Lần thứ ba sẽ ra sao?

Gia tộc Shinawatra một lần nữa lập nên kỳ tích chính trị nhưng đồng thời cũng ở thời khắc định mệnh

Kết cục cuối cùng của chuyện chính trị quyền lực đang diễn ra ở Thái Lan sẽ ứng với câu thành ngữ "quá tam ba bận" hoặc sẽ tạo ra cách hiểu mới về câu này.

Tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, lãnh đạo Đảng Pheu Thai, là thủ tướng trẻ nhất (37 tuổi) và là nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử đất nước.

Không những thế, bà còn là người thứ ba thuộc dòng tộc giàu có Shinawatra trở thành người đứng đầu chính phủ: Sau chính người cha Thaksin và người cô ruột Yingluck Shinawatra. Chỉ có điều ông Thaksin bị giới quân sự tiến hành đảo chính lật đổ, còn bà Yingluck bị Tòa án Hiến pháp truất quyền.

Trước khi bà Paetongtarn được quốc hội bầu làm thủ tướng hôm 16-8, người tiền nhiệm Srettha Thavisin cũng bị mất chức bởi phán quyết của Tòa án Hiến pháp.

Do đó, trong số phận chính trị tương lai của bà Paetongtarn Shinawatra sẽ thấy rõ cái dớp bị truất quyền của người cha và người cô biến mất hoặc dòng tộc Shinawatra hết thời làm khuynh đảo chính trường và có ảnh hưởng chính trị quyền lực rất quyết định ở Thái Lan.

Bà Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo sau khi được quốc hội bầu làm thủ tướng mới của Thái Lan hôm 16-8 Ảnh: REUTERS

Bà Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo sau khi được quốc hội bầu làm thủ tướng mới của Thái Lan hôm 16-8 Ảnh: REUTERS

Mức độ thuận lợi của việc đến với quyền lực chính trị của bà Paetongtarn Shinawatra tỉ lệ thuận với mức độ bất lợi từ bối cảnh hiện tại đối với việc cầm quyền của vị nữ thủ tướng này.

Đảng Nhân dân - vừa được đổi tên từ Đảng Tiến bước sau khi đảng này bị Tòa án Hiến pháp giải thể - đã nhanh chóng trở thành kỳ phùng địch thủ đáng gờm nhất của Đảng Pheu Thai trong chuyện chinh phục cử tri ở Thái Lan.

Trước khi bị giải thể, Đảng Tiến bước đã thắng cử rất oanh liệt trong cuộc bầu cử quốc hội gần đây nhất nhưng lại không được nắm quyền.

Chỉ riêng những diễn biến chính trị thời gian vừa qua cũng đủ thấy Thái Lan hiện còn cách rất xa sự ổn định và an ninh chính trị - xã hội bền vững. Cánh quân sự, hoàng tộc và giới tinh hoa thượng lưu vốn luôn là những nhân tố quyết định quyền lực nhà nước ở Thái Lan, xưa nay trên thực tế đều luôn ở cùng phe trong cuộc chơi quyền lực với Đảng Pheu Thai.

Phe này tuy ngày càng thất thế trong các cuộc bầu cử quốc hội nhưng vẫn rất có thế trong việc quyết định để cho lực lượng chính trị hoặc liên minh chính trị nào có thể cầm quyền và yên ổn cầm quyền lâu dài.

Cho nên vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức chờ đợi nữ thủ tướng mới của Thái Lan. Nhà Shinawatra lập nên kỳ tích chính trị nhưng đồng thời cũng ở thời khắc định mệnh.

Để khôi phục hào quang xưa cho dòng tộc, bà Paetongtarn bây giờ phải đồng thời ứng phó với cả 3 tác nhân quyền lực nói trên và với Đảng Nhân dân. Nữ thủ tướng này phải lưu ý để không tạo cớ cho giới quân sự và phía tòa án truất quyền như từng làm với người cha và người cô trong quá khứ.

Bà Paetongtarn phải thực hiện những cam kết vận động tranh cử của Đảng Pheu Thai trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua để cạnh tranh cử tri với Đảng Nhân dân và gây dựng chỗ dựa, sự hậu thuẫn chính trị vững chắc, phục vụ cho thời gian cầm quyền lâu dài hơn.

Trước khi được bầu làm thủ tướng, bà Paetongtarn chưa đảm trách chức quyền nhà nước nào, chưa từng trải chính trường, nhưng giờ cờ đã đến tay nên phải phất, buộc phải nhanh chóng trưởng thành trong cầm quyền.

Chờ đợi chính sách

Theo báo Bangkok Post, thị trường chứng khoán Thái Lan phản ứng tích cực sau khi bà Paetongtarn Shinawatra được bầu làm thủ tướng thứ 31 của nước này. Nguyên nhân do bà Paetongtarn xuất thân từ khu vực tư nhân. Công ty của bà hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, khách sạn và du lịch.

Các nhà đầu tư hy vọng nhiều chính sách kinh tế hiện tại sẽ được tiếp tục. "Có vẻ như việc thành lập nội các mới sẽ diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ, nghĩa là những rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế là rất hạn chế" - một chuyên gia nhận định.

Lãnh đạo Cơ quan Quản lý các khu công nghiệp Thái Lan (IEAT) Yuthasak Supasorn cũng tin rằng chính phủ do bà Paetongtarn lãnh đạo sẽ giữ nguyên các chính sách quan trọng của người tiền nhiệm.

Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng CIMB Thai Bank Amonthep Chawla nhận định chính quyền mới có thể bỏ chương trình ví kỹ thuật số và có khả năng đưa ra các biện pháp kích thích mới nhằm hỗ trợ những người có thu nhập thấp, yếu thế, dễ bị tổn thương.

Nhận định trên nhắc đến một trong những chính sách trọng tâm của Đảng Pheu Thai đề ra trước đó là chương trình phát 10.000 baht (276 USD) vào ví điện tử cho mỗi người dân đủ điều kiện để kích thích kinh tế.

Việc thành lập chính phủ mới có thể làm trì hoãn việc phê duyệt ngân sách tài chính năm 2025 nhưng ông Amonthep cho rằng điều này không tác động đáng kể đến kinh tế Thái Lan. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Vorapol Sokatiyanurak, cựu thư ký Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Thái Lan, cho rằng tân thủ tướng sẽ đối mặt nhiều thách thức đáng kể.

"Thủ tướng Paetongtarn sẽ phải giải quyết tình trạng sức cạnh tranh đang suy giảm. Tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đang cản trở Thái Lan sản xuất những mặt hàng mà thế giới hiện đại đòi hỏi" - ông Vorapol nhận xét. Ngoài ra, theo ông Vorapol, nợ hộ gia đình là một vấn đề cấp bách khác mà tân thủ tướng phải giải quyết.

Hải Hưng

NGẢI SA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lan-thu-ba-se-ra-sao-196240817222508075.htm