'Làn sóng' đầu tư mới, nhiều lĩnh vực 'hút' vốn ngoại

Những ngành đang dẫn 'sóng' đầu tư tại Việt Nam, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như điện tử, linh kiện ôtô, chất bán dẫn và công nghệ xanh.

'Làn sóng' mới của ngành công nghiệp Việt Nam

Ngành công nghiệp Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển biến mạnh mẽ, thu hút "làn sóng" mới về đầu tư giá trị cao, sự quan tâm của các doanh nghiệp sản xuất và chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới.

Ông John Campbell. Ảnh: Savills.

Ông John Campbell. Ảnh: Savills.

Ông John Campbell, Giám đốc, Trưởng bộ phận Bất động sản Công nghiệp Savills Việt Nam cho biết, dòng vốn FDI mạnh mẽ, vị trí chiến lược, chi phí cạnh tranh, tăng trưởng thương mại điện tử, chính sách thương mại cởi mở và vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam sẽ rất cần thiết cho nguồn cung và hiệu suất dài hạn của phân khúc kho bãi.

Đánh giá chung về môi trường đầu tư Việt Nam, chuyên gia Savills Việt Nam cho biết: “Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,1% vào năm 2024, với lạm phát dự kiến đạt 4,5%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, hỗ trợ bất động sản công nghiệp, trong khi du lịch quốc tế và lĩnh vực bán lẻ cho thấy những dấu hiệu phục hồi đầy hứa hẹn”.

Theo vị chuyên gia, các ngành thu hút đầu tư dẫn đầu trong 9 tháng đầu năm gồm: Điện tử, linh kiện ôtô, chất bán dẫn và công nghệ xanh. Các quốc gia đầu tư chủ chốt bao gồm Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản, đã làm nổi bật lên xu hướng chuyển dịch sang sản xuất công nghệ cao, giá trị cao. Sản xuất chiếm khoảng 63% FDI cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam đã vượt xa lĩnh vực sản xuất chi phí thấp truyền thống.

Chuyên gia Savills Việt Nam phân tích, để củng cố làn sóng đầu tư mới, Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng, chú trọng vào các dự án trọng điểm như: Cao tốc Bắc-Nam, Sân bay Quốc tế Long Thành và các cảng nước sâu như Cái Mép ở Bà Rịa-Vũng Tàu, sẽ tạo kết nối trực tiếp với khu vực châu Âu, châu Mỹ và Đông Nam Á. Vì vậy, nhiều khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc đã hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Ngoài cơ sở hạ tầng giao thông, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh kết nối kỹ thuật số với việc mở rộng mạng lưới sóng 5G và phát triển các trung tâm dữ liệu, hỗ trợ tăng trưởng thương mại điện tử và logistics.

Ngành công nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ, thu hút "làn sóng" đầu tư giá trị cao.

Ngành công nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ, thu hút "làn sóng" đầu tư giá trị cao.

Mặc dù nền kinh tế thế giới và khu vực còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đồng thời làn sóng đầu tư có sự tái cấu trúc, chuyển dịch mạnh mẽ, song với những chính sách đúng đắn, quyết liệt, kịp thời, để ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có hoạt động đầu tư nước ngoài đã đạt kết quả tích cực, đáng ghi nhận.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/10/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2024 ước đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài những con số kể trên, kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng thể hiện thông qua nhiều khía cạnh khác.

Thứ nhất, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thông qua sự tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sự phối hợp chắc chẽ của các bộ, ngành, địa phương. Đến nay môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục được cải thiện theo hướng thuận lợi hơi, minh bạch hơn, thông thoáng hơn.

Thứ hai, cơ cấu và dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện nay, tỷ trọng vốn FDI trong lĩnh vực Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng lên, đạt 15,8 tỷ USD, chiếm 80,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 10 tháng năm 2024. Đặc biệt có nhiều dự án của các tập đoàn lớn trong các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên thu hút đầu tư như công nghệ cao và đó là những tín hiệu hết sức đáng kích lệ.

Các dự án tại Việt Nam được nhiều doanh nghiệp lớn rót hàng tỉ USD

Đến nay, hàng loạt doanh nghiệp lớn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đã có mặt và quen thuộc với thị trường Việt Nam khi rót hàng tỉ USD vào các dự án nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp tại Việt Nam.

Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam dự báo, từ nay đến năm 2026 sẽ có một lượng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài rót vào thị trường bất động sản Việt Nam. Trong đó, phân khúc nhà ở thực đang có tỉ lệ sinh lời đạt tới 8 - 10%/năm. Con số này tương đối hấp dẫn và cao hơn nhiều so với mức 2 - 3%/năm của các quốc gia trong khu vực.

Đặc biệt khi Luật Nhà ở 2024 cho phép người nước ngoài được gia hạn thời gian sở hữu nhà lên tới 50 năm sẽ là yếu tố đòn bẩy, giúp thị trường trở nên sôi động, nhất là với phân khúc cao cấp. Thị trường bất động sản trong nước được kỳ vọng sẽ hút thêm hàng tỉ USD từ những người nước ngoài có mong muốn mua nhà tại Việt Nam, các khách hàng đến từ Singapore, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) tìm mua nhà tại Việt Nam đều bày tỏ thái độ lạc quan về tốc độ tăng trưởng của thị trường.

Theo đánh giá của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội, phản ánh sự biến động của nền kinh tế toàn cầu và các chính sách điều tiết trong nước. Trong đó bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng trong bối cảnh dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng cao. Bất động sản nhà ở cũng là phân khúc tiềm năng, thu hút nhiều nhà đầu tư trên thế giới.

Trang Nguyễn

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/lan-song-dau-tu-moi-nhieu-linh-vuc-hut-von-ngoai-459486.html