Làn sóng trừng phạt liên tục ập đến, vì sao Nga vẫn đứng vững?
Khi phương Tây liên tiếp tung ra đòn trừng phạt, Nga vẫn có thể chống chọi trước những thiệt hại bởi ngân khố của nước này đang tràn ngập doanh thu từ hàng hóa, vốn sinh lợi hơn bao giờ hết nhờ giá cả toàn cầu tăng vọt, một phần do xung đột ở Ukraine.
“Siêu cường hàng hóa”
Vào đầu tháng 3, khi Mỹ và các đồng minh tung ra một làn sóng trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Tổng thống Joe Biden nói rằng họ muốn giáng một “đòn mạnh vào cỗ máy chiến tranh của Tổng thống Putin”.
Tuy nhiên, khi cuộc chiến ở Ukraine sắp cán mốc ngày thứ 100, mọi thứ vẫn không có nhiều thay đổi. Nga thu được số tiền mặt trung bình 800 triệu USD/ngày từ dầu và khí đốt.
Trong nhiều năm, Nga hoạt động như một “siêu thị hàng hóa rộng lớn”, bán nhiều thứ mà thế giới cần, không chỉ năng lượng mà còn cả lúa mì, niken, nhôm và paladi.
Bloomberg nhận định rằng, Nga khó có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Các công ty lớn đã rời khỏi Nga, nhiều người để lại khối tài sản hàng tỷ USD và nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, Tổng thống Putin có thể đứng vững trước những thiệt hại này bởi ngân khố của Nga đang tràn ngập doanh thu từ hàng hóa, vốn sinh lợi hơn bao giờ hết nhờ giá cả toàn cầu tăng vọt, một phần do xung đột ở Ukraine.
Ngay cả khi một số quốc gia ngừng hoặc loại bỏ việc mua năng lượng, doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga sẽ đạt khoảng 285 tỷ USD trong năm nay, theo ước tính của Bloomberg Economics. Con số này sẽ vượt qua doanh thu của năm 2021 hơn 25%.
Các nhà lãnh đạo EU cho rằng họ nên ngừng mua hàng hóa từ Nga và gián tiếp tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, các nước EU cũng hiểu rằng sẽ có những hậu quả đối với nền kinh tế của chính họ nếu áp đặt biện pháp trừng phạt Nga.
Trong tuần này, EU đã đồng ý về lệnh cấm vận nhập khẩu 2/3 lượng dầu của Nga, sau nhiều tuần tranh cãi và chia rẽ.
Tại Mỹ, các quan chức đang thảo luận về cách giải quyết áp lực tài chính, có thể bằng cách áp đặt giới hạn giá dầu của Nga hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia và công ty vẫn giao dịch với các doanh nghiệp Nga. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt thứ cấp như vậy sẽ gây chia rẽ sâu sắc và có nguy cơ làm tổn hại quan hệ với các nước khác.
Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu của Nga, nhưng châu Âu chỉ đang từ từ loại bỏ sự phụ thuộc này. Việc này mang lại cho Nga thời gian để tìm kiếm các thị trường khác, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ, để hạn chế thiệt hại đối với doanh thu xuất khẩu.
Điều đó có nghĩa là tiền vẫn đang đổ vào Nga và các số liệu tài chính là một lời nhắc nhở đối với phương Tây rằng cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga đã tăng 50% so với một năm trước đó. Bên cạnh đó, Nga tiếp tục xuất khẩu lúa mì với giá cao hơn vì các lệnh trừng phạt đối với nông nghiệp Nga thậm chí không được thảo luận vì thế giới cần ngũ cốc của nước này.
Tổng thống Putin cũng đã cố gắng tận dụng vị thế của Nga như một siêu cường hàng hóa. Trong bối cảnh lo lắng về tình trạng thiếu lương thực, nhà lãnh đạo Nga cho biết sẽ chỉ cho phép xuất khẩu ngũ cốc và phân bón nếu các lệnh trừng phạt đối với đất nước của ông được dỡ bỏ.
