Lặn ngựa: Vinh quang và... kinh hoàng

Thế kỷ XX, thành phố Atlantic (Mỹ) thu hút du khách bằng môn thể thao mới nổi đầy choáng ngợp là lặn ngựa.

Một màn trình diễn lặn ngựa trên Bến tàu Thép, Atlantic.

Một màn trình diễn lặn ngựa trên Bến tàu Thép, Atlantic.

Thế kỷ XX, thành phố Atlantic (Mỹ) thu hút du khách bằng môn thể thao mới nổi đầy choáng ngợp là lặn ngựa. Những chú ngựa phóng thẳng từ trên cầu cao 10m xuống nước trong tư thế lặn đầy mạnh mẽ và mê hoặc. Chúng khiến đám đông bùng nổ những tràng pháo tay và reo hò, nhưng cũng sớm bị cấm vì quá nguy hiểm và bất nhân từ.

Màn biểu diễn choáng ngợp

“Tôi không bao giờ quên màn biểu diễn cuối cùng của Powderface, con ngựa lặn kiêu hùng nhất”, nhà văn Cynthia Branigan, tác giả của tác phẩm “Con ngựa lặn cuối cùng ở Mỹ” (The Last Diving Horse in America) nhớ lại. “Hôm đấy là một ngày của tháng 8/1964, tại Bến tàu Thép của Atlantic. Tất cả đèn đuốc đều tắt, trừ ánh đèn sân khấu được chuẩn bị riêng cho con ngựa.

Trên cầu nhảy, Powderface dường như không bị ảnh hưởng bởi đám đông hay người phụ nữ đồng hành đứng cạnh bên. Bộ lông màu trắng của nó nổi bần bật, sáng tựa như phát quang.

Thời khắc trình diễn đến, Powderface chuyển trọng tâm từ chân này sang chân khác. Tôi nhìn thấy rất rõ, nó không có chút sợ hãi nào trước độ cao 40 feet (khoảng 12m) mà lại rất tận hưởng. Bằng tư thế đẹp nhất, nó phóng xuống khỏi mép cầu, lao thẳng vào bể nước chỉ sâu 12 feet (khoảng 3,6m) bên dưới. Cú lặn gọn đến nỗi, mặt bể chỉ gợn sóng rất nhẹ.

Đám đông bùng nổ tiếng reo hò khi Powderface nổi lên và người phụ nữ trượt xuống khỏi lưng nó. Nhân viên chăm sóc ngựa vội vã lấy khăn, lau 2 bên sườn hộ Powderface. Nó ngẩng cao đầu, dáng vẻ kiêu ngạo như vận động viên ngôi sao.

Toàn bộ cú lặn chỉ diễn ra trong khoảng 20 – 30s. Đèn đuốc xung quanh được bật sáng trở lại và đám đông giải tán. Tôi vẫn đứng lặng, nước mắt lăn thành vệt dài trên má”, ông viết.

Cha đẻ của bộ môn lặn ngựa là William Frank “Doc” Carver (1851 – 1927). Thời thanh niên, Carver khét tiếng “thánh chém gió” vì luôn miệng nói dối rằng mình là con trai của một gia đình bị người da đỏ tấn công, sau đó lại được chính người da đỏ cưu mang.

Thực ra, Carver là thợ săn bò thuê cho Chính phủ Mỹ, có mặt trong cuộc tàn sát hàng chục triệu con bò rừng mà Mỹ thực hiện nhằm kiểm soát người bản địa. Ông cũng lừng danh là tay thiện xạ hàng đầu, bắn chim đang bay dễ dàng như bắn bia đứng yên.

Nhờ tài bắn súng, Carver còn được tuyển vào Buffalo Bill Cody – nhóm lính Mỹ kiêm thợ săn bò rừng và người trình diễn. Nhóm này hợp tác với Chương trình Miền Tây hoang dã và Carver từng xuất hiện trước công chúng trong trang phục cao bồi, thể hiện tài chế phục bò rừng, bắn súng.

Trong vai trò người trình diễn, sự nghiệp của Carver khá ảm đạm. Suốt một thời gian dài, ông không có tiếng tăm hay màn trình diễn ấn tượng nào. Năm 1891, khi lưu diễn ở Úc, Carver vô tình chứng kiến cảnh đàn ngựa đang đi trên cầu thì cầu bị sập, phải nhảy xuống nước và nảy sinh ý tưởng lặn ngựa. Năm 1894, khi trở lại Mỹ, ông cố gắng biến ý tưởng này thành hiện thực.

