Làn sóng COVID-19 mới 'bao phủ' nền kinh tế Mỹ
Trong thời gian vừa qua, một loạt các nhà kinh tế Mỹ nhận định việc kiểm soát và ngăn chặn được đại dịch COVID-19 chính là 'chìa khóa' để chữa lành vết thương của nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 mới với số ca mắc hàng ngày đang tăng nhanh ở mức kỷ lục như hiện nay khiến giới chức các bang trên toàn quốc phải xem xét và cân nhắc tái áp đặt các biện pháp hạn chế đối với người tiêu dùng và các doanh nghiệp.
Điều này chắc chắc sẽ khiến nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với những khó khăn và thách mức mới khi bị mất đi động lực phát triển cũng như không thể phục hồi hàng triệu việc làm đã bị mất trong thời kỳ suy thoái.
Tám tháng sau cuộc khủng hoảng lịch sử diễn ra vào mùa Xuân 2020, Mỹ dường như đã tạm thời hạn chế được những tác động khủng khiếp của nó. Nền kinh tế Mỹ đã chứng kiến sự phục hồi mạnh hơn so với dự kiến khi thị trường lao động dần phục hồi với tỷ lệ thất nghiệp giảm trong 4 tuần liên tiếp.
Hơn một nửa con số 22 triệu việc làm bị mất khi các doanh nghiệp phải đóng cửa các hoạt động đã được phục hồi và tỷ lệ thất nghiệp 6,9% hiện nay thấp hơn nhiều so với mức hai con số mà hầu hết các nhà kinh tế Phố Wall dự báo ban đầu.
Hơn thế nữa, sau quý II tồi tệ nhất trong lịch sử với mức giảm kỷ lục 31,4% khi hàng loạt hoạt động kinh tế bị đình trệ, nền kinh tế Mỹ đảo chiều với GDP quý III đã tăng 7,4% so với quý II, tương đương mức tăng trưởng 33,1%/năm và bằng 2/3 giá trị mà nền kinh tế Mỹ đã bị mất đi do dịch COVID-19.
Thế nhưng, trong những tuần gần đây, đại dịch COVID-19 đang diễn biến theo chiều hướng tồi tệ hơn tại Mỹ, thậm chí nhiều chuyên gia cảnh báo làn sóng này còn thảm khốc hơn cả giai đoạn bùng phát đỉnh điểm vào đầu tháng Ba.
Số ca mắc COVID-19 trong ngày tại Mỹ liên tục xác lập các kỷ lục mới trong tuần qua, thậm chí lên tới hơn 140.000 trường hợp vào ngày 12/11, cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Số người tử vong vì COVID-19 trong ngày 12/11 là 1.479 người, cao nhất kể từ đầu tháng Tám.
Theo một số nhà quan sát, số ca mắc hàng ngày có thể lên tới 200.000 ca và có thể đạt 300.000 ca vào đầu tháng Mười Hai. Khi đó các bệnh viện sẽ bị quá tải với số ca mắc có thể tăng cao gấp đôi so với các đợt dịch trước.
Trước những diễn biến trên, một số thống đốc các bang như Viriginia đã ra lệnh thắt chặt các hạn chế đối với các nhà hàng và các cuộc tụ tập trong nhà, bắt đầu có hiệu lực vào sáng ngày 16/11.
Trong khi đó, các thống đốc bang California, Oregon và Washington đã đưa ra một tuyên bố chung không khuyến khích người dân đi du lịch và khuyến cáo du khách tự cách ly 14 ngày khi đến những bang này.
Thị trưởng thành phố New York cũng đưa ra cảnh báo có khả năng sẽ đóng cửa các trường học công vào ngày 16/11. Các biện pháp tương tự cũng đang được xem xét và áp dụng tại nhiều bang khác nhau của Mỹ như Chicago.
Việc các bang bắt đầu áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách xã hội mới khiến người ta liên tưởng tới những ngày tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 vào đầu tháng Ba khiến nền kinh tế bị đóng cửa với các hoạt động giải trí, văn hóa thể thao bị hủy, tất cả các rạp chiếu phim, nhà hàng, quán bar, trường học đều bị rơi vào tình trạng “ngủ đông” nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch.
Mặc dù, các biện pháp đó phần nào cũng đem lại hiệu quả trong việc kìm hãm tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2, song lại khiến nền kinh tế hàng đầu thế giới này phải trả giá rất đắt, giảm 2.200 tỷ USD vào cuối tháng Sáu.
Trong giai đoạn hiện nay, khi các bang trên toàn nước Mỹ đang phải chuẩn bị tiến vào giai đoạn đóng cửa mới, nền kinh tế Mỹ một lần nữa sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn và có nguy cơ mất hết những tiến bộ đạt được trong việc tái thiết nền kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp có khả năng phải đóng cửa vĩnh viễn, điều sẽ làm giảm nhu cầu lao động và có khả năng thúc đẩy các đợt sa thải mới. Theo đó, sự phục hồi của thị trường lao động có thể chậm lại hoặc thậm chí bị đảo ngược trong những tháng tới khi Mỹ cố gắng kiểm soát đại dịch.
Theo số liệu về thước đo niềm tin mới nhất do trường Đại học Michigan công bố, người tiêu dùng ngày càng bi quan hơn về tương lai và họ đã bắt đầu thắt chặt hầu bao ngay cả trước khi các biện pháp hạn chế mới có thể được thông báo và áp dụng.
Nhà kinh tế Jesse Edgerton của JPMorgan Chase cho biết chi tiêu của 30 triệu chủ thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ thấp hơn 7,4% so với mức năm ngoái tính tới ngày 9/11 và đã giảm đáng kể trong hai tuần vừa qua.
Theo một cuộc khảo sát do Cục Điều tra dân số tiến hành, từ cuối tháng Chín tới cuối tháng Mười, số người Mỹ cho biết họ "rất khó" để chi trả các chi phí gia đình thông thường đã tăng hơn 2,3 triệu người.
Cùng với đó, chính phủ Mỹ và đảng Dân chủ hiện vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận trong đàm phán về một gói hỗ trợ mới giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 và giúp phục hồi nền kinh tế do bất đồng về các khoản chi tiêu trong khi các chương trình hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp và các hộ gia đình đã hết hạn.
Cũng có những lý do để hy vọng nền kinh tế Mỹ sẽ khởi sắc hơn trong vài tháng tới và trong năm 2021 khi các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong điều trị COVID-19, ngày càng nhiều người dân đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội, khả năng có một loại vắc-xin hiệu quả có sẵn cho toàn dân vào tháng Tư.
Mặc dù vậy, theo nhà kinh tế trưởng Gregory Daco của Oxford Economics, để đạt được điều đó thì phải có “cầu nối” ngay từ thời điểm này. Thế nhưng với tình hình hiện nay, triển vọng kinh tế lại khá “đen tối”./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lan-song-covid-19-moi-bao-phu-nen-kinh-te-my/177903.html