Lằn ranh giữa đạo nhái và sao chép để tưởng nhớ tác giả

Việc sao chép tác phẩm với mục đích thể hiện sự tưởng nhớ tác giả không còn phù hợp trong thời đại của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).

Sao chép tác phẩm hay một phần tác phẩm với mục đích tưởng nhớ tác giả không hề là ngoại lệ trong luật về bản quyền. Trong phần lớn các trường hợp, hành vi này bị tòa án coi là sử dụng bất hợp pháp tác phẩm. Ảnh minh họa

Sao chép tác phẩm hay một phần tác phẩm với mục đích tưởng nhớ tác giả không hề là ngoại lệ trong luật về bản quyền. Trong phần lớn các trường hợp, hành vi này bị tòa án coi là sử dụng bất hợp pháp tác phẩm. Ảnh minh họa

Văn hóa sao chép để tưởng nhớ

Trong lĩnh vực nghệ thuật, việc lấy cảm hứng từ những tác phẩm của tiền bối hay tập vẽ lại những bức tranh nổi tiếng không phải là hiếm. Thậm chí, trong bất cứ nền văn hóa nào, dù phương Đông hay phương Tây, sao chép nhiều lần tác phẩm của người khác để tập luyện, học kỹ thuật vẽ là một trong những giai đoạn không thể thiếu trong sự nghiệp của người nghệ sĩ.

Không chỉ thế, trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, sao chép được coi là một hình thức tưởng nhớ, thể hiện sự tôn trọng tới nghệ sĩ… bị sao chép. Có những bức tranh nổi tiếng với những bình chú đặc biệt nhấn mạnh rằng “được yêu thích đến nỗi tác phẩm được sao chép rất nhiều lần”. Sao chép còn là một hình thức để làm sống lại những hình ảnh của quá khứ, gìn giữ bảo tồn phong cách của các nghệ sĩ thời xưa. Chính vì thế, ở Trung Quốc, sao chép còn là một nghệ thuật.

Sử sách còn ghi lại rằng các hoàng đế Trung Quốc yêu cầu sao chép lại các tác phẩm cổ, bằng cách sử dụng các kỹ thuật thời xưa để đảm bảo tạo ra các bản sao giống hệt. Trong chùa, đền, để có thể duy trì đến hàng trăm năm, nhiều tác phẩm được tái tạo lại để thay thế bản gốc. Bảo tồn quá khứ trong góc nhìn này không phải là thiếu tôn trọng tác giả, mà ngược lại, là một hình thức gìn giữ hình ảnh của tác phẩm.

Ở phương Tây, với ảnh hưởng của tư tưởng triết học Platon, bản sao không có giá trị vật chất đáng kể, bị coi thường. Còn ở Trung Quốc, không hiếm trường hợp bản sao được bán giá cao, với điều kiện sao chép hoàn hảo, giống như thật, sử dụng vật liệu và kỹ thuật của thời tác giả sáng tác tác phẩm gốc. Trong văn hóa phương Tây, để tưởng nhớ tác giả, thể hiện sự ngưỡng mộ thì các nghệ sĩ thường lấy cảm hứng từ tác phẩm đã có để tạo ra tác phẩm mới.

Đã khác xưa với Luật Sở hữu trí tuệ

Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, khi trí tuệ, tài năng nghệ thuật là một tài sản cá nhân, cả hai cách tưởng nhớ tác giả tiền bối nói trên đều… không ổn. Luật SHTT quy định rằng tác giả có quyền tài sản và quyền nhân thân đối với tác phẩm, và việc sao chép toàn bộ hay một phần tác phẩm hay tạo tác phẩm phái sinh đều cần phải có sự cho phép của tác giả, trừ một số trường hợp ngoại lệ như ngoại lệ sao chép để học tập, nghiên cứu, trích dẫn, minh họa… mà không ảnh hưởng đến việc khai thác tác phẩm.

Mặc dù vậy, ở nhiều quốc gia trên thế giới, ngay cả ở những nước phát triển phương Tây, vẫn không thiếu những vụ sao chép, đạo nhái tác phẩm mà không có sự cho phép của tác giả, với biện hộ rằng việc sao chép này là để thể hiện lòng ngưỡng mộ và tưởng nhớ tác giả.

