Lần đầu vào Khau Vai
BHG - Vào năm 1993, trước khi diễn ra chợ Khau Vai mấy ngày, đạo diễn phim tài liệu Trần Văn Thủy, Trịnh Lê Văn, Quốc Khánh ở Hãng phim hoạt hình Việt Nam kéo một đoàn lên. Anh Thủy đưa tôi xem kịch bản phim về phiên chợ tình, tôi đọc một mạch, ý tưởng thật độc đáo về nét văn hóa ở vùng quê núi heo hút. Là người công tác lâu năm ở Hà Giang, tôi thật sự ngạc nhiên trước những phát hiện mới về bản sắc văn hóa dân tộc các anh đề cập. Nhưng tôi cũng băn khoăn một số trường đoạn liệu có thực hiện được không, như: Dựng những túp lều bằng cây ngô quanh chợ, ven suối, bên rừng, trước những hang đá… để tạo vẻ nguyên sơ; không có diễn viên quần chúng, tìm người giúp đỡ, giao tiếp với nhân chứng… Gọi là một ngày, nhưng khi chợ tan cảm giác thời gian trôi đi rất nhanh. Tôi biết các anh kinh phí có hạn, nhưng cả đoàn đều hứng khởi, quyết tâm cao.
Chúng tôi ngược Cao nguyên. Núi non, sông, suối cứ mở ra như những trường đoạn phim hoành tráng, cuốn hút… Khi đứng trên cổng trời Cán Tỷ nhìn dòng sông Tráng Kìm thăm thẳm, mảnh mai như dải lụa, các anh trong đoàn đều thốt lên: Hùng vĩ quá, hiểm trở quá! Tôi nói với các anh: Đây mới là cửa ngõ Cao nguyên phía Bắc, rồi các anh sẽ còn ngạc nhiên nữa.
Sáng 26 tháng 3 (Âm lịch), chúng tôi lên đường vào Khau Vai, được UBND huyện Mèo Vạc giúp đỡ nhiệt tình và còn cho mượn xe U-oát, máy phát điện, cử cán bộ của phòng Văn hóa đi cùng. Thời kì này Khau Vai chưa có đường ô tô. Các anh thuê người địa phương, ngựa thồ máy móc, dụng cụ phục vụ làm phim. Như vậy, sự chuẩn bị khá chu đáo. Xế chiều cả đoàn người, ngựa vào đến Khau Vai. Những nương đá bạt ngàn, con đường mòn len lỏi giữa trùng trùng đá sắc. Núi Sán Séo Tỷ trước mặt, vách đá trắng bạc lãnh lẽo dưới nắng mặt trời, hoa Kim ngân vàng rộ mơ màng. Chúng tôi thận trọng xuống từng bậc dốc, len lỏi giữa cánh rừng nguyên sinh vào trụ sở UBND xã Khau Vai.
Mặc dù sớm mai chợ mới họp, nhưng người ở các nơi tụ về đã đông, nghỉ đêm nhờ nhà bà con, đông nhất là thanh niên nam, nữ. Trụ sở UBND náo nhiệt hẳn lên trong ánh điện. Phải nói thật, đây là lần đầu Khau Vai thấy sự lạ này. Trẻ em, thanh niên, người già kéo đến tò mò nhìn các thành viên trong đoàn, đồng bào có cơ hội nhìn tận mắt điện sáng thay trăng…
Đêm, chúng tôi không tài nào ngủ được, có tiếng hát véo von, trầm bổng tiếng khèn, tiếng đàn môi réo rắt gọi bạn. Chúng tôi hiểu: Không chờ đến ngày mai, chợ tình Khau Vai đã bắt đầu từ đêm 26… Bên bếp lửa bập bùng, từng đôi trai gái mắt nhìn mắt đắm đuối, tình yêu chắp cánh cất thành lời ca. Giọng hát trai, gái đầy sức quyến rũ bay bổng… tôi nhận biết qua giai điệu sự tha thiết, chân thành, nồng nàn đến cháy bỏng: Người ơi xuống núi cùng em/Hãy mang theo ngựa và đi một mình/Em đây tuy chẳng còn xinh/Có ô che nắng - chợ tình Phong Lưu…
Sáng 27 tháng 3, chợ Khau Vai (hay còn gọi là chợ Phong Lưu) bất kể nắng hay mưa, dòng người đổ về như thác nước mùa lũ. Một sự bùng nổ của những cong tim khao khát yêu thương… bỏ qua tất cả, hướng về Khau Vai để gặp người thương, để gặp bạn tình…
Bên những chảo thắng cố nghi ngút khói, rượu Há ía cất bằng ngô non men lá tràn bát là những con người cụ thể, họ nói về sự éo le, thuận lợi, sự chờ đợi và hy vọng… bên những cánh rừng, con suối, hang đá, từng đôi nam nữ tình tứ kín đáo, tình yêu được bộc lộ hết mình: Trên trời chỉ có mây sớm mây chiều/Trên núi chỉ có hai người yêu nhau.
