https://znews.vn/lan-dau-vang-mieng-mat-gia-truoc-vang-nguyen-lieu-post1532515.html