'Làn sóng layoff' phủ đen ngành Công nghệ: 258.803 người bị sa thải trong năm qua

Nhắc đến nước Mỹ, chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến những 'ông trùm' công nghệ, những Meta, Google, Microsoft và Amazon đã trở thành 'công sở trong mơ' của nhiều bạn trẻ. Thế nhưng, trong suốt năm vừa qua, có một từ khóa khiến hàng trăm công ty lớn và hàng nghìn nhân viên phải điêu đứng.

Giải mã “làn sóng” layoff

Hiểu nôm na, layoff là một thuật ngữ chỉ việc các công ty phải đình chỉ hoặc buộc nhân viên thôi việc vì những lí do không liên quan đến năng suất làm việc. Theo thống kê của tạp chí Forbes, trong 9 tháng đầu năm 2023, 605.000 nhân viên đã bị mất việc trên toàn nước Mỹ.

Công nghệ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 258.803 người bị sa thải trong vòng 1 năm qua theo thống kê từ Wall Street Journal. Các “ông trùm” cũng phải lung lay trước “làn sóng” layoff. Trong một năm qua, Google, Amazon, Facebook và Microsoft đã cho thôi việc 51.000 nhân viên.

Làn sóng sa thải đang lan rộng khắp thế giới gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế.

Làn sóng sa thải đang lan rộng khắp thế giới gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế.

Chẳng nói đâu xa, tháng 9 vừa rồi, công ty mình cũng vừa thông báo thôi việc đến tận 5.000 nhân viên. Mình vẫn nhớ như in buổi sáng đi làm hôm đó. Từ sáng sớm, sếp đã gửi lịch họp riêng với từng thành viên trong team nhằm thông báo “danh sách đen”. Cả buổi sáng, tim mình như muốn nhảy cả ra ngoài, phần vì hồi hộp, phần vì lo lắng không biết kết quả sẽ ra sao.

Lúc bước vào cuộc họp riêng, mình còn chẳng dám nhìn thẳng vào mắt của sếp cho đến khi sếp thông báo vị trí của mình không bị ảnh hưởng. Thế nhưng trong một buổi sáng, team mình từ 10 người bỗng dưng chỉ còn vỏn vẹn 5 người. Biết bao công việc bị đình trệ cả tháng vì team phải loay hoay xoay sở với sự thay đổi bất ngờ này.

Các tập đoàn lớn sa thải hàng chục nghìn nhân viên.

Các tập đoàn lớn sa thải hàng chục nghìn nhân viên.

Một trong những lí do hàng đầu khiến làn sóng layoff trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết chính là bước nhảy vọt của trí tuệ nhân tạo (AI).

Sau khi đi qua đại dịch COVID-19, đứng trước tình hình kinh tế “ì ạch”, nhiều công ty đã quyết định cắt giảm chi phí bằng cách đầu tư vào AI và thay đổi cách làm việc “tốn kém”.

Mình đã chứng kiến trí tuệ nhân tạo “lên ngôi” từ khắp các phòng ban tại công ty. Lúc trước, công ty có hẳn đội ngũ “túc trực” đường dây nóng để giải quyết các vấn đề về hóa đơn hay trục trặc kỹ thuật. Còn giờ đây, trả lời khách hàng là robot với những câu hỏi trọng tâm giúp giảm thiểu thời gian nghe máy của khách hàng. Hay phòng ban của mình vừa “chào sân” chatbot và hệ thống truy tìm dữ liệu (search engine) “đặc trị” mọi câu hỏi về nhân sự như phúc lợi hay các chương trình đào tạo kỹ năng. Thay vì các nhân viên phải liên lạc qua đội HR Partner (Đối tác nhân sự) để “thăm dò” thông tin, giờ đây những câu trả lời ấy cũng được lập trình sẵn thông qua AI.

Trí tuệ nhân tạo lên ngôi đe dọa việc làm của con người.

Trí tuệ nhân tạo lên ngôi đe dọa việc làm của con người.

“Căng buồm” đón đầu cách vận hành mới

Trong bối cảnh hàng ngàn người mất việc và AI được “tín nhiệm”, nhiều người lo lắng trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế con người. Mình đã từng nghĩ thế cho đến khi trò chuyện với cô đồng nghiệp thế hệ X. Cô kể rằng khi Excel và PowerPoint ra đời, những nhân viên không biết sử dụng phần mềm này đã phải nhường chỗ lại cho những ứng cử viên thuần thục hơn. Quay trở lại thời nay, AI tuy xa lạ nhưng lại là “tín hiệu vũ trụ” cho sự lên ngôi của cách vận hành mới và những kỹ năng mới.

