Lần thứ ba sửa Luật Bảo vệ môi trường để phù hợp xu hướng phát triển
Luật Bảo vệ môi trường lần đầu được thông qua năm 1993 và được sửa đổi hai lần vào các năm 2005, 2014. Để phù hợp với tình hình mới, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần thứ ba sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sắp tới.
NDĐT – Luật Bảo vệ môi trường lần đầu được thông qua năm 1993 và được sửa đổi hai lần vào các năm 2005, 2014. Để phù hợp với tình hình mới, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần thứ ba sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sắp tới.
Ngày 15-5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi.
Đồng chủ trì Hội thảo có TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đại biểu Quốc hội; Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân; và TS Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Chính sách về BVMT cần đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Nghiêm Vũ Khải cho biết, Luật BVMT được áp dụng từ năm 2014, đến nay mới được hơn 5 năm, dù chưa lâu, nhưng trong 5 năm qua, bối cảnh kinh tế - xã hội, hiện trạng môi trường của đất nước và xu thế môi trường thế giới đã nhiều thay đổi so với giai đoạn năm 2015. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, có rất nhiều quy định liên quan đến các bộ luật khác, trong đó có nhiều vấn đề chồng chéo, gây khó khăn cho quá trình thực thi. Qua tổng kết đánh giá, việc triển khai Luật BVMT tại các địa phương còn nhiều khó khăn, vướng mắc có liên quan đến một số quy định, chính sách được quy định trong luật.
Phát triển kinh tế xã hội giúp chúng ta đạt được những thành tựu lớn, tuy nhiên, song song với đó là môi trường đang diễn biến ngày càng phức tạp, tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn. Việc sửa đổi Luật giúp phù hợp với tình hình thực tế. Dự kiến, dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) bao gồm 16 chương và 192 điều, giảm 4 chương và tăng 21 điều so với Luật BVMT năm 2014.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, việc xây dựng Luật BVMT (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về BVMT phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về BVMT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.
“Với mục đích xây dựng được một đạo luật BVMT có tính tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất và khả thi, khắc phục sự phân tán, chồng chéo; thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Giải quyết được các vấn đề cấp bách về môi trường đang đặt ra, bảo đảm tăng cường các biện pháp quản lý, đầu tư cải thiện chất lượng môi trường”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, BVMT phải đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Có các cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá, tạo nền tảng pháp lý cho việc hình thành và phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững thông qua việc đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải ít các-bon.
Bên cạnh đó, cần thống nhất QLNN về BVMT trên phạm vi cả nước; ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về BVMT để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động BVMT, từ hoạch định chính sách đến tổ chức, giám sát thực hiện; trong đó doanh nghiệp, người dân phải đóng vai trò trung tâm. Có đủ chế tài xử lý bảo đảm đủ tính răn đe để ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.
Quản lý dựa trên giấy phép môi trường
Tại Hội thảo, các đại biểu đã góp ý cho dự thảo luật BVMT sửa đổi lần này. TS Hoàng Dương Tùng, Ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã có nhiều nội dung mới như giấy phép môi trường, nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, áp dụng công cụ kinh tế trong quản lý môi trường, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, giảm bớt các thủ tục hành chính về môi trường, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tăng cường thanh tra, tăng mức xử phạt hành chính, công khai thông tin. Ngoài ra, thống nhất quản lý, tăng cường trách nhiệm của cơ quan bảo vệ môi trường, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương.
Về nội dung về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và giấy phép môi trường, theo TS Hoàng Dương Tùng, mặc dù đã có nhiều đổi mới như trả lại bản chất cho ĐTM là công cụ dự báo chứ không phải công cụ quản lý như trước và quản lý dựa trên giấy phép môi trường là phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng nội dung vẫn chưa rõ ràng. Dự thảo cần có thêm quy định yêu cầu phải áp dụng công nghệ thông tin để công bố các giấy phép môi trường trên hệ thống mạng, góp phần nâng cao công tác quản lý. Thêm vào đó, theo Luật BVMT năm 2014, các loại giấy phép như xả thải, khí thải… vẫn đang được cấp riêng rẽ, cần tích hợp vào trong một giấy phép môi trường.
Theo đại biểu Nguyễn Trọng Hiệu, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và môi trường, cần bổ sung hoạt động tổ chức quan trắc khí tượng thủy văn theo dõi và giám sát diễn biến của khí hậu và tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức về BĐKH cho công chúng theo các cam kết đối với Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Về các quy định thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, TS Nguyễn Như Mai, chuyên gia độc lập cho rằng, các nội dung quy định tại dự thảo về cơ bản đáp ứng các yêu cầu thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam gồm những quy định chung, nguyên tắc; những quy định chi tiết, kỹ thuật, tổ chức bộ máy sẽ được quy định ở các văn bản pháp quy; các luật khác có liên quan. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Như Mai, Dự thảo Luật cần bổ sung các quyền của doanh nghiệp vì dự thảo luật hiện chủ yếu quy định trách nhiệm của doanh nghiệp (kiểm kê khí nhà kính, nộp thuế…). Bên cạnh đó, cần quy định rõ nét hơn về quyền tham gia của cộng đồng, các tổ chức chính trị, xã hội vì dự thảo quy định còn chung chung.
Bà Nguyễn Thụy Khanh, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho rằng, Dự thảo chưa có quy định cụ thể để khai thác và phát triển ngành công nghiệp môi trường quốc gia. Chúng ta muốn kiểm soát và quản lý tốt môi trường thì phải có chính sách ràng buộc các đơn vị tổ chức đầu tư vào khoa học công nghệ trong sản xuất và xử lý môi trường. Đồng thời, cần bổ sung vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào giám sát môi trường không khí liên vùng, tỉnh. Tăng cường các công cụ kinh tế trong kiểm soát khí thải, cần quan tâm vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giám sát và quản lý môi trường…
TS Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia và sẽ yêu cầu Ban soạn thảo thẩm tra, rà soát và bổ sung.