Kinh tế Bắc Ninh, Quảng Nam hồi phục, thoát nguy cơ 'đội sổ'
Nhiều tỉnh thành có mức tăng trưởng GRDP dưới mức trung bình cả nước. Tuy nhiên, thứ hạng đã có sự thay đổi khi một số địa phương chứng kiến kinh tế hồi phục trở lại.
Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố mới đây đã phác họa bức tranh tăng trưởng của các tỉnh, thành phố trên cả nước trong nửa đầu năm 2024.
Bên cạnh những địa phương dẫn đầu đà tăng trưởng cả nước với mức tăng 2 con số như Bắc Giang, Khánh Hòa, Thanh Hóa, vẫn còn một số địa phương chứng kiến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) thấp hơn mức bình quân cả nước.
Bắc Ninh "thoát" tăng trưởng âm
Theo thống kê, có tổng cộng 10/59 tỉnh thành (đã công bố số liệu GRDP nửa năm) ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP trong 6 tháng qua thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tế, con số này có thể tăng thêm khi vẫn còn một số địa phương chưa công bố tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn này.
Ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, 3 địa phương có tốc độ tăng GRDP thấp hơn mặt bằng chung cả nước là Hòa Bình (1,81%), Cao Bằng (4,54%) và Lạng Sơn (4,72%).
Với Hòa Bình, nguyên nhân quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tăng trưởng hạn chế chủ yếu do khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,34% dù chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến hơn 40%.
Hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến chế tạo, sản xuất khoáng sản, duy trì mức tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 3,2% so với cùng kỳ.
Một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng có thể kể đến khai khoáng (+17,5%); công nghiệp chế biến, chế tạo (+18,3%). Mặt khác, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước giảm 9%.
Các khu vực kinh tế khác của tỉnh như nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng hơn 4%, dịch vụ tăng 6,5%; thuế sản phẩm tăng 4,7%.
Trong khi đó, Bắc Ninh là đại diện duy nhất của vùng đồng bằng sông Hồng tăng trưởng dưới 5%, cụ thể là 2,32%.
Trên thực tế, GRDP của Bắc Ninh trong quý I ghi nhận mức giảm 3,52%. Việc chỉ số này tăng trưởng bứt phá hơn 8% trong quý II đã giúp GRDP nửa đầu năm cải thiện lên 2,32% so với cùng kỳ.
Nhìn tổng thể, ngành công nghiệp - xây dựng vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ lực, chiếm tỷ trọng cao nhất (gần 69%) trong cơ cấu kinh tế của địa phương này. Giai đoạn vừa qua, khu vực này tăng 1,35%.
Các khu vực kinh tế khác như thuế sản phẩm (+0,9%), dịch vụ (+5,6%), nông, lâm nghiệp và thủy sản (+2,7%) cũng đều có sự cải thiện.
Đáng chú ý, Bắc Ninh cũng là tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI giai đoạn vừa qua. Nhờ đăng ký điều chỉnh thêm gần 1,5 tỷ USD trong những tháng gần đây, Bắc Ninh đã vượt qua Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,5 tỷ USD, tăng hơn 3 lần cùng kỳ năm 2023 và chiếm gần 17% tổng vốn đầu tư cả nước.
Tăng trưởng kinh tế Lâm Đồng chạm đáy nhiều năm
Dù có tăng truởng GRDP thấp nhất khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, kinh tế Quảng Nam cũng chứng kiến sự hồi phục rõ rệt tương tự Bắc Ninh khi chấm dứt đà tăng trưởng âm trong quý I để chuyển sang tăng trưởng dương ở quý II.
Quy mô GRDP ước tính 6 tháng đầu năm của địa phương này tăng 2,68%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3%; công nghiệp - xây dựng tăng 4,7%; dịch vụ tăng 4,4%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 3%.
Dẫu vậy, Cục Thống kê Quảng Nam cho biết Quảng Nam vẫn đứng thứ 59/63 tỉnh, thành phố về tăng trưởng kinh tế, thấp nhất so với 5 tỉnh kinh tế trọng điểm miền Trung và 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Xếp trên Quảng Nam là Lâm Đồng. Giai đoạn vừa qua, Cục Thống kê tỉnh này đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của Lâm Đồng tăng trưởng chậm so với cùng kỳ, theo giá so sánh 2010 chỉ tăng 2,97%. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất của tỉnh trong nhiều năm qua, đồng thời thấp nhất khu vực Tây Nguyên.
Trong mức tăng chung của toàn tỉnh, chỉ có 3 khu vực có chỉ số tăng trưởng, gồm nông, lâm, thủy sản (+3%), dịch vụ (+5,1%); thuế sản phẩm trừ nợ cấp sản phẩm (+3,8%). Còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình trạng này đến từ nhiều nguyên nhân như hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhà máy thủy điện; bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó là một số nguyên nhân chủ quan như giải ngân vốn đầu tư công chậm, các chính sách về khai khoáng bị thắt chặt.
Trong khi Đông Nam Bộ không có địa phương nào ghi nhận tăng trưởng GRDP dưới 5% thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long có Vĩnh Long (4,77%) và Bến Tre (4,96%).