Lần giở tài liệu trăm năm

Anh Võ Nguyên Phong, hiện sống tại TP.Quảng Ngãi, cùng với tác giả Cù Thị Dung (Trung tâm Lưu trữ quốc gia II thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) đã lần giở khối tài liệu đồ sộ lưu trữ qua hàng trăm năm để thực hiện công trình 'Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ'.

Khám phá vùng đất phương Nam

Nghe tên gọi “Sài Gòn - Chợ Lớn”, nhiều người nghĩ ngay đến nét cổ xưa, đặc sắc của vùng đất vốn được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Và, càng thú vị hơn khi khám phá nét đặc trưng của đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua cuốn sách “Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ” của 2 tác giả Võ Nguyên Phong và Cù Thị Dung.

Qua công trình nghiên cứu này, nhóm tác giả đã đưa nhiều tài liệu lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng về lịch sử vùng đất Sài Gòn - Gia Định từ khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, thiết lập chủ quyền của Đàng Trong tại vùng đất phía nam (năm 1698) cho đến năm 1945; các chương trình quy hoạch phát triển thành phố, cùng với các công trình kiến trúc tiêu biểu do người Pháp xây dựng tại đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn từ cách nay hơn một thế kỷ.

Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, đến trước thế kỷ XVI, Sài Gòn - Gia Định còn là vùng hoang vu, cư dân thưa thớt. Cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, từng lớp lưu dân đến khai hoang vỡ đất trên dải đất xa xôi, hoang dã, lập nên những xóm làng đầu tiên. Năm 1698, Minh Vương Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, lập phủ Gia Định, đặt Phiên Trấn dinh và Trấn Biên dinh, chính thức xác lập đơn vị hành chính của Đàng Trong tại vùng đất phương Nam.

Trong quá trình khai hoang mở đất, thiết lập tổ chức hành chính đầu tiên, nhà Nguyễn cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu xã hội như thành trì, đồn lũy phòng thủ quanh vùng Sài Gòn - Gia Định, mở đường sá lưu thông với các vùng. Từ những năm đầu thực dân Pháp xâm lược đến nửa đầu thế kỷ XX (1859 - 1945), vùng đất Sài Gòn - Gia Định, dưới sự khai thác của người Pháp đã phát triển thành một thành phố theo kiểu phương Tây.

Nhóm tác giả Võ Nguyên Phong và Cù Thị Dung vinh dự nhận Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 12 - năm 2024. Ảnh: PV

Nhóm tác giả Võ Nguyên Phong và Cù Thị Dung vinh dự nhận Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 12 - năm 2024. Ảnh: PV

Hai tác giả Võ Nguyên Phong và Cù Thị Dung đã dày công nghiên cứu, lần giở khối tài liệu đồ sộ được lưu trữ từ cách đây hàng trăm năm để giới thiệu đến công chúng những đặc trưng của đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945. Điều khiến nhiều người bất ngờ và thêm phần thán phục đó là, Võ Nguyên Phong là một kỹ sư xây dựng, song lại đam mê nghiên cứu lịch sử. Anh là hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Tác giả Võ Nguyên Phong chia sẻ, để có được kết quả này, chúng tôi sử dụng một phần lớn tri thức các thế hệ đi trước đã nghiên cứu về Sài Gòn - Chợ Lớn. Ở thời Nguyễn, chúng tôi khảo sát sâu về quá trình xây dựng các công trình thành lũy ở phủ Gia Định, kéo dài từ 1698 với tiến trình từ Mô Xoài (Bà Rịa) về đến Sài Gòn (Gia Định).

Những dấu ấn đó phần lớn hiện nay chỉ còn trên 2 nguồn, là dấu vết khảo cổ học và tư liệu thành văn. Thời Pháp thuộc, may mắn hơn là các tài liệu lưu trữ đã giúp người nghiên cứu tiếp cận và nhận diện rõ nét hơn, bên cạnh các công trình vẫn còn hiện diện dù không nhiều.

Nghiên cứu trang sử miền Ấn - Trà

Bên cạnh các nghiên cứu ở Nam Bộ, anh Võ Nguyên Phong đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về khu vực miền Trung từ Quảng Nam trở vào, đặc biệt là quê hương Quảng Ngãi. Anh Phong cho rằng, người Quảng Ngãi can trường trong quá trình chinh phục thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm, một đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Chúng ta luôn tự hào về Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán, một dũng tướng để lại nhiều dấu ấn trên miền đất Ấn - Trà và ngay cả trên xứ Quảng Nam xưa, từ Quảng Nam vào đến Bình Định. Tinh thần anh dũng, bất khuất của Hộ đốc Võ Duy Ninh (1859) ở mặt trận Nam Kỳ, Anh hùng dân tộc Trương Định (1864) và con trai ông là Thủ lĩnh Trương Quyền (1870) chống Pháp ở Nam Bộ.

Hay cử nhân Lê Trung Đình (1885), cử nhân Nguyễn Vịnh (1895) trong phong trào Cần vương tại Quảng Ngãi, luôn ngời sáng và nêu cao tiết tháo người xứ Quảng. Sự phát triển và nổi dậy của cao trào Xô Viết tại Quảng Ngãi năm 1930 - 1931 do Đảng Cộng sản lãnh đạo là mốc son sáng chói của người Quảng Ngãi trong phong trào chống giặc ngoại xâm...

Không chỉ ở hàng võ tướng, văn quan người Quảng Ngãi cũng là những hình ảnh không thể thiếu khi nói về miền Ấn - Trà. Một gia tộc họ Trương ở Mỹ Khê với những bậc đại quan làm rạng danh quê hương Quảng Ngãi... Cùng với đó, nhiều công trình tự nhiên hay nhân tạo ở Quảng Ngãi trong lịch sử xứng đáng ở vào hàng di sản như bờ xe nước, thành cổ Quảng Ngãi, trường lũy...

Phát huy giá trị vốn có và phục vụ cộng đồng từ những giá trị văn hóa - lịch sử là điều cần phải được quan tâm. “Với lịch sử Quảng Ngãi, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ, cho dù các thế hệ trí thức đi trước cũng đã để lại cho những tư liệu văn hóa - lịch sử hết sức giá trị. Rất cần những hành động cụ thể của chính quyền các cấp trong công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử từ miền đất này”, anh Võ Nguyên Phong nói.

PHƯƠNG LÝ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202410/lan-gio-tai-lieu-tram-nam-7584962/