Lần thứ 8 tới Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ vẫn chưa thể khiến Israel-Hamas 'bắt tay'

Với mục đích hạ nhiệt xung đột Israel-Hamas, thúc đẩy kế hoạch ngừng bắn ở Dải Gaza, chuyến thăm 3 ngày tới 4 nước Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dường như không thu được kết quả rõ rệt.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem, ngày 10/6. (Nguồn: GPO)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem, ngày 10/6. (Nguồn: GPO)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến thăm các nước Trung Đông từ ngày 10-12/6. Đây là lần thứ 8 ông Blinken đến khu vực này kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng phát.

Chuyến công du 3 ngày tới 4 nước

Trong chuyến thăm 3 ngày tới 4 nước là Ai Cập, Israel, Jordan và Qatar, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm thúc đẩy kế hoạch ngừng bắn ở Dải Gaza.

Tại Thủ đô Cairo, Ai Cập ngày 10/6, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã gặp Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi để thảo luận về tầm quan trọng của việc mở lại cửa khẩu biên giới Rafah, đồng thời kêu gọi gây áp lực buộc Hamas đồng ý với thỏa thuận con tin.

“Thông điệp của tôi gửi tới các chính phủ và người dân trong khu vực là: Nếu các bạn muốn ngừng bắn, hãy ép Hamas nói đồng ý”, ông Blinken nhấn mạnh.

Trong chuyến thăm Israel từ ngày 10-11/6, Ngoại trưởng Blinken đã có cuộc gặp với Thủ tướng Israel Netanyahu. Tại cuộc gặp, ông Blinken khẳng định cộng đồng quốc tế ủng hộ đề xuất thỏa thuận ngừng bắn do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra ngày 31/5, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng đề xuất ngừng bắn sẽ “mở ra khả năng bình ổn dọc biên giới phía Bắc của Israel”, giúp Tel Aviv tăng cường hội nhập với các nước trong khu vực và khẳng định tầm quan trọng của việc ngăn chặn xung đột lan rộng.

Đồng thời, ông Blinken cũng lưu ý thêm rằng nếu một thỏa thuận ngừng bắn được triển khai sẽ phải kèm theo một kế hoạch sẵn sàng cho Gaza thời hậu chiến.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định, cam kết “sắt đá” của Washington đối với an ninh của Israel, đảm bảo tình huống ngày 7/10/2023 không bao giờ lặp lại.

Đến Jordan ngày 11/6, ông Blinken đã tham dự Hội nghị viện trợ khẩn cấp cho Gaza do Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đồng chủ trì.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Blinken tuyên bố rằng: “Bước hiệu quả nhất mà chúng ta có thể thực hiện để giải quyết những thách thức nhân đạo cấp bách ở Gaza là đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và bảo đảm lâu dài. Vì vậy, thông điệp chính và đầu tiên của tôi hôm nay gửi tới mọi chính phủ, mọi tổ chức đa phương, mọi tổ chức nhân đạo muốn giảm bớt nỗi đau khổ to lớn ở Gaza: Hãy thuyết phục Hamas chấp nhận thỏa thuận”.

Trong chuyến thăm Qatar ngày 12/6, Ngoại trưởng Blinken đã có cuộc gặp Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani. Tại đây, Ngoại trưởng Blinken chỉ trích phản ứng của Hamas đối với đề xuất thỏa thuận ngừng bắn, đánh giá Hamas đã đưa ra một số thay đổi không khả thi và kêu gọi gây sức ép với Hamas. Trong khi đó, Thủ tướng Qatar tuyên bố, cần gây sức ép với cả Hamas và Israel để đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham dự Hội nghị viện trợ khẩn cấp cho Gaza tại Jordan, ngày 11/6. (Nguồn: BNG Mỹ)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham dự Hội nghị viện trợ khẩn cấp cho Gaza tại Jordan, ngày 11/6. (Nguồn: BNG Mỹ)

Kết quả chưa rõ rệt

Giới học giả Israel đánh giá, mục đích chuyến công du Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ Blinken lần này cũng giống như trong các lần trước đây, đó là nhằm ngăn chặn xung đột mở rộng và thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas.

Điểm khác biệt so với các chuyến thăm trước đây là nó diễn ra sau khi Tổng thống Joe Biden đưa ra “tối hậu thư” vào ngày 31/5, yêu cầu các bên chấm dứt giao tranh thông qua việc công bố một đề xuất ngừng bắn 3 giai đoạn. Điều này cho thấy chuyến công du Trung Đông của Ngoại trưởng Blinken là nỗ lực tiếp nối của Mỹ nhằm chấm dứt xung đột tại Gaza.

