Làn sóng rút vốn kỷ lục khỏi các quỹ ESG

Các quỹ đầu tư theo tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trên toàn cầu chứng kiến lượng vốn bị rút ròng kỷ lục 8,6 tỉ đô la Mỹ trong quí 1 năm nay.

Đó là dấu hiệu do thấy ảnh hưởng tiêu cực từ sự công kích chính trị ở Mỹ nhằm vào xu hướng đầu tư ESG đang bắt đầu lây lan ra toàn cầu.

Các quỹ đầu tư ESG không được nhà đầu tư ưu ái như trước đây do sự đảo nguợc chính sách tại Mỹ. Ảnh minh họa: Shutterstock

Các quỹ đầu tư ESG không được nhà đầu tư ưu ái như trước đây do sự đảo nguợc chính sách tại Mỹ. Ảnh minh họa: Shutterstock

Trong quí 1-2025, nhà đầu tư trên toàn cầu đã rút ròng tới 8,6 tỉ đô la khỏi các quỹ ESG, mức cao nhất từ trước tới nay, theo dữ liệu của Morningstar.

Tại Mỹ, tình trạng rút vốn khỏi các quỹ ESG đã kéo dài sang quí thứ 10 liên tiếp. Đáng chú ý, các nhà đầu tư ở châu Âu lần đầu tiên rút vón khỏi các quỹ ESG với số tiền 1,8 tỉ đô la.

Điều này cho thấy sự phản kháng đối với các quỹ đầu tư ESG ở Mỹ có thể đang lan sang châu Âu, khu vực mà khái niệm ESG lần đầu tiên xuất hiện và chiếm 84 % trong số 3,2 ngàn tỉ đô la ở các quỹ ESG trên toàn cầu.

Đảng Cộng hòa ở Mỹ phản đối mạnh mẽ ESG vì cho rằng xu hướng đầu tư này đặt “chủ nghĩa thức tỉnh” (woke capitalism) về xã hội và chính trị lên trên lợi nhuận tài chính.

Ở châu Âu, nhà đầu tư cũng tẩy chay các quỹ ESG truyền thống né tránh cổ phiếu quốc phòng trong bổi cảnh lục địa này đang thúc đẩy tái vũ trang sau cuộc xung đột Nga-Ukraine và những nghi ngờ về sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Kyiv.

“Quí 1 đánh dấu một bước ngoặt. Chúng ta thấy phản ứng dữ dội với ESG ở Mỹ và giờ đây ảnh hưởng rõ rệt tới tâm lý ở châu Âu”, Hortense Bioy, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư bền vững của Morningstar nhận xét.

Điều đáng nói, dòng tiền rút ra khỏi các quỹ ESG diễn ra ngay cả khi dòng tiền đổ vào các quỹ thông thường ở châu Âu vẫn mạnh mẽ, cho thấy đây không phải là sự tháo chạy khỏi thị trường chung.

Bioy tin rằng, sự phản kháng đối với ESG và các chính sách đa dạng, công bằng và hòa nhập do chính quyền Tổng thống Donald Trump thúc đẩy đang ảnh hưởng đến các nhà quản lý tài sản trên toàn thế giới.

“Phản ứng dữ dội đối với ESG từ Mỹ đang ảnh hưởng đến các nhà quản lý tài sản trên toàn cầu thận trọng hơn”, Bioy nói.

Các chuyên gia cho rằng, mối quan ngại về hiệu suất của các quỹ ESG cũng góp phần khiến nhà đầu tư rút vốn. Nhiều quỹ ESG hoạt động kém hơn các chuẩn mực truyền thống trong thời gian biến động thị trường gần đây.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều lời chỉ trích về việc, các quỹ ESG thường không thực hiện được những gì hứa hẹn. Những cáo buộc về tình trạng “tẩy rửa xanh” khi các công ty phóng đại thông tin về lợi ích môi trường hoặc xã hội trong hoạt động kinh doanh khiến một số nhà đầu tư cảnh giác các quỹ gắn mác ESG.

Trong bối cảnh EU chuẩn bị siết chặt các quy định chống “tẩy rửa xanh”, Morningstar ghi nhận có 336 quỹ đầu tư bền vững tại châu Âu đã đổi tên trong quí 1. Trong đó, 116 quỹ đã bỏ những từ liên quan tới ESG khỏi tên gọi và 94 quỹ ESG ở châu Âu bị giải thể hoặc sáp nhập, trong khi ở Mỹ, số lượng quỹ ESG đóng cửa cũng đạt mức kỷ lục.

Đáng lưu ý, nỗ lực chính thức hóa việc đưa các công ty quốc phòng vào danh mục đầu tư ESG đang khiến nhiều nhà đầu tư bền vững truyền thống cảm thấy bối rối.

“Các nhà quản lý và cơ quan chức năng giờ đây đang nói rằng đầu tư vào vũ khí là chấp nhận được, điều mà vài năm trước, giới đầu tư ESG sẽ không đời nào chấp nhận. Điều này chắc chắn sẽ gây ra sự hoang mang”, Bioy nói.

Dòng tiền chảy ra kỷ lục từ các quỹ ESG là lời cảnh báo cho cộng đồng đầu tư bền vững.

Theo các chuyên gia, chỉ sự nhiệt tình thôi là chưa đủ. Thay vào đó, các quỹ ESG cần cải thiện tính xác thực, minh bạch và kết quả có thể đo lường được để vực dậy niềm tin của nhà đầu tư. Để tồn tại và phát triển, các quỹ ESG phải phát triển vượt ra ngoài các khẩu hiệu và thực hiện cam kết liên kết thành công tài chính với tương lai bền vững.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lan-song-rut-von-ky-luc-khoi-cac-quy-esg/