Lẩn thẩn bánh căn

Cái bánh căn hóa ra lại làm tôi nghĩ suy lắm chuyện. Có lẽ nào, những cái căn, cái gốc đáng trân quý lại đang được thời đại nhìn nhận như những thứ xấu xí, cũ kỹ, hủ lậu...

Bữa ấy, buổi trưa, trẻ con đi học cả, chỉ có mỗi hai vợ chồng ở nhà. Bà xã lúi húi mở tủ lạnh lấy rau dưa, thực phẩm tính nấu ăn thì nhận được tin nhắn. "Anh ơi, nhà Na đổ bánh căn rủ hai vợ chồng mình qua ăn. Anh muốn qua không?". Vậy là "ừ", rồi khoác vội cái áo, hai vợ chồng kéo nhau sang nhà hàng xóm.

Gọi là hàng xóm nhưng thực ra cũng là bạn thân. Tôi chơi thân với ông xã của Na, từng hộ tống anh lên Đà Lạt rước dâu, từng làm MC cho tiệc cưới của anh và từng sát cánh với anh bao nhiêu dự án âm nhạc suốt gần 20 năm nay rồi. Chúng tôi coi nhau như anh em ruột thịt. Có gì cũng sẻ chia nhau hết.

"Em có muốn làm ly rượu vang không?", anh khẽ hỏi trong khi Na, bà xã anh, đang lui cui dọn bánh lên bàn ăn. Tôi gật đầu. Hiếm khi tôi uống rượu buổi trưa nhưng với anh thì tôi không từ chối.

Cơ bản, anh không phải dân nhậu. Anh chỉ nhấm nháp, thưởng thức cái vị nên chắc chắn tôi mà uống với anh cữ trưa thì cùng lắm cũng chỉ là 2 ly. Không đủ say, không đủ mệt để chiều vẫn còn lẩn mẩn câu chữ được.

Đà Lạt. Ảnh: L.G.

Đà Lạt. Ảnh: L.G.

"Na đã thử nghiệm thành công món bánh căn này rồi. Nhà không có bếp than nên tìm cách đổ hơi khó", cô vợ anh rổn rảng nói trong khi đang múc nước chấm với mấy viên xíu mại xinh xinh vô chén cho từng người. "Trời mưa, se se vầy, ăn bánh căn là hợp rồi, khác gì Đà Lạt đâu", tôi đáp lại.

"Thì nhớ Đà Lạt quá mới đổ bánh căn đó chú. Giờ có cách đổ rồi nên khỏi phải lên Đà Lạt chi nữa ha", cô nói đùa. Tôi biết là chẳng có cách gì ngăn cô với anh lên Đà Lạt hết. Họ yêu mảnh đất ấy vô cùng. Tôi cũng yêu Đà Lạt, thèm được sống ở Đà Lạt. Chỉ mong sau này con cái trưởng thành, dành dụm được ít tiền mua căn nhà lên Đà Lạt sống thì còn gì bằng.

"Chú ăn thử thấy sao? Bánh nó hơi bị dẻo. Na phát hiện ra là chưa giống tiệm là bởi mình mua gạo ngon quá. Phải mua được mấy cái gạo cũ, gạo dở dở cơ thì đổ bánh căn cái bột nó ăn mới xốp". Đúng là cầu toàn thật. Tôi thì thấy quá ngon miệng rồi nhưng bà xã ông anh mình lại muốn còn phải hơn thế nữa. Và rồi cứ lách rách với nhau như vậy, ngoài trời vẫn tí tách mưa đầu mùa, cả buổi chiều ấy tôi ở bên nhà anh, bỏ hết mọi việc dở dang lại chỉ bởi vì hai anh em gặp đúng mạch nguồn: chuyện âm nhạc.

Bắt đầu là từ cuốn sách của Samuel Adler mà tôi và anh đang cùng dịch, cuốn "Phối khí giàn nhạc giao hưởng". Cuốn sách ấy là giáo trình gối đầu giường của dân học nhạc kinh viện nước ngoài. Ở trong nước, nhiều người thèm được học nó nhưng không có bản dịch tiếng Việt.

Khởi đi từ một cậu em nhỏ nhờ tôi dịch chương "phối khí dàn dây", anh biết chuyện mới nói rằng anh cũng đang tỉ mẩn dịch cuốn ấy để dạy học trò trong trường, hai anh em quyết cùng nhau dịch bằng hết cuốn sách.

Cái việc ấy chẳng mang lại cho anh em tôi đồng bạc nào nhưng chẳng hiểu sao nó hứng khởi đến lạ. Không "deadline" (thời hạn), không đốc thúc nào từ bất kỳ một đơn đặt hàng nào, nhưng cả hai anh em đều thấy nó như một trách nhiệm không thể buông bỏ.

Đồng nghiệp âm nhạc cả Bắc lẫn Nam biết chuyện đều ủng hộ và ai cũng muốn có một bản dịch sau khi hoàn thành. Rồi từ chuyện phiếm bàn với nhau từ này nên dịch làm sao cho dân nhạc dễ hiểu, từ này vốn dĩ nó đã được dùng như thế nào ở giới âm nhạc Việt Nam bao lâu nay, hai anh em chúng tôi kéo qua phòng khách mở Rimski-Korsakov nghe.

Tại sao lại là Rimski-Korsakov? Chẳng qua, anh bảo "Còn cuốn của ông Korsakov hay lắm. Dịch xong cuốn Adler mình nên dịch thêm cuốn đó".