“Nếu mục tiêu của các lệnh trừng phạt là ngăn chặn quân đội Nga, thì điều đó không thực tế. Nó vẫn có thể tài trợ cho nỗ lực chiến tranh, nó vẫn có thể bù đắp cho một số thiệt hại mà các lệnh trừng phạt đang gây ra”, Janis Kluge, chuyên gia về Đông Âu và Á-Âu tại Viện Quốc tế và An ninh Đức ở Berlin, cho biết.
Nga có thể chống chọi lệnh trừng phạt đến bao giờ?
Một trong những lỗ hổng lớn trong các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga là việc các quốc gia khác sẵn sàng tiếp tục mua dầu.
Kể từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 5, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã mua hơn 40 triệu thùng dầu của Moscow. Theo tính toán của Bloomberg, con số này cao hơn 20% so với số lượng dầu Ấn Độ nhận từ Nga trong cả năm 2021. Các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đang tìm kiếm các giao dịch tư nhân thay vì đấu thầu công khai để mua dầu của Nga rẻ hơn giá thị trường.
Trung Quốc cũng đang tăng cường liên kết năng lượng với Nga. Nước này đã tăng cường nhập khẩu và đang đàm phán để bổ sung kho dự trữ dầu thô chiến lược với dầu của Nga.
Đây cũng là câu chuyện tương tự đối với các nhà sản xuất thép và luyện cốc. Nhập khẩu từ Nga đã tăng 1/3 trong tháng 4, lên hơn gấp đôi mức của năm 2021. Một số công ty bán dầu và than của Nga đã cố gắng tạo điều kiện cho Trung Quốc bằng cách cho phép giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.
“Phần lớn thế giới không tham gia vào việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Thương mại sẽ tiếp tục, nhu cầu về nhiên liệu vẫn còn và người mua ở châu Á hoặc Trung Đông sẽ tăng lên”, Wouter Jacobs, người sáng lập Trung tâm Thương mại & Hàng hóa Erasmus tại Đại học Erasmus ở Rotterdam, cho biết.
Khoảng 40% nhu cầu khí đốt của EU được Nga đáp ứng và đây sẽ là liên kết khó cắt đứt nhất của khối. Các đợt giao hàng tại châu Âu thậm chí còn tăng vọt trong tháng 2 và tháng 3 khi giá khí đốt ở châu Âu tăng đột biến, khiến giá từ công ty Gazprom của Nga rẻ hơn đối với hầu hết các khách hàng có hợp đồng dài hạn.
Kể từ đó, nhu cầu khí đốt từ châu Âu giảm do thời tiết ấm hơn và dòng khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn từ Mỹ và các nước khác. Bên cạnh đó, cũng có những gián đoạn vì hoạt động quân sự ở Ukraine và Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan, những quốc gia từ chối thanh toán bằng đồng rúp.
Ngay cả khi EU giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, điều này cũng không hề dễ dàng. Một số người mua khí đốt lớn của Nga đã cố gắng tiếp tục mua nhiên liệu quan trọng và các công ty như Eni SpA của Italy và Uniper SE của Đức hy vọng nguồn cung từ Nga sẽ được đảm bảo.
Tuy nhiên, theo thời gian, áp lực lên nền kinh tế Nga sẽ tăng lên. Ngành năng lượng của quốc gia này cũng đang phải đối mặt với một loạt các yếu tố khác ngoài nhu cầu, từ các hạn chế về vận chuyển và bảo hiểm cho đến nhu cầu trong nước giảm. Sản lượng dầu có thể giảm hơn 9% trong năm nay, trong khi sản lượng khí đốt có thể giảm 5,6%.
“Điện Kremlin có sự lạc quan và thậm chí nghĩ rằng nền kinh tế Nga không sụp đổ trước làn sóng của các lệnh trừng phạt. Nhưng nhìn về phía trước từ 2-3 năm sau, cần đặt câu hỏi về cách các lĩnh vực năng lượng và sản xuất tồn tại”, Tatiana Stanovaya, người sáng lập công ty tư vấn chính trị R.Politik, cho biết./.