Làn sóng Covid-19 thứ hai đang bùng phát tại Mỹ và nhiều nước châu Âu
Mỹ, Nga, Pháp và nhiều quốc gia khác đang lập kỷ lục về số ca mắc virus SARS-CoV-2 khi làn sóng dịch Covid-19 tràn qua các khu vực của Bắc bán cầu.
Đợt tái bùng phát dịch Covid-19 trong những ngày gần đây đã buộc một số quốc gia châu Âu phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới.
Diễn biến nghiêm trọng của dịch Covid-19 đã gây sức ép lên thị trường tài chính toàn cầu trong ngày 26/10) khi các đợt lây nhiễm gia tăng làm mờ triển vọng phục hồi kinh tế.
Thông tin tích cực là một loại vaccine ngừa Covid-19 do trường Đại học Oxford và hãng dược phẩm AstraZeneca nghiên cứu và phát triển đã tạo ra các phản ứng miễn dịch cả ở người già và người trẻ tuổi. Tin khả quan liên quan đến vaccine Covid-19 của AstraZeneca được đưa ra trong bối cảnh các nước ở Bắc bán cầu chuẩn bị bước vào mùa đông và nhiều người sẽ ở trong nhà.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cảnh báo rằng vaccine ngừa Covid-19 triển vọng này sẽ không được phổ biến rộng rãi cho tới năm sau.
Bất kỳ loại vaccine nào cũng phải vượt qua những thử thách về mặt khoa học và quan hệ công chúng. Theo kết quả các cuộc khảo sát, chỉ khoảng một nửa người Mỹ sẽ được tiêm vaccine Covid-19 do họ lo ngại về tính an toàn, hiệu quả và quá trình phê chuẩn.
Tại Mỹ, số bệnh nhân Covid-19 nhập viện đang ở mức cao nhất trong 2 tháng, khiến hệ thống y tế ở một số bang rơi vào tình trạng quá tải.
Theo phân tích của Reuters, số ca mắc virus SARS-CoV-2 mới tại Mỹ trong tuần trước đã tăng 24% trong khi số trường hợp xét nghiệm Covid-19 tăng 5,5%.
Dịch Covid-19 đang tăng tốc mạnh ở châu Âu khi một loạt các quốc gia báo cáo mức tăng kỷ lục, dẫn đầu là Pháp, lần đầu tiên công bố hơn 50.000 trường hợp hàng ngày vào Chủ nhật, trong khi châu lục này đã vượt qua ngưỡng 250.000 ca tử vong.
Giáo sư Jean-François Delfraissy, người đứng đầu một hội đồng tư vấn cho chính phủ Pháp cho biết nước này có thể chứng kiến con số 100.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày.
Các chính phủ tại châu Âu đang cố gắng tránh việc tái áp đặt các lệnh phong tỏa được áp đặt để ngăn chạn dịch Covid-19 hồi tháng 3 vốn gây ảnh hưởng nặng về kinh tế. Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến các ca mức mới đã buộc nhiều quốc gia châu Âu phải thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội và lệnh giới nghiêm.
“Chúng ta đang đối mặt với những tháng rất khó khăn ở phía trước” - Thủ tướng Đức Angela Merkel nói tại một cuộc họp các lãnh đạo từ đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của bà. Theo hãng tin Daily Bild, bà Merkel có kế hoạch tập trung các giới hạn vào việc đóng cửa các quán bar, nhà hàng và các sự kiện công cộng.
Trong khi đó, Chính phủ Tây Ban Nha đang đối mặt với sự phản đối dữ dội về kế hoạch đưa một trong những điểm nóng Covid-19 tồi tệ nhất châu Âu vào tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng. Các đảng đối lập nước này cho rằng 6 tháng là quá dài trong khi các nhà dịch tế cho biết điều này có thể đã muộn.
Số người mắc Covid-19 trong ngày ở Nga cũng lập kỷ lục mới với 17.347 ca trong ngày 26/10 khi Điện Kremlin cảnh báo dịch Covid-19 đã bắt đầu tấn công mạnh mẽ hơn ở bên ngoài thủ đô Moscow.
Trong tháng 8, Nga trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép vaccine Covid-19 sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người, khiến các nhà khoa học phương Tây lo lắng. Với 1,5 triệu ca mắc, quốc gia với khoảng 145 triệu dân này đang đứng thứ 4 thế giới về số người nhiễm Covid-19, sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil.
Italia, nước bị ảnh hưởng nặng nhất trong những giai đoạn đầu của đại dịch hồi tháng 3, đã phải áp đặt các giới hạn mới, ra lệnh cho nhà hàng, quán bar phải đóng cửa từ 6 giờ tối. Rạp chiếu phim, phòng tập cũng phải đóng cửa và lệnh giới nghiêm địa phương được áp đặt ở một số nơi.
Theo thống kê của hãng Reuters, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 43 triệu ca mắc Covid-19 và 1,15 triệu người tử vong. Trong đó, Mỹ đang dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm với 8,6 triệu người và số trường hợp tử vong nhiều nhất - 225.000 người.