Mới đây, hồi tháng 11-2024, Tòa án Paris (Pháp) vừa ra quyết định liên quan tới hành vi tưởng nhớ tác giả bằng cách sao chép lại những yếu tố sáng tạo của tác phẩm. Trong vụ việc này, Công ty nội thất của Pháp Studio Glustin đã sản xuất và tiêu thụ ghế lấy cảm hứng từ thiết kế ghế mang tên “Gấu Bắc Cực” của nhà thiết kế nổi tiếng Jean Royère, người đã qua đời năm 1981. Những chiếc ghế do công ty này trưng bày và bán cho khách hàng đều mang chú thích “để tưởng nhớ tới ghế Gấu Bắc Cực”. Vấn đề là những chiếc ghế này sao chép lại các yếu tố thiết kế căn bản của Jean Royère, và đây chính là lý do gia đình nhà thiết kế đã kiện Studio Glustin ra tòa vì tội vi phạm quyền SHTT mà họ là chủ sở hữu.

Từ năm 2023, tòa án sơ thẩm đã ra kết luận rằng Công ty Studio Glustin có hành vi sao chép tác phẩm được Luật Bản quyền bảo hộ mà không có sự cho phép của chủ sở hữu quyền SHTT, nhưng đề xuất hai bên tự giải quyết theo thỏa thuận đền bù. Không đạt được số tiền đền bù như mong muốn, gia đình nghệ sĩ đã đưa vụ việc tới Tòa án phúc thẩm Paris. Không mấy ngạc nhiên, tòa án phúc thẩm cũng ra kết luận tương tự. Sao chép một tác phẩm được bảo hộ mà không có sự cho phép của chủ sở hữu, cho dù là để tưởng nhớ hay thể hiện sự ngưỡng mộ, vẫn là một hình thức vi phạm quyền tác giả, trừ trường hợp sử dụng tác phẩm với mục đích hài hước, giễu nhại gây cười.

Ngoại lệ với mục đích hài hước chỉ tồn tại trong luật một số quốc gia như ở Pháp, Mỹ, Anh, chứ không được công nhận trong Luật SHTT Việt Nam.

Rõ ràng là sao chép tác phẩm hay một phần tác phẩm với mục đích tưởng nhớ tác giả không hề là ngoại lệ trong luật về bản quyền. Trong phần lớn các trường hợp, hành vi này bị tòa án coi là sử dụng bất hợp pháp tác phẩm.

Kể cả trong trường hợp các yếu tố vay mượn, sao chép không được coi là mang tính sáng tạo được bảo hộ, việc “tưởng nhớ” đến tác giả cũng chưa chắc là hợp pháp nếu như hành vi này có thể gây sự nhầm lẫn trong người tiêu dùng về nguồn gốc sản phẩm. Đó là trường hợp của Art Print, một công ty đã sử dụng ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh người Mỹ William Klein để chế ra tranh trang trí nội thất với mục đích để tưởng nhớ đến tác giả.

Theo tòa án, những yếu tố mà Art Print sử dụng không đủ sáng tạo để có thể kết luận rằng Art Print đã vi phạm quyền tác giả của nghệ sĩ. Tuy nhiên, tòa án kết luận rằng đây là hành vi ăn theo tiếng tăm của người nổi tiếng để trục lợi, vì thế Art Print bị xử phạt theo những quy định liên quan tới hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Cho dù để tưởng nhớ đến tác giả và thể hiện lòng ngưỡng mộ, chúng ta cũng vẫn nên tìm hiểu rõ các quy định pháp lý hoặc xin phép chủ sở hữu trong trường hợp sao chép, lấy cảm hứng từ tác phẩm. Tưởng nhớ một cách hợp pháp, nếu không, các đơn vị rất dễ bị xử phạt vì hành vi đạo nhái vi phạm quyền tác giả.

Lê Thiên Hương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lan-ranh-giua-dao-nhai-va-sao-chep-de-tuong-nho-tac-gia/