Làn sóng bùng phát dịch ở Hàn Quốc có dấu hiệu thuyên giảm

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul. Ảnh: Yonhap/TTXVN

* Nhật Bản lập hệ thống giám sát người nước ngoài nhiễm COVID-19

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 18/1 thông báo nước này ghi nhận 389 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó có đến 366 ca lây nhiễm cộng đồng.

Số ca nhiễm mới ngày 18/1 giảm mạnh so với 520 ca ghi nhận một ngày trước đó và là mức tăng thấp nhất kể từ ngày 25/11/2020.

Thủ tướng Chung Sye-kyun nhấn mạnh đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong ngày tại Hàn Quốc giảm xuống mức trên 300 ca kể từ tháng 11 năm ngoái.

Những con số trên cho thấy làn sóng dịch bệnh thứ 3 tại Hàn Quốc đang có dấu hiệu thuyên giảm sau khi nước này trải qua đỉnh dịch vào ngày 25/12/2020 với 1.240 ca nhiễm.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Thủ tướng Chung Sye-kyun thông báo nước này có kế hoạch sử dụng loại thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên sản xuất tại Hàn Quốc dành cho các bệnh nhân COVID-19 ở nước này bắt đầu từ đầu tháng 2 tới.

Theo Thủ tướng Chung Sye-kyun, các cơ quan y tế đã triệu tập hội đồng chuyên gia để xem xét tính an toàn và hiệu quả của loại thuốc nội địa do hãng dược phẩm Celltrion sản xuất. Theo ông Chung Sye-kyun, chính phủ sẽ công bố kết quả cuộc họp vào cuối ngày 18/1. Nếu quá trình đánh giá thuận lợi, Chính phủ Hàn Quốc hy vọng loại thuốc này sẽ được sử dụng từ đầu tháng tới.

Tuần trước, Celltrion thông báo đã tiến hành thử nghiệm ở 327 bệnh nhân COVID-19 để đánh giá hiệu quả và độ an toàn của thuốc CT-P59 (còn được gọi là Regdanvimab). Công ty này khẳng định CT-P59 sẽ góp phần làm giảm tới 54% số bệnh nhân COVID-19 trở nặng và cần được chăm sóc tại bệnh viện. Trước đó, Celltrion đã nộp đơn xin cấp phép lưu hành thuốc lên Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc.

* Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã lên kế hoạch thiết lập hệ thống để giám sát một cách hiệu quả các công dân nước ngoài mắc COVID-19 sau khi nhập cảnh nước này.

Hiện nhà chức trách Nhật Bản vẫn lưu giữ tên và quốc tịch của công dân nước ngoài tại các trạm kiểm dịch khi họ nhập cảnh. Tuy nhiên, hệ thống dữ liệu này hoạt động riêng rẽ với hệ thống HER-SYS, vốn được triển khai từ tháng 5/2020 để theo dõi tình hình lây nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản theo thời gian thực.

Do vậy, MHLW đang tìm cách kết nối hai hệ thống dữ liệu trên với nhau thông qua số hộ chiếu của người nhập cảnh, từ đó các cơ sở y tế trên toàn quốc có thể chia sẻ thông tin về người nước ngoài nhiễm COVID-19 một cách nhanh chóng. Bộ trên dự kiến sẽ hoàn tất việc kết nối các hệ thống này trong tháng 1.

Bên cạnh đó, trong nỗ lực kiểm soát đại dịch, MHLW dự định sẽ tăng cường xét nghiệm kháng nguyên đối với những người không có triệu chứng. Phương pháp này đơn giản và cho kết quả nhanh hơn phương pháp xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) truyền thống.

Tuy nhiên, do phương pháp xét nghiệm kháng nguyên có kết quả không chính xác bằng PCR nên hiện hình thức này chỉ được áp dụng đối với những người đã có triệu chứng. Lý giải về kế hoạch trên, MHLW cho biết các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản nhận thấy rằng nếu có đủ sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 thì hai phương pháp xét nghiệm này không có khác biệt đáng kể về độ chính xác.

Trước mắt, MHLW đã lên kế hoạch tiến hành xét nghiệm kháng nguyên tại các cơ sở y tế và nhà dưỡng lão cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người già. Nếu có kết quả dương tính, xét nghiệm PCR sẽ được tiến hành để xác nhận lại kết quả.

Trong một diễn biến khác, Sở Cảnh sát Thủ đô Tokyo vừa quyết định tiến hành xét nghiệm PCR đối với tất cả các nghi phạm vào thời điểm bắt giữ dù các nghi phạm đó có triệu chứng nhiễm COVID-19 hay không.

Quyết định được đưa ra sau khi nhiều người mắc COVID-19 bị giam giữ. Chỉ riêng trong tháng 12/2020, có tổng cộng 38 người ở các cơ sở giam giữ tại thủ đô Tokyo có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 17 người ở trụ sở cảnh sát quận Shinjuku.

Trong khi đó, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan rộng trên toàn Nhật Bản mặc dù chính phủ nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 11 trong 47 tỉnh, thành. Ngày 18/1, Nhật Bản thông báo phát hiện thêm 5.759 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên 331.256 người.

Tổng số trường hợp tử vong vì dịch COVID-19 cũng tăng thêm 49 người lên 4.538. Đáng chú ý, số bệnh nhân nguy kịch đã tăng cao kỷ lục lên 972 người. Đây là ngày thứ 14 liên tiếp số ca nguy kịch tăng lên các mức kỷ lục mới.

Phát biểu trong một chương trình của đài truyền hình NHK ngày 17/1, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Yasutoshi Nishimura đã kêu gọi người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không cần thiết, đồng thời kêu gọi các công ty tăng cường hình thức làm việc từ xa.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Y khoa Nhật Bản Toshio Nakagawa cảnh báo người dân cần cảnh giác vì đang có làn sóng bùng phát dịch bệnh COVID-19 trong giới trẻ và có nguy cơ lan rộng ra các tầng lớp khác.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/251347/lan-song-bung-phat-dich-o-han-quoc-co-dau-hieu-thuyen-giam.html