Tôi ngồi lặng trong âm nhạc kinh viện, sực nhớ đến cái trang tôi mới dịch xong ngày hôm qua. Đó là phần phân tích tác phẩm Thredony for the Victims of Hiroshima của Penderecki. Tác phẩm ấy được coi là mẫu mực của âm nhạc hàn lâm giai đoạn giữa thế kỷ 20. Vậy mà ở Việt Nam gần như không ai biết tới nó, trừ số ít những người làm nghề.

Tự dưng, lúc đó, cái tên của món bánh mới vừa nếm xong vang lên trong đầu tôi. "Căn", đúng rồi, căn là cái gốc rễ, là cái nền tảng. Phải chăng cái nền tảng văn minh của loài người, thứ di sản được đúc kết lại từ cả ngàn năm, được nâng niu ở rất nhiều xã hội, lại đang bị bỏ rơi một cách rẻ rúng ở Việt Nam hôm nay?

Tôi chợt nhớ đến bài đăng facebook liên quan đến dự án dịch sách của chúng tôi. Sự hồ hởi chỉ tới từ những ai từng kinh qua nhạc viện hoặc Cao đẳng nghệ thuật.

Còn những nhạc sỹ trẻ nổi tiếng như cồn, với những ca khúc hits triệu lượt nghe, triệu lần xem thì thờ ơ. Họ sợ kiến thức đồ sộ ấy hay họ coi nhẹ nó khi mà ở thời đại này, các phần mềm trên máy tính có thể giúp họ làm những việc mà ngày xưa những nhà soạn nhạc phải trực tiếp đụng tay vào làm?

Và tôi cũng nhớ ra rằng đã quá nhiều người ngạc nhiên khi gặp những ca khúc của chúng tôi được ký âm trên giấy, được viết tay lại nắn nót. Thế hệ hiện đại không còn làm việc ấy nữa, mà thay vào đó, họ thể hiện trực tiếp bằng âm thanh, qua những bản demo.

Thế hệ chúng tôi cũng làm demo đấy thôi, nhưng thế hệ chúng tôi còn giữ được sự hân hoan khi chép từng nốt nhạc lên trang giấy. Và tôi sực nhớ. À, có không ít người được gọi là "nhạc sỹ trẻ" bây giờ còn không có cả khả năng ký âm. Họ có tài lắm chứ. Sáng tạo của họ đáng trân trọng lắm chứ. Nhưng cách làm nhàn nhã từ máy móc đã khiến họ rời bỏ cái căn của âm nhạc mất rồi.

Có một bộ phim tôi thích có tên là The Monuments Men, kể về một đội binh đi săn tìm lại các tác phẩm nghệ thuật bị Đức Quốc xã đánh cắp để trả lại cho các bảo tàng, nhà thờ và kho tàng các quốc gia.

Có một câu thoại mà tôi không thể quên, khi nhân vật chính nói đại ý rằng "Con người chết đi, họ thành tro bụi nhưng rồi một thế hệ khác sẽ tiếp tục để hồi sinh một dân tộc. Nhưng khi những nền tảng văn hóa, nghệ thuật, tri thức bị đốt sạch sành sanh thành tro, cái gốc rễ đã không còn. Những người còn sống sẽ chẳng còn gì cả. Vô hồn".

Đúng là không gì dễ dàng xóa sổ một dân tộc bằng cách hủy diệt toàn bộ những di sản văn minh của dân tộc ấy. Và nếu càng rời xa những giá trị di sản văn minh, chúng ta sẽ còn lại gì?

Xã hội Việt Nam hôm nay đã sung túc hơn cách đây 20, 30, 50 năm rất nhiều lần. Nhưng hình như sự sung túc ấy, và những tiện nghi của thời hiện đại đã khiến chúng ta rời xa hơn những di sản văn minh của loài người.

Thi ca? Chúng ta ngày càng xa lánh nó hơn so với thế hệ cha anh của mình. Hội họa? Người ta đua nhau khoe xe, khoe rượu, khoe cigar chứ chưa thấy ai khoe tranh trong nhà mình cả.

Âm nhạc? Không mấy ai biết và nhớ tới các di sản âm nhạc của nhân loại, thứ là nền tảng cho âm nhạc đương đại hôm nay. Họ chỉ nhanh chóng tìm kiếm hào quang trên những bản "hit" copy hình mẫu từ Hong Kong cho tới Hàn Quốc một cách rệu rã.

Có ai biết được rằng cả nước bây giờ chỉ có dưới 5 người (tính đếm một cách rộng rãi) có thể chơi được cây đàn Harp, thứ nhạc cụ được coi là mang đến âm thanh của thánh thần?

Tự dưng thấy cái thời nghèo khổ về vật chất đâm ra lại giàu có hơn bây giờ về tinh thần khi đã có bao nhiêu thế hệ nuôi dưỡng tâm hồn từ những bài bình các tác phẩm cổ điển trên sóng truyền thanh qua giọng của ông Hồ Quang Bình. Và tự dưng, tôi thấy sợ…

Cái bánh căn hóa ra lại làm tôi nghĩ suy lắm chuyện. Ngày xưa, muốn ăn ngon, người ta mời nhau về nhà nấu nướng lấy. Chỉ khi cơn sung túc được mang lại bởi cuộc cách mạng khoa học thời thế kỷ 18-19 mới khiến thói quen đi ăn tiệm được hình thành trong thế kỷ 20.

Và miếng bánh căn mà cô láng giềng ước ao là phải làm từ món gạo xấu xấu, cũ cũ lại càng tôi nghĩ về cái căn, cái gốc hơn. Có lẽ nào, những cái căn, cái gốc đáng trân quý lại đang được thời đại nhìn nhận như những thứ xấu xí, cũ kỹ, hủ lậu và bởi thế họ ngày càng rời xa dần ra khỏi những nền tảng văn minh chung của giống loài.

Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/lan-than-banh-can-598976/