Làn sóng di cư lan rộng
Khu rừng rậm giữa Colombia và Panama trong năm nay đã trở thành 'đường cao tốc', nhanh chóng nhưng đầy nguy hiểm, đối với hàng trăm nghìn người di cư từ khắp nơi trên thế giới.
Bị thôi thúc bởi khủng hoảng kinh tế, xung đột chính trị, 506.000 người di cư - gần 2/3 trong đó là dân Venezuela - đã quyết định mạo hiểm 3 ngày dưới bùn sâu, sông chảy xiết và nạn cướp bóc để vượt qua rừng rậm Darien Cap (nằm giữa Colombia và Panama) với hy vọng đến được Mỹ. Trong khi đó, người dân địa phương làm hướng dẫn viên, khuân vác, cho thuê khu cắm trại và bán đồ dùng cho người di cư.
Bà Dana Graber Ladek - người đứng đầu Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên hợp quốc (LHQ) tại Mexico - cho biết, dòng người di cư qua khu vực năm nay là “những con số lịch sử mà chúng tôi chưa từng thấy”.
Nhưng xu hướng này không chỉ diễn ra ở Mỹ Latin. Số người di cư vượt Địa Trung Hải hoặc Đại Tây Dương trên những chiếc thuyền nhỏ để đến châu Âu trong năm nay đã tăng mạnh. Theo Ủy ban châu Âu (EC), hơn 250.000 người di cư đã được ghi nhận vào năm 2023.
Dù tăng đáng kể so với những năm gần đây, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với thời điểm cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015, khi hơn 1 triệu người đổ bộ vào châu Âu, hầu hết chạy trốn các cuộc chiến ở Syria, Iraq. Tuy nhiên, sự gia tăng này dẫn đến tâm lý chống người di cư và khiến giới chức tính đến các biện pháp kiểm soát cứng rắn hơn.
Alexander Mercado - người Venezuela - chỉ mới trở về nước một tháng sau khi mất việc ở Peru trước khi anh và người bạn đời quyết định lên đường sang Mỹ cùng đứa con trai mới sinh.
Angelis Flores - vợ của Mercado - cho biết, mức lương tối thiểu ở Venezuela tương đương 4 USD/tháng, trong khi 1 kg thịt bò khoảng 5 USD. “Hãy tưởng tượng một người có mức lương 4 USD một tháng sẽ sống sót như thế nào” – cô Flores nói.
Vợ chồng Mercado đã quyết định lên đường vào tháng 9, khi Mỹ tuyên bố cấp quyền cư trú tạm thời cho hơn 470.000 người Venezuela. Nhưng chỉ vài tuần sau, chính quyền Tổng thống Biden cho biết, họ đang nối lại các chuyến bay trục xuất đến quốc gia Nam Mỹ.
Hồi tháng 10, Panama và Costa Rica công bố một thỏa thuận nhằm tăng tốc độ di cư đi qua hai nước này. Panama đưa những người di cư đến một trung tâm ở Costa Rica - nơi họ bị giam giữ cho đến khi mua được vé xe buýt đến Nicaragua.
Sau khi phát hiện Nicaragua có yêu cầu thị thực lỏng lẻo, người Haiti đổ xô đến đất nước này trên các chuyến bay trọn gói, buộc phải mua vé khứ hồi mà họ không hề có ý định quay lại. Công dân một số quốc gia châu Phi bay nối chuyến qua châu Phi, châu Âu và Mỹ Latin để đến Managua và di chuyển bằng đường bộ tới Mỹ.
Ông Adam Isacson - nhà phân tích theo dõi tình trạng di cư tại Văn phòng Washington ở Mỹ Latin - cho rằng, Panama, Costa Rica và Honduras cấp tư cách pháp nhân cho người di cư khi họ quá cảnh và bằng cách cho phép người di cư đi qua hợp pháp, các quốc gia này đã giúp những người di cư ít bị tổn thương hơn trước sự tống tiền từ quan chức địa phương và những kẻ buôn lậu, điều thường xuyên xảy ra.
Hệ thống nhập cư của Mexico đã rơi vào tình trạng hỗn loạn hôm 27/3, khi 40 người di cư thiệt mạng vì ngạt khói trong một trung tâm giam giữ ở thành phố biên giới Juarez. Giám đốc cơ quan nhập cư nằm trong số nhiều quan chức bị buộc tội. Cơ quan này đã đóng cửa 33 trung tâm giam giữ và tiến hành thanh tra.
Ông Gretchen Kuhner - Giám đốc IMUMI, một tổ chức dịch vụ pháp lý phi chính phủ, cho biết không thể giam giữ nhiều người di cư, thay vào đó, Mexico luân chuyển họ đi khắp đất nước, sử dụng các biện pháp giam giữ ngắn hạn, lặp lại. Những người ủng hộ gọi đó là chính sách làm suy yếu.
Cuối tháng 11, sau quá trình di chuyển mệt mỏi qua nhiều địa điểm, vợ chồng Mercado quay trở lại thủ đô Mexico. Mercado tỏ ra dứt khoát, sẽ không rời thành phố cho đến khi chính phủ Mỹ cho phép họ tị nạn.
Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia phát triển khác cũng đang phải đương đầu với làn sóng di cư.
Đầu tháng 12, chính phủ Anh công bố các quy định nhập cư cứng rắn nhằm giảm hàng trăm nghìn người tìm đến nước này mỗi năm. Nhập cư vào Vương quốc Anh lập kỷ lục vào năm 2022 với gần 750.000 người.
Một tuần sau, các nhà lập pháp đối lập ở Pháp bác bỏ dự luật nhập cư của Tổng thống Emmanuel Macron, nhằm mục đích giúp Pháp dễ dàng trục xuất những người nước ngoài mà chính phủ không muốn tiếp nhận. Các chính trị gia cực hữu cáo buộc dự luật làm tăng số lượng người di cư, trong khi những người ủng hộ người di cư cho rằng dự luật đe dọa quyền của người tị nạn.
Tại Mỹ, các cuộc tranh luận dẫn đến những nỗ lực mở ra những hành lang pháp lý mới, chủ yếu là để thắt chặt biên giới phía nam.
Hồi tháng 1, Mỹ bắt đầu mở các không gian hạn chế đối với người Venezuela, người Nicaragua và người Haiti, cho phép họ nhập cảnh trong hai năm với một nhà tài trợ, đồng thời trục xuất những người không đủ điều kiện đến Mexico.
“
Được hỗ trợ bởi mạng xã hội và các nhóm tội phạm có tổ chức ở Colombia, hơn 506.000 người di cư - gần 2/3 trong đó là dân Venezuela - vượt qua rừng rậm Darien giữa tháng 12, gấp đôi so với con số kỷ lục của năm ngoái là 248.000 người. Năm 2016 chỉ có khoảng 30.000 người.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lan-song-di-cu-lan-rong-10269374.html