Hàng ngàn người đã và đang mất việc.

Hàng ngàn người đã và đang mất việc.

Theo nghiên cứu 2023 Work Trend Index xuất bản bởi Microsoft, khi được hỏi lợi ích lớn nhất của AI là gì, các nhà lãnh đạo đến từ 28 quốc gia khác nhau đều có chung đáp án áp đảo: Tăng hiệu quả năng suất làm việc. Vì thế trong tương lai, thay vì thay thế con người, AI sẽ trở thành bạn đồng hành giúp đơn giản hóa các tiến trình rối rắm và giảm thời gian làm việc so với trước đây.

Ngay tại công ty mình, AI đã trở thành “trợ thủ đắc lực” trong công cuộc... viết feedback (báo cáo công việc cuối năm). Công ty không những khuyến khích nhân viên sử dụng ChatGPT mà cả các phần mềm AI khác để phân tích những lỗ hổng trong feedback, chỉ ra những câu văn mang tính chủ quan, phân biệt chủng tộc, những từ ngữ tập trung vào tính cách nhân viên (personality) thay vì hiệu suất (performance).

Cần chuẩn bị gì để “đạp gió rẽ sóng”?

Kỹ năng sử dụng AI

Nếu bạn đang lo sợ rằng AI sẽ thay thế con người thì đừng lo! Sau khi tham gia buổi hội thảo về công nghệ dẫn dắt bởi giáo sư Karim Lakhani đến từ trường Đại học Harvard, mình được củng cố tinh thần bởi câu nói chốt hạ của thầy: “AI will not replace your job. People with AI skills will” (Không phải trí tuệ nhân tạo, những nhân viên biết sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ lấy đi cơ hội việc làm của bạn). Ngay từ chính trong câu chốt hạ, thầy Karim đã nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng sử dụng thành thạo AI. Điều này không có nghĩa chúng ta phải thành thạo viết code hay lập trình robot. Thay vào đó, hãy chú trọng kỹ năng tìm kiếm, đánh giá, sáng tạo, và giao tiếp thông qua AI.

Giáo sư Karim Lakhani - Đại học Harvard.

Giáo sư Karim Lakhani - Đại học Harvard.

Mình vẫn nhớ những ngày đầu tiên chập chững thực tập ở công ty, sếp mình đã căn dặn: “Work smarter, not harder” (Làm việc thông minh hơn, thay vì siêng năng hơn). Sếp mình tin rằng thời gian làm việc không hề tỉ lệ thuận với chất lượng công việc. Chính vì thế, hãy tận dụng sự lợi hại của AI để tăng hiệu quả công việc.

Kĩ năng mềm có tính áp dụng cao

Theo như nghiên cứu năm 2017 của “ông trùm công nghệ” Dell, 85% công việc tồn tại năm 2030 vẫn chưa được tạo ra. Khi những công việc tương lai vẫn còn chưa rõ tên, những kỹ năng đòi hỏi tính chuyên môn cao (technical skills) vẫn còn là một ẩn số. Chính vì thế, đây là “thời điểm vàng” để teen nhà mình trau dồi những kỹ năng mềm có tính áp dụng cao (transferable soft skills) để đón đoàn tàu đổi mới trước thời đại công nghệ mới.

Tác giả cuốn sách The Intelligence Revolution (Cuộc Cách Mạng Trí Tuệ)

Tác giả cuốn sách The Intelligence Revolution (Cuộc Cách Mạng Trí Tuệ)

Theo ông Barnard Marr, tác giả quyển sách The Intelligence Revolution (Cuộc Cách Mạng Trí Tuệ), những kỹ năng cần thiết trong thời đại AI gồm có: Trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence), trí tuệ nhận thức về sự đa dạng văn hóa (diversity & cultural intelligence) và sự mở lòng với những sự thay đổi (embracing change). Các bạn có thể thấy, trong khi AI được “sủng ái” với khả năng phân tích nhanh và mang tính chính xác siêu phàm, chúng ta phải dẫn đầu bằng chính những hạn chế của trí tuệ nhân tạo.

Đón đọc những bài viết tiếp theo của mình để trang bị những kỹ năng này nhé!

ZAAHUY - Ảnh mang tính minh họa

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/lan-song-layoff-phu-den-nganh-cong-nghe-258803-nguoi-bi-sa-thai-trong-nam-qua-post1599146.tpo