Lặn kiểm tra độ an toàn của nhiều cầu ở miền Trung
Các thợ lặn được trang bị camera dưới nước, đèn pin siêu sáng để kiểm tra độ an toàn các trụ cầu đã được thi công lâu năm bằng phương pháp đóng cọc và nằm ở khu vực từng khai thác cát, sỏi.
Sáng 13-9, Văn phòng Chi cục Quản lý đường bộ II.5 thuộc Khu Quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ Việt Nam) đã thực hiện việc lặn kiểm tra hiện trạng mố cầu Phú Xuân bắc qua sông Hương ở trung tâm TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo đó, các thợ lặn với trang bị camera quay trong nước, đèn pin siêu sáng đã lặn xuống để quay phim, chụp ảnh các trụ cầu ở phần dưới nước nhằm kiểm tra, phát hiện các cọc cầu có bị hư hỏng, dịch chuyển, nứt vỡ, lòi thép hay không để có phương án đảm bảo an toàn.
Cầu Phú Xuân được xây dựng từ năm 1970 đến năm 1972 bởi hãng Eiffel của Pháp, dài 374,65m. Các trụ cầu được thi công theo kỹ thuật đóng cọc. Năm 2017, Cục Quản lý đường bộ II đã bố trí 26 tỉ đồng thực hiện dự án mở rộng cầu Phú Xuân từ 17,4 lên 19,4m; trám vá dầm bong vỡ lớp bê tông bảo vệ, sửa chữa, bổ sung dầm ngang, thay thế các khe co giãn hư hỏng bằng khe thép răng lược; thay thế hệ thống lan can tay vịn.
Theo Khu Quản lý Đường bộ 2, trong đợt này, đơn vị này đang triển khai kiểm tra tình trạng các trụ cầu được xây dựng lâu năm và thi công bằng phương pháp đóng cọc nằm trên các tuyến đường mà đơn vị này quản lý từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế.
Theo đó, kế hoạch đến ngày 30-9 sẽ hoàn thành lặn kiểm tra ở những cây cầu có nguy cơ do ảnh hưởng bởi tình trạng hút cát vào ngày 30-9. Hiện đã tiến hành lặn kiểm tra cầu Bến Thủy bắc qua sông Lam nối Hà Tĩnh với Nghệ An và một số cây cầu khác. Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngoài cầu Phú Xuân thì cầu Trường Tiền ở TP Huế, cầu Thừa Lưu trên Quốc lộ 1 ở huyện Phú Lộc cũng được đưa vào danh sách kiểm tra đợt này.
Khu Quản lý Đường bộ 2 cũng cho biết công tác kiểm tra các cọc trụ để đánh giá độ an toàn cầu được đơn vị tiến hành thường xuyên, theo định kỳ bằng máy siêu âm.