Lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống
Năm 2022, các hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới sau những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngành văn hóa cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nằm trong kế hoạch trước đó phải dừng lại do dịch bệnh, đó là: Liên hoan các di tích tiêu biểu toàn tỉnh, Hội diễn 'Hội tụ sông Hồng' mở rộng năm 2022, Liên hoan các câu lạc bộ Dân ca và Chèo tỉnh Hà Nam năm 2022, Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022, Giao lưu văn hóa Chầu văn 'Lưu truyền văn hóa Việt' lần thứ VI năm 2022.
Năm 2022, các hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới sau những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngành văn hóa cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nằm trong kế hoạch trước đó phải dừng lại do dịch bệnh, đó là: Liên hoan các di tích tiêu biểu toàn tỉnh, Hội diễn “Hội tụ sông Hồng” mở rộng năm 2022, Liên hoan các câu lạc bộ Dân ca và Chèo tỉnh Hà Nam năm 2022, Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022, Giao lưu văn hóa Chầu văn “Lưu truyền văn hóa Việt” lần thứ VI năm 2022.
Các hoạt động văn hóa đặc sắc này đã chứng tỏ song hành với cuộc sống hiện đại, những giá trị văn hóa phi vật thể của Hà Nam, của các tỉnh bạn vẫn được giữ gìn, bảo tồn và lan tỏa, góp phần nâng cao giá trị tinh thần, bồi đắp tâm hồn con người, trở thành sức mạnh nội sinh trong xây dựng và phát triển tỉnh Hà Nam nói riêng cả nước nói chung.
Đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống vùng miền
Hội diễn “Hội tụ sông Hồng” mở rộng năm 2022 do Hà Nam phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức quy tụ hơn 500 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công của 12 đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh, thành phố: An Giang, Kon Tum, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam. Hội diễn được tổ chức với mục đích để khán giả được tiếp cận, thưởng thức phong phú, đa dạng các loại hình nghệ thuật. Vì vậy, hội diễn năm nay, đan xen các tiết mục giữa truyền thống và hiện đại. Bên cạnh sự sôi động, tươi vui và tràn đầy sức sống của nhạc trẻ, tại hội diễn đông đảo khán giả còn được thưởng thức những bài hát xẩm, hát chầu văn chính gốc; những nhạc cụ dân tộc mang đậm hồn quê hương, như: tiếng đàn bầu, tiếng sáo trúc, tiếng trống, tiếng chiêng chuyển tải những hình ảnh từ vùng trung du phía bắc, đồng bằng sông Hồng đến vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.
Chương trình tham gia hội diễn của đoàn Hà Nam mang chủ đề “Âm vang sông Hồng - Hà Nam hội tụ” vừa có giai điệu của các làn điệu hát chèo, hát dân ca, vừa có không khí lễ hội với nhịp phách rộn ràng. Xen vào đó là những hình ảnh mang đặc trưng làng nghề truyền thống Hà Nam, như dệt lụa Nha Xá, bánh đa làng Chều... Đoàn An Giang chọn chủ đề “Về nơi cuối nguồn Mê Kông” với điệu hò đặc trưng miền Tây Nam Bộ, với điệu múa gáo dừa độc đáo, lúc mạnh mẽ, lúc uyển chuyển. Các liền anh, liền chị quê hương Bắc Ninh với nón thúng quai thao, áo tứ thân mớ ba mớ bảy với đậm chất quan họ thông qua chủ đề “Sắc màu Kinh Bắc”. “Thanh âm từ cột mốc ba biên” là chủ đề của đoàn Kon Tum, đã gợi nên hình ảnh mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, với những bộ trang phục thổ cẩm, vò rượu cần, âm thanh trầm bổng, vang vọng của tiếng cồng chiêng...
Cũng nằm trong mục tiêu quảng bá và đưa nghệ thuật truyền thống lan tỏa và đến gần hơn nữa với công chúng, Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 tổ chức tại Hà Nam đã làm nên một không gian văn hóa sôi động thông qua 27 vở diễn của 16 đơn vị nghệ thuật Chèo trên toàn quốc. PGS,TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 khẳng định: Thông qua 14 ngày đêm thi tài, điều nhận thấy là dù cơ chế thị trường có khắc nghiệt đến mấy thì những sáng tạo trên sân khấu Nhà văn hóa tỉnh Hà Nam vẫn là những công trình mĩ học, đạo đức học đầy nghiêm túc, công phu và đậm chất chèo truyền thống với tính cách tân mới mẻ, đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Ở đó đã vang lên những bài ca về tình đời, tình người, tình yêu nghề nghiệp sâu sắc. Do đó, có thể khẳng định 27 vở diễn của Liên hoan là 27 tác phẩm về chân, thiện, mĩ của làng Chèo Việt Nam.
