Làn sóng COVID-19 mới tấn công châu Á: Chưa đáng lo ngại
Các ca bệnh COVID-19 ngày càng gia tăng ở một số khu vực tại Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và Thái Lan... Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng tình hình hiện tại chưa đáng lo ngại.
Các quốc gia châu Á ghi nhận sự gia tăng các ca mắc COVID-19 và các ca chuyển biến nặng trong vài tuần qua. Thái Lan đã ghi nhận hơn 33.000 ca mắc mới chỉ trong tuần trước. Singapore ước tính có 14.200 ca từ ngày 27/4 đến ngày 3/5. Trong khi đó, Malaysia ghi nhận trung bình khoảng 600 ca nhiễm mỗi tuần và chưa có trường hợp tử vong nào liên quan đến COVID-19 trong năm nay.

Các ca bệnh COVID-19 ngày càng gia tăng ở một số khu vực tại Châu Á. Ảnh: The Straits Times
Chưa đáng lo ngại
Các cơ quan y tế và các chuyên gia tin rằng, sự gia tăng ca mắc mới đợt này có thể là do khả năng miễn dịch với COVID-19 ở cấp độ dân số đang suy giảm, sau một thời gian dài người dân không tiêm vaccine nhắc lại hoặc không tiếp xúc với virus gây bệnh.
Theo Bộ Y tế Singapore: “Không có dấu hiệu nào cho thấy các biến thể COVID-19 lưu hành hiện tại có khả năng lây truyền cao hơn hoặc gây ra bệnh nghiêm trọng hơn so với các biến thể lưu hành trước đây”. Vì vậy, chưa có lý do để lo ngại.

Virus COVID-19 vẫn hoạt động theo đúng quỹ đạo xét đến sự hiểu biết khoa học về tất cả các loại virus.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia diễn biến bùng phát COVID-19 này không phải điều bất ngờ nếu xét đến sự hiểu biết khoa học về tất cả các loại virus. Theo đó, tất cả các loại virus đều trở thành bệnh đặc hữu sau một thời gian và sẽ tiếp tục gây bệnh. Cần lưu ý, virus COVID-19 đã liên tục biến đổi kể từ khi nó xuất hiện. Vì vậy, tại bất kỳ thời điểm nào, nó có thể xuất hiện thêm biến thể mới và gây ra các đỉnh dịch định kỳ, đều là diễn biến tự nhiên của các loại virus.
COVID-19 có phải là bệnh truyền nhiễm theo mùa không?
Theo các chuyên gia, có khả năng COVID-19 là bệnh lây nhiễm theo mùa. Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe của Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết: “Theo dữ liệu giám sát, có hai giai đoạn dịch COVID-19 lây lan mạnh ở Hồng Kông, kéo dài khoảng 15 tuần từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2023 và khoảng 7 tuần từ tháng 2 đến tháng 3 năm ngoái. COVID-19 trở nên tích cực hơn vào giữa tháng 4 năm nay (tức là khoảng bốn tuần trước)”.
Bộ Y tế Singapore cũng cùng quan điểm: “Giống như các bệnh đường hô hấp đặc hữu khác, các đợt bùng phát COVID-19 định kỳ dự kiến sẽ xảy ra trong suốt cả năm”.
Tăng cường phòng dịch
Dù cho rằng việc gia tăng số ca nhiễm COVID-19 hiện nay chưa đáng lo ngại, tuy nhiên thực tế cho thấy, COVID-19 vẫn đang tiếp tục gây ra mối đe dọa cho hệ thống y tế công cộng ở các nước, đặc biệt là khi các biện pháp phòng ngừa được nới lỏng.

Thái Lan tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Bangkok Post

Ấn Độ chưa ghi nhận nhiều ca bệnh tuy nhiên cũng tăng cường các biện pháp đề phòng. Ảnh: The Wire
Trong bối cảnh này, các nước trong khu vực đã phải tăng cường biện pháp phòng chống dịch. Một số quốc gia hiện đang tái thiết lập các hoạt động chia sẻ dữ liệu, tăng cường tuyên truyền và đẩy mạnh các chiến dịch nhằm đảm bảo người dân tiêm vaccine nhắc lại để ngăn ngừa các đợt bùng phát lớn hơn.
Các chính phủ cũng đang khẩn trương khuyến cáo các nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt là người cao tuổi và những người có bệnh lý nền, tiêm mũi vaccine tăng cường càng sớm càng tốt.
Người dân nên làm gì?
Các chuyên gia cho rằng người dân hiện tại không cần phải hoảng sợ. Tuy nhiên, hãy tránh những không gian kín hoặc đông người càng nhiều càng tốt. Nếu phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang. Và rửa tay thường xuyên nhất có thể. Những việc này sẽ giúp bạn an toàn không chỉ khỏi COVID-19 mà còn khỏi bất kỳ bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nào khác.