Làn gió vẫn chảy qua
Nhà văn Lê Minh Khuê được tôn vinh Thành tựu văn học trọn đời
(HNMCT) - Năm 2019 ghi nhận thêm một dấu mốc trong cuộc đời viết văn của cây bút truyện ngắn Lê Minh Khuê. Mùa thu, bộ đôi tuyển tập tuyển chọn những tác phẩm nổi bật nhất của nữ nhà văn do NXB Trẻ tổ chức đã ra mắt, và mới đây bà lại được tôn vinh với giải Thành tựu văn học trọn đời do Hội Nhà văn Hà Nội trao tặng.
Một giải thưởng thật xứng đáng cho một trong số ít nữ nhà văn đã trưởng thành qua khói lửa chiến tranh và vẫn sung sức trong các sáng tác đương thời, được minh chứng bằng nhiều thành tựu như Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho các tập Một chiều xa thành phố, Trong làn gió heo may, Làn gió chảy qua; giải thưởng mang tên nhà văn Byeong-ju Lee của Hàn Quốc cho tập Những ngôi sao, trái đất, dòng sông; Giải thưởng Văn học ASEAN, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Cả cuộc đời viết, nữ sĩ Lê Minh Khuê chỉ chung thủy với truyện ngắn và vừa - thể loại mà nhiều nhà văn cho rằng “đòi hỏi những phẩm chất nghệ thuật cao”. Bà được các bạn văn gọi là “cây truyện ngắn”, “trùm truyện ngắn”. Lê Minh Khuê viết văn khá sớm, từ khi là cô bé 16 trăng tròn khai tăng tuổi để được đi thanh niên xung phong, trải qua những tháng ngày “mưa bom bão đạn”, rồi bị ốm phải nằm bẹp ở quân y viện, cô thiếu nữ ấy đã nghĩ đến chuyện viết.
Lúc ấy, viết chỉ là một thú vui ghi chép lại chuyện của đơn vị, chuyện của bạn bè, đồng đội, của những ngày đã sống và chiến đấu. Các bài ghi chép, phóng sự và cả truyện ngắn cứ thế đều đặn ra đời, đều đặn được đăng báo, và cô tác giả thanh niên xung phong ký tên Vũ Thị Miền ấy, sau khi giải ngũ trở về đã trở thành phóng viên báo Tiền phong, bắt đầu dấn bước trên con đường viết chuyên nghiệp.
Cho đến nay, 15 tập sách với hàng trăm truyện ngắn, bút ký gắn với cái tên Lê Minh Khuê đã ra đời mà đề tài chủ yếu xoay quanh vấn đề chiến tranh và hậu chiến. Có lẽ, ký ức về những năm tháng khốc liệt mà bà đã trải qua đúng ở cái tuổi trong sáng và đầy hoài bão, lý tưởng cao đẹp ấy đã là dấu ấn hằn sâu trong tâm tưởng, trở thành mạch nguồn sáng tác trở đi trở lại và không hề vơi cạn của Lê Minh Khuê.
Đó là những tác phẩm mang đậm khói lửa chiến tranh của Mẹ, Bạn bè tôi, Nơi bắt đầu của những bức tranh, Một ngày đi trên đường, Bầu trời trong xanh, Chuyện nhỏ hồi chiến tranh, Con trai của những người chiến sĩ, Nhiệt đới gió mùa, hay là những câu chuyện, số phận thời hậu chiến như Dạo đó - thời chiến tranh, Dòng sông, Một chiều xa thành phố, Trong làn gió heo may, Em đã không quên, Quà biển, Anh kỹ sư dạo trước, Gió xóa dần những dấu chân, Ga xép…
Trong đó nổi bật nhất phải nhắc đến Những ngôi sao xa xôi sau này đã được lựa chọn đưa vào chương trình sách giáo khoa cho học sinh trung học cơ sở. Những ngôi sao xa xôi - truyện ngắn tiêu biểu cho một thế hệ dũng cảm trong chiến tranh - cùng với Cao điểm mùa hạ, Một chiều xa thành phố là bộ ba tác phẩm đã mang về cho nhà văn Lê Minh Khuê Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012. Khi viết Những ngôi sao xa xôi, nữ nhà văn mới chỉ 19 tuổi. Thành công ngay từ những sáng tác đầu tay khi còn trẻ mà Lê Minh Khuê vẫn tiếp tục vững bút trong mấy chục năm về sau là điều không phải ai cũng làm được.
Đọc văn Lê Minh Khuê, ấn tượng mà bà để lại trong lòng độc giả có vẻ như không hề giống với chân dung của nữ nhà văn trong đời thực. Những người từng được tiếp xúc với nhà văn thường cảm thấy bà thật nhỏ nhẹ, điềm tĩnh, dịu dàng. Bà sống không bon chen, chẳng ganh đua mà chậm rãi thưởng thức từng giây từng phút cuộc đời, để thực sự được Sống chậm như bà từng viết.
Nhưng trong tác phẩm của bà, bên cạnh những trang viết sâu lắng, tinh tế, đầy lãng mạn còn có những trang viết thực sự quyết liệt, dữ dội. Hiện thực cuộc sống ngồn ngộn trong tác phẩm của Lê Minh Khuê, nơi bạn đọc có thể gặp lại những khung cảnh của khu tập thể, của những xóm nhỏ ngõ nhỏ phố nhỏ Hà Nội mà bà đã từng gắn bó.
Đồng đô la vĩ đại, Những kẻ chờ sung, Ráp Việt, Bi kịch nhỏ, Thân phận cu li, Ký sự những mảnh đời trong ngõ, Cơn mưa cuối mùa, Một buổi chiều thật muộn… là những tác phẩm hiện thực đầy tiếc nuối, day dứt và ám ảnh của Lê Minh Khuê về cuộc sống đương thời, về đời sống tinh thần “lâu nay sống không ra sống”.
Theo nhà văn Hồ Anh Thái, truyện ngắn của Lê Minh Khuê đã đạt đến độ thản nhiên, tự nhiên, hầu như không vướng bận kỹ thuật. Sự sắc lạnh dường như đã lặn vào trong, bao trùm lên tất cả là sự đồng cảm, thương cảm ngậm ngùi cho những số phận, thương cả cho thời gian”. Thấu hiểu và sẻ chia, nhà văn Lê Minh Khuê đã luôn thể hiện sự hiểu đời, hiểu người, hiểu mình trên từng trang viết.
Nhà văn Lê Minh Khuê sinh năm 1949 tại Thanh Hóa. Cha mẹ mất sớm, thuở nhỏ Lê Minh Khuê sống với gia đình chú dì, những người đã góp phần gieo hạt giống văn chương nơi tâm hồn cô bé Lê Minh Khuê.
Cho đến nay Lê Minh Khuê đã sở hữu 15 tập truyện ngắn như Những ngôi sao xa xôi, Cao điểm mùa hạ, Đoạn kết, Một chiều xa thành phố, Bi kịch nhỏ, Trong làn gió heo may, Những dòng sông buổi chiều cơn mưa, Màu xanh man trá, Một mình qua đường, Những ngôi sao, trái đất, dòng sông, Nhiệt đới gió mùa... Truyện ngắn của bà đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, riêng tập Bi kịch nhỏ được dịch ra tiếng Đức đã đoạt Giải thưởng Xuất bản sách tại Hội chợ sách Frankfurt nổi tiếng.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/954486/lan-gio-van-chay-qua