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống Hà Nam
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nam với các điểm thờ cúng Thánh Mẫu và thực hành nghi lễ Chầu văn tiêu biểu như đền Lảnh Giang, xã Mộc Nam, phủ Mộc Hoàn, xã Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên); đền Trần Thương, Xã Trần Hưng Đạo, đền Bà Vũ, xã Chân Lý (huyện Lý Nhân); đền thờ Nữ tướng Lê Chân, xã Thanh Sơn (huyện Kim Bảng). Những năm qua, để phát huy giá trị văn hóa Chầu văn, đưa những giá hầu đồng lên sân khấu và hòa trong đời sống sinh hoạt nhân dân, các thủ nhang, đồng đền tại các địa điểm tâm linh trên đã có nhiều hoạt động thiết thực.
Lần đầu tiên tại không gian phố đi bộ của TP Phủ Lý, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hải Hậu, Thủ nhang đền Lảnh Giang cùng với các thành viên Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Chầu văn tỉnh Hà Nam đã có nhiều buổi biểu diễn những giá hầu đồng đặc sắc, đưa màu sắc âm thanh của một loại hình sinh hoạt tâm linh độc đáo nhất đến gần với công chúng. Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hải Hậu cũng chính là người đưa Chầu văn Hà Nam vượt không gian đền đến với nhiều sân khấu liên hoan, hội diễn, giao lưu trong tỉnh, các tỉnh bạn và toàn quốc.
Liền một dải đất, phủ Mộc Hoàn vừa qua đã tổ chức giao lưu văn hóa Chầu văn “Lưu truyền văn hóa Việt” lần thứ VI năm 2022. Tham gia giao lưu có đông đảo các nghệ nhân, thủ nhang đền, điện, thanh đồng thuộc 16 đoàn của các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hà Nội, Lạng Sơn và Lâm Đồng với trên 50 giá hầu đồng đặc sắc. Mỗi giá hầu đồng đều mang màu sắc tín ngưỡng, nhân vật thờ, hệ thống thờ của đền thờ đó. Sự nhuần nhuyễn trong lễ nghi nhập đồng, các động tác trình diễn của mỗi giá đồng mang đặc trưng nhân vật thờ và đặc biệt là những lời hát Chầu văn độc đáo, không trộn lẫn đã làm cho buổi giao lưu thu hút được đông đảo nhân dân và những người có niềm tin tín ngưỡng vào một trong những nghi lễ tâm linh quan trọng bậc nhất của người Việt tán thưởng.
Bên cạnh Chầu văn, hát chèo cũng là một đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Hà Nam. Liên hoan các câu lạc bộ Dân ca và Chèo toàn tỉnh được diễn ra năm 2022 đã làm thức dậy niềm đam mê nghệ thuật truyền thống của các ca sĩ, diễn viên các câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ cơ sở. Hơn 100 diễn viên đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh tham dự liên hoan cho thấy sức sống của các làn điệu dân ca và chèo vẫn luôn là những mạch nguồn nghệ thuật truyền thống được nhân dân yêu thích, gìn giữ, lưu truyền và phát huy. Với gần 40 tiết mục tham gia, liên hoan năm nay được đánh giá có sự phong phú về nội dung, mang đậm bản sắc dân tộc, mang đến món ăn tinh thần đầy bổ ích cho nhân dân và góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng trong tỉnh ngày càng phát triển. Mỗi chương trình mang những sắc thái khác nhau nhưng đều thể hiện được những nét tinh túy đặc trưng của các địa phương. Điều đó đã tạo cho liên hoan một không gian nghệ thuật hát dân ca và chèo của người Hà Nam mang đầy vẻ mộc mạc, đằm thắm tình người và tình yêu quê hương, đất nước.
Một trong những hoạt động riêng có của Hà Nam cũng được tổ chức là Liên hoan văn hóa dân gian các di tích tiêu biểu tỉnh Hà Nam năm 2022. Liên hoan là sự kết hợp các giá trị văn hóa phi vật thể với các giá trị văn hóa vật thể là các di tích đã được công nhận và xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Phần thể hiện rõ nhất các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với các di tích là phần trình diễn các hoạt động dân gian truyền thống vốn tồn tại song song cùng di tích. Đó là các giá chầu đặc sắc, tiêu biểu tại đền Lảnh Giang của đội thị xã Duy Tiên và giá chầu Tích bà Vũ Nương, đền Bà Vũ của đội huyện Lý Nhân. Các đội huyện Kim Bảng, huyện Thanh Liêm, TP Phủ Lý đều mang đến những nghi lễ truyền thống trong việc phụng thờ các vị phúc thần của quê hương. Riêng huyện Bình Lục là vùng đất nổi tiếng của chiếng chèo Nam đã trình diễn các bài hát chèo với các làn điệu chèo cổ truyền.
Năm 2022 với dày đặc các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống từ chuyên nghiệp đến không chuyên, từ tỉnh đến toàn quốc, phong phú hình thức tổ chức, các loại hình biểu diễn, nhưng tựu trung lại năm 2022 là năm các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống được bung tỏa tràn đầy sức sống, để lại ấn tượng tốt đẹp với công chúng Hà Nam. Thông qua các hoạt động đó, mỗi người dân càng có ý thức hơn trong việc lưu giữ, bảo tồn, trân trọng và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương./.
CT:
Ảnh: Bình Nguyên
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/lan-toa-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-92120.html