Làn sóng M&A dầu khí đang vẽ lại bức tranh năng lượng của Mỹ

Các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành dầu khí đá phiến của Mỹ đã tăng lên gần 200 tỉ đô la Mỹ trong năm qua. Trong làn sóng M&A này, các nhà sản xuất lớn nhất cạnh tranh để 'nuốt chửng' các đối thủ nhỏ khi chạy đua mở rộng quy mô và vẽ lại bức tranh năng lượng của Mỹ.

Công nhân làm việc tại một giàn khoán dầu đá phiến ở bang Texas, Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Công nhân làm việc tại một giàn khoán dầu đá phiến ở bang Texas, Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Khi các khu vực khoan có trữ lượng dầu khí đá phiến dồi dào ở Mỹ ngày càng khan hiếm, các tập đoàn năng lượng của Mỹ đang tìm cách thâu tóm tài sản của các đối thủ nhỏ để nâng cao công suất khai thác trong những năm tới.

“Chúng ta đang trong một làn sóng hợp nhất mà tôi cho rằng vẫn chưa kết thúc. Số lượng công ty dầu khí đại chúng ở Mỹ đã giảm từ 65 xuống 41 trong vòng chưa đầy 5 năm”, Jon Hughes, CEO của Petrie Partners, ngân hàng đầu tư tư vấn thương vụ bán tài sản 60 tỉ đô la của Pioneer Natural Resources cho ExxonMobil nói.

Theo hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, kể từ tháng 7 năm ngoái, các công ty dầu khí lớn gồm ExxonMobil, Chevron và Occidental Petroleum đã công bố các thương vụ thâu tóm với tổng trị giá 194 tỉ đô la ở lĩnh vực dầu đá phiến của Mỹ. Con số này cao gấp ba lần giá trị của các thương vụ M&A dầu đá phiến trong khoảng thời gian 12 tháng trước đó.

Thương vụ mới nhất được công bố trong tuần qua khi ConocoPhillips thông báo mua lại Marathon Oil với giá 22,5 tỉ đô la. Theo Rystad, ít nhất 62 tỉ đô la tài sản dầu khí khác ở Mỹ đang được đưa ra thị trường M&A..

Michael Alfaro, Giám đốc đầu tư của Gallo Partners, một quỹ phòng hộ tập trung vào công nghiệp và năng lượng, cho biết các công ty dầu khí bao gồm Permian Resources, Matador Resources, Chord Energy và Civitas Resources đang nằm trong tầm ngắm của những tay chơi lớn hơn.

EOG có vốn hóa thị trường 70 tỉ đô la và Devon Energy, với vốn hóa 30 tỉ đô la, là những công ty dầu khí đại chúng lớn của Mỹ chưa “khai hỏa” trong làn sóng M&A hiện tại. Các nhà phân tích cảnh báo, Devon Energy có nguy cơ trở thành mục tiêu của những đấu thủ khác nếu công ty này không mở rộng quy mô. Các nguồn tin cho biết, Devon đã đàm phán để mua lại Marathon Oil nhưng rốt cục lại bị ConocoPhillips nẫng tay trên.

Cơn bùng nổ M&A đã bước vào một giai đoạn mới sau khi phần lớn diện tích khai thác tốt nhất ở lưu vực dầu khí đá phiến Permian nằm giữa bang Texas và bang New Mexico đã bị thâu tóm. Rystad ước tính, làn sóng M&A đã giúp 6 công ty nắm giữ gần 2/3 trữ lượng dầu khí đá phiến ở lưu vực Permian. Vì vậy, các công ty dầu khí lớn của Mỹ đang tìm mua các mỏ dầu ở những nơi khác.

Thương vụ ConocoPhillips thâu tóm Marathon Oil báo hiệu sự thay đổi chiến lược trong làn sóng M&A dầu khí. Marathon chỉ sở hữu một phần diện tích khai thác ở Permian. Nhiều tài sản của công ty này nằm rải rác trên các lưu vực dầu đá phiến ít nổi tiếng hơn như Eagle Ford ở bang Texas, Bakken ở bang Bắc Dakota và Scoop Stack ở bang Oklahoma.

“Với những cơ hội hạn chế còn lại ở Permian, sự cạnh tranh gia tăng có thể đã thúc đẩy ConocoPhillips tìm kiếm các lựa chọn ở nơi khác. Làn sóng hợp nhất trong ngành dấu đá phiến của Mỹ rất có thể sẽ dịch chuyển ra ngoài Permian”, Palash Ravi, nhà phân tích của Rystad nói.

Trong tuần nay, ConocoPhillips thông báo mua lại Marathon Oil với giá 22,5 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Blackridge Research

Trong tuần nay, ConocoPhillips thông báo mua lại Marathon Oil với giá 22,5 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Blackridge Research

Làn sóng M&A gần đây được khởi động khi Exxon chào giá 60 tỉ đô la để mua lại Pioneer, nhà sản xuất dầu lớn nhất ở Texas, vào tháng 10 năm ngoái. Ngay sau đó, Chevron, đối thủ lớn nhất của Exxon, công bố một thỏa thuận thâu tóm Hess với giá 53 tỉ đô la.

Hoạt động M&A đã làm thay đổi bức tranh của ngành công nghiệp dầu khí ở Mỹ, từ một nơi bao gồm hàng nghìn nhà khai thác quy mô nhỏ thành một nơi mà chỉ một số ít tay chơi nắm phần lớn tài sản dầu khí.

Theo hãng tư vấn Wood Mackenzie, thương vụ thâu tóm Marathon Oil sẽ mang lại cho ConocoPhillips sản lượng dầu khí lớn hơn TotalEnergies (Pháp) và ngang bằng với BP (Anh). Trong khi đó, Rystad ước tính, ConocoPhillips, Exxon và Chevron sẽ cùng nhau chiếm giữ 25% nguồn tài nguyên dầu đá phiến còn lại của Mỹ.

Trong khi nhiều thỏa thuận M&A lớn nhất đã được thực hiện, các lãnh đạo trong ngành dự báo sẽ còn nhiều thương vụ nữa.

“Chúng tôi dự đoán cuộc chạy đua mở rộng quy mô của các công ty dầu khí ở Mỹ sẽ tiếp tục”, Mark Viviano, nhà quản lý danh mục đầu tư của Công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân Kimmeridge nói.

Theo Financial Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lan-song-ma-dau-khi-dang-ve-lai-buc-tranh-nang-luong-cua-my/