Con trai, con gái đến chợ lần đầu tiếng hát thường bay bổng trong sáng, vòng vo, vân vi, dựa theo các làn điệu dân ca: Sli, Cọi, Lượn… hoặc tự sáng tác từ tấm lòng chân thành khao khát tìm bạn: Em như con chim ở rừng xa về chưa có tổ… người con trai nhậy cảm không kém: Cái tổ của anh kết bằng cỏ khô sợ em chê nhỏ - em ơi! Nếu tâm đầu ý hợp có thể họ dắt nhau đi đến sáng hôm sau.
Con gái, con trai đến Khau Vai một vài phiên mà chưa nên vợ chồng, tiếng hát thường buồn da diết trách móc: Trước đây ta đã thề với nhau giữa chốn thiên đường chợ Khau Vai/Nay em lại để quả Pao rơi xuống đất/Xin hỏi gió rừng người yêu của ta đâu? Người con gái thổn thức: Em cũng buồn cho em lắm/Cũng tại cha mẹ ép duyên thôi/Nên em đi ở nhà người/Tháng Ba ngày chợ hẹn anh lại về! Người con trai rộng lượng nhưng trong lòng vẫn vời vợi tiếc nuối: Xin em đừng đau khổ/Không làm rẫy sẽ làm ruộng/Không thành vợ sẽ làm người yêu/Đón em từ sớm đến chiều Phong Lưu! Còn các bà già, ông lão lưng còng tóc bạc lâu ngày không gặp nhau, đến chợ để ôn lại những kỉ niệm của một thời tuổi trẻ. Giọng hát ngậm ngùi xa xót: Lâu lâu không gặp tưởng đã mất/May mà ta không để tang nhau…
Chợ Khau Vai là chợ của các lứa tuổi, của mọi gia đình. Bố gặp lại người yêu cũ. Mẹ gặp lại người tình xưa và con cái đi tìm bạn mới. Họ tạm xa nhau một ngày để đi tìm cái riêng ngoài vợ, ngoài chồng của mình. Người chồng có thể ghen khi vợ lên nương lén lút ngoại tình, nhưng đến chợ Phong Lưu thì tình yêu được tự do chắp cánh. Miễn là người vợ: Sáng vòng bạc và ôm chồng cũng khéo…vì thế vợ không ghen chồng, chồng không ghen vợ, tình cảm riêng tư được tôn trọng và bộc lộ hết mình: Thương em nhiều nhiều/Đến chợ Khau Vai rồi sẽ yêu… Họ phải nén chịu một năm, vài ba năm để đến chợ mới có dịp gặp gỡ, thổ lộ, tâm tình mặc dù có khi họ vẫn gặp nhau trong các phiên chợ khác.
Thời gian một ngày không đủ dãi bày tâm sự. Khi hoàng hôn buông, họ trở về với nghĩa vụ của người vợ, người chồng và sự mong đợi của gia đình.
Họ tiễn nhau thêm một quãng đường, rưng rưng nước mắt, vừa đi vừa hát lời chia ly và hò hẹn. Nhưng ai biết sang năm họ có được gặp lại nhau nữa không? Cũng có thế trong số ấy, có người không trở lại Khau Vai nữa. Nhưng dù chỉ một lần đi chợ Khau Vai, ai cũng có kỉ niệm dịu ngọt về một tình yêu dịu ngọt!
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/tin-moi/202203/lan-dau-vao-khau-vai-2092b0d/