Làn sóng thịnh nộ sau vụ phó tổng thống Argentina bị chĩa súng vào mặt
Nhiều chính trị gia trên thế giới và hàng nghìn người Argentina đã bày tỏ sự phẫn nộ sau vụ việc phó tổng thống Argentina bị ám sát hụt.
Bà Cristina Kirchner (69 tuổi) sống sót trong vụ tấn công bên ngoài tư gia ở Buenos Aires hôm 1/9, sau khi bị một người đàn ông cầm súng lục nhắm thẳng vào mặt ở cự ly gần. Khẩu súng, đã được nạp sẵn đạn, không nhả đạn khi tay súng bóp cò.
Cảnh sát đang điều tra xem liệu người tấn công, bị bắt tại hiện trường, hành động một mình hay có đồng bọn. Cuộc điều tra cũng đang được mở rộng theo hướng một vụ cố ý giết người.
Trong khi hàng chục nghìn người Argentina xuống đường phản đối bạo lực chính trị, Giáo hoàng, Liên Hợp Quốc, Mỹ và các nhà lãnh đạo Mỹ Latin đã gửi lời động viên tới phó tổng thống cũng như bày tỏ phẫn nộ trước bạo lực, theo AFP.
“Sự việc nghiêm trọng nhất từng xảy ra”
Người tấn công được xác định là Fernando Andre Sabag Montiel, 35 tuổi, một công dân Brazil có mẹ là người Argentina.
Anh ta ban đầu bị bắt với lý do tàng trữ vũ khí trái phép, hãng thông tấn Telam trích dẫn nguồn tin cảnh sát.
Hình ảnh từ tài khoản mạng xã hội của người đàn ông cho thấy anh ta có hình xăm Đức quốc xã. Cảnh sát nói với các phóng viên rằng họ đã tìm thấy 100 viên đạn trong căn hộ mà anh ta thuê ở ngoại ô Buenos Aires.
Vụ việc xảy ra tại khu phố cao cấp Recoleta của Buenos Aires, nơi người biểu tình tụ tập hàng đêm kể từ ngày 22/8 để ủng hộ phó tổng thống trước các thách thức pháp lý mà bà đang đối mặt.
“Tôi thấy một cánh tay cầm súng đưa lên từ phía sau qua vai tôi. Với hàng loạt người xung quanh, anh ta đã bị khống chế”, một nhân chứng giấu tên nói với AFP.
Teresa, một nhân chứng khác, kể: "Chúng tôi đang đợi bà Cristina yêu quý của chúng tôi. Bà ấy chỉ đến để chào mọi người, như mọi đêm. Đột nhiên có náo loạn, một người đã chĩa (súng) vào bà".
Hiện trường vụ việc đã được cảnh sát phong tỏa hôm 2/9.
Tổng thống Alberto Fernandez đã công bố trước toàn quốc rằng “khẩu súng chứa 5 viên đạn” và người đàn ông khi đó “đã bóp cò”, nhưng chưa xác định được lý do kỹ thuật khiến khẩu súng không nhả đạn.
Ông nói rằng đây là "sự kiện nghiêm trọng nhất từng xảy ra kể từ khi chúng ta khôi phục nền dân chủ" vào năm 1983.
Cơn sốc toàn cầu
Giáo hoàng Francis, bản thân là cựu tổng giám mục của Buenos Aires, đã gửi cho bà Kirchner một bức điện bày tỏ "tình đoàn kết", theo Vatican.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết ông "sốc" về sự việc, đồng thời "lên án vụ bạo lực", một phát ngôn viên cho biết.
Trên Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken viết sau khi nhận tin tức: "Chúng tôi sát cánh với chính phủ và người dân Argentina trong việc phản đối bạo lực và thù hận".
Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói rằng ông “dứt khoát lên án âm mưu ám sát này”.
Hàng loạt chính trị gia Mỹ Latin cũng lên tiếng về vụ việc, với các thông điệp từ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Gabriel Boric của Chile, Luis Arce của Bolivia, Andres Manuel Lopez Obrador của Mexico và Guillermo Lasso của Ecuador, cùng những người khác.
Luiz Inacio Lula da Silva, cựu Tổng thống Brazil, dù đang bận rộn với cuộc chiến tranh cử khốc liệt, đã chỉ trích người tấn công bà Kirchner là "tội phạm phát xít".
Đối thủ của ông, Tổng thống đương nhiệm Jair Bolsonaro - người sống sót sau một vụ ám sát khi đang vận động cho chiến dịch năm 2018 - cho biết ông đã gửi cho bà Kirchner một bức thư thể hiện sự nhẹ nhõm và đồng cảm.
“May là kẻ tấn công không biết cách sử dụng vũ khí", nhà lãnh đạo cực hữu nói thêm.
Phản ứng từ công chúng
Ở Argentina, nhóm đối lập Together for Change đã lên án vụ tấn công và kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện.
"Tôi tuyệt đối phản đối vụ tấn công nhắm vào bà Cristina Kirchner, người may mắn không bị thương", lãnh đạo phe đối lập Mauricio Macri, người từng kế nhiệm tổng thống sau khi bà Kirchner rời nhiệm sở năm 2015, viết trên Twitter.
Liên minh Front of All cầm quyền kêu gọi biểu tình tuần hành trên quảng trường trung tâm Plaza de Mayo của Buenos Aires và các thành phố khác "để bảo vệ nền dân chủ”.
Hàng nghìn người bao gồm các nhóm xã hội và nghiệp đoàn đã hưởng ứng lời kêu gọi.
"Chúng tôi đang phải đối mặt với một vụ việc rất nghiêm trọng mà không ai có thể không lên án", Laura Itchat (47 tuổi), một giảng viên đại học, đến quảng trường cùng đứa con 5 tháng tuổi của mình để biểu tình, nói với AFP.
Bà Kirchner có lượng người ủng hộ lớn và trung thành, bao gồm những người theo chủ nghĩa Pero trung tả của cựu Tổng thống Juan Peron.
Tuy nhiên, bà cũng không được lòng những người theo phe đối lập ở mức độ tương đương.
Trên Twitter, một số người lan truyền thuyết âm mưu rằng cuộc tấn công là một sự dàn dựng nhằm nâng cao mức độ ủng hộ đối với bà Kirchner trong thời gian bà đang đối mặt với các nguy cơ pháp lý.
Bà Kirchner, một luật sư, đã kế nhiệm người chồng quá cố Nestor Kirchner của mình và trở thành tổng thống từ năm 2007 đến năm 2015. Bà bị cáo buộc không trong sạch trong việc trao hợp đồng công trình công cộng tại thành trì chính trị của bà ở Patagonia, cùng các cáo buộc tham nhũng khác trong thời gian đó.
Các công tố viên của chính phủ tuyên bố sẽ tìm kiếm bản án 12 năm đối với bà Kirchner và cấm bà tham gia chính trị suốt đời. Họ cáo buộc cựu tổng thống ăn chặn của nhà nước khoảng 1 tỷ USD, nhưng bà Kirchner phủ nhận.