Con ngựa lặn đầu tiên là Black Bess, dáng hình bé nhỏ nhưng săn chắc. Trong thời gian huấn luyện Black Bess, Carver thấy nên cho một phụ nữ trình diễn chung với nó để thu hút khán giả và mời được nữ diễn viên xiếc xinh đẹp tên Lorena Lawrence. Năm 1906, Lorena trình diễn cú lặn ngựa đầu tiên và lập tức khiến khán giả mê cuồng.

Năm 1927, Carver qua đời và bộ môn lặn ngựa do ông sáng tạo tìm thấy địa điểm trình diễn hoàn hảo nhất – Bến tàu Thép của Atlantic. Nó được mở cửa từ năm 1898, lừng danh “viên ngọc kiến trúc” và mỗi ngày đều có hơn 40 nghìn lượt người đi qua đi lại.

 Doc Carver, 'ông tổ' của lặn ngựa.

Doc Carver, 'ông tổ' của lặn ngựa.

Sự kết thúc cần thiết

Trái với màn biểu diễn gây choáng ngợp, lặn ngựa nguy hiểm với cả người trình diễn lẫn ngựa. Không có bất cứ phụ nữ nào lặn ngựa mà không bị thương. Thường thì, cứ sau mỗi màn lặn ngựa, họ lại bị bầm tím hoặc gãy xương. Lịch sử lặn ngựa cũng ghi nhận một trường hợp tử vong trong lúc biểu diễn là Oscar Smith (19 tuổi), vào năm 1907.

Người trình diễn lặn ngựa nổi bật nhất là Sonora Webster Carver (1904 – 2003). Năm 1931, Sonora gặp tai nạn kinh hoàng là võng mạc bị tróc ra sau cú lặn do va chạm quá mạnh với mặt nước. Song, dù bị mù, bà vẫn tiếp tục lặn ngựa trong 11 năm nữa.

 Cynthia Branigan và con ngựa lặn cuối cùng, Gamal.

Cynthia Branigan và con ngựa lặn cuối cùng, Gamal.

Về ngựa lặn, không có ghi chép nào nói đến rủi ro cũng như thương tích của chúng. Tuy nhiên, như hầu hết động vật có vú trên cạn, ngựa không thích nước và bơi lội kém. Quan sát tự nhiên cho thấy, ngựa không bao giờ để đầu bị chìm dưới nước, có thể là do chúng rất sợ bị nước chảy vào tai. Quá trình huấn luyện ngựa lặn rất tàn bạo, thường là ép ngựa phải nhảy xuống nước bằng mọi cách, bao gồm cả bẫy sập cầu lẫn súng đạn.

Bắt đầu từ thập niên 1970, công chúng Mỹ ý thức sâu sắc về quyền lợi động vật và đòi giải tán lặn ngựa. Năm 1978, Công ty Resorts International mua Bến tàu Thép và loại bỏ trình diễn lặn ngựa. Những con ngựa lặn bị đem ra bán đấu giá hoặc đưa tới lò mổ.

Năm 1980, con ngựa khiến nhà văn Branigan say mê, Powderface bị gửi đến lò mổ. Nghe được tin, bà vô cùng đau đớn nên đã quyết định ra tay cứu giúp con ngựa lặn cuối cùng đang còn sống là Gamal. Bà trả giá hẳn 2.600 dollar, cao gấp 5 lần giá thị trường (chỉ khoảng 500 dollar/con) để đưa Gamal về nuôi.

“Gamal có bộ lông nâu sẫm, trên trán có mảng màu trắng hình ngôi sao. Nó đã già, 26 tuổi, lại không phải giống thuần chủng nên ai cũng mắng tôi dở hơi”, Branigan nhớ lại. Dù vậy, bà vẫn mặc kệ và hết lòng chăm sóc Gamal đến tận khi nó qua đời.

Năm 1993, Bến tàu Thép định hồi sinh lặn ngựa với con la nhưng không thành công. Năm 2012, họ tiếp tục muốn đưa môn thể thao đó trở lại để thu hút du khách nhưng vấp phải sự phản đối kịch liệt của các nhà hoạt động bảo vệ động vật nên đành từ bỏ hoàn toàn. “Chấm dứt lặn ngựa vĩnh viễn là kết thúc nhân từ và cần thiết cho tất cả”, Wayne Pacelle, Chủ tịch Hiệp hội Nhân đạo Mỹ thời gian này kiên quyết. Lặn ngựa kết thúc triệt để.

Theo atlasobscura (Ảnh trong bài: Gettyimages.com

Vũ Thị Huế

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lan-ngua-vinh-quang-va-kinh-hoang-post700582.html