Không riêng Ngoại trưởng Blinken, các nhà ngoại giao Mỹ tại khắp các châu lục đã nỗ lực vận động sự ủng hộ đối với đề xuất của ông Biden. Dưới sự tác động của Mỹ, ngày 10/6, Hội đồng bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Gaza.

Một trong những lý do khiến Washington gia tăng các nỗ lực nhằm chấm dứt chiến sự tại Gaza là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đang cận kề. Chiến tranh ở Gaza đã gây ra sự chia rẽ trong nội bộ đảng Dân chủ và làm mất uy tín của Tổng thống Biden trong giới cử tri trẻ và người Mỹ gốc Arab ở những tiểu bang quan trọng.

Mặc dù vậy, những kết quả mà Ngoại trưởng Mỹ Blinken thu được trong chuyến công du Trung Đông lần này dường như chưa rõ rệt.

Tại Israel, mặc dù Thủ tướng Netanyahu tỏ ý ủng hộ đề xuất ngừng bắn mà Tổng thống Mỹ công bố cũng như Nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ, nhưng trên thực tế ông Netanyahu vẫn chưa thể vượt qua được sức ép của phe cực hữu đòi tiếp tục cuộc chiến.

Tương tự như vậy, Hamas tỏ ý hoan nghênh đề xuất của Tổng thống Biden, nhưng trên thực tế phong trào này lại đưa ra một đề nghị mới với nhiều nội dung sửa đổi so với đề xuất của ông Biden.

Vướng mắc lớn nhất trong đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas hiện nay vẫn là thời hạn ngừng bắn. Trong khi Israel muốn ngừng bắn tạm thời để giải phóng các con tin, thì Hamas muốn việc trao trả con tin phải đi kèm với việc chấm dứt chiến sự vĩnh viễn.

Để giải quyết vướng mắc này, đề xuất của Tổng thống Biden đưa ra là: "Sau giai đoạn 1 (tiến hành trao trả con tin), hai bên sẽ đàm phán về việc chấm dứt chiến sự vĩnh viễn". Điều này có thể được Israel chấp thuận vì không hoàn toàn tước bỏ quyền nối lại giao tranh. Tuy nhiên, do Hamas là bên yếu thế hơn nên sẽ khó đồng ý bởi nó tiềm ẩn nguy cơ rủi ro (Israel sẽ tiếp tục tấn công sau khi đàm phán không đạt được kết quả).

Khi đó, Hamas sẽ không còn gì để "mặc cả" với Israel do đã thả hết con tin. Một đề xuất có thể được Hamas chấp nhận sẽ phải quy định rõ ràng về ngừng bắn vĩnh viễn song đây lại là điều mà phe cực hữu ở Israel phản đối.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tổ chức cuộc họp báo chung với người đồng cấp Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim al-Thani tại Doha ngày 12/6. (Nguồn: AFP)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tổ chức cuộc họp báo chung với người đồng cấp Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim al-Thani tại Doha ngày 12/6. (Nguồn: AFP)

Mặt khác, một số diễn biến gần đây cũng gây khó khăn cho việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza. Cùng với việc một số nhân vật ôn hòa (như Benny Gantz và Gadi Eisenkot) đã rời khỏi nội các chiến tranh, Liên minh cầm quyền tại Israel hiện nay hầu như chịu sự chi phối hoàn toàn của phe cực hữu nên trong thời gian tới khó có thể đưa ra những nhượng bộ liên quan đến ngừng bắn.

Bên cạnh đó, cuộc đột kích giải cứu thành công 4 con tin của Israel ngày 8/6 càng làm tình hình thêm phức tạp bởi đã làm tăng quyết tâm của Liên minh cầm quyền Israel trong việc theo đuổi một chiến dịch quân sự (thay vì dựa vào giải pháp ngoại giao) để thả con tin.

Trong khi đó, do cuộc giải cứu con tin của Israel cũng đã làm thiệt mạng nhiều dân thường Palestine nên các phần tử cứng rắn trong phong trào Hamas cũng có thêm lý do để phản đối đề xuất đàm phán ngừng bắn.

Mặc dù hiểu rõ những điều này, nhưng Mỹ vẫn tiến hành những nỗ lực ngoại giao để thể hiện vai trò quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ 2024 cận kề.

(theo Times of Israel)

Duy Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lan-thu-8-toi-trung-dong-ngoai-truong-my-van-chua-the-khien-israel-hamas-bat-tay-275288.html