Lan tỏa các mô hình hay của cựu chiến binh
Tại Đại hội thi đua 'Cựu chiến binh gương mẫu', nhiều tham luận của tập thể, cá nhân đã làm rõ hơn những thành tích, cách làm phát huy hiệu quả tại cơ sở, góp phần khẳng định vai trò của tổ chức hội và hội viên cựu chiến binh hiện nay.
* Cựu chiến binh huyện Văn Bàn: Tích cực phát triển kinh tế
Theo thống kê của Hội Cựu chiến binh huyện, số hộ hội viên cựu chiến binh khá, giàu tăng đáng kể qua các năm. Nếu như năm 2014 có 415 hộ, thì đến hết năm 2018 đã tăng lên trên 1.470 hộ. Hiện, hội viên cựu chiến binh đang làm chủ 2 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã, 23 trang trại, gia trại. Toàn hội có hơn 2.400 hộ gia đình hội viên cựu chiến binh đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Các hộ gia đình hội viên cựu chiến binh đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào lao động, sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đa ngành nghề, như: Sản xuất gạch không nung, nuôi cá, chăn nuôi đại gia súc. Tiêu biểu như mô hình nuôi lồng cá trắm giòn của một số cựu chiến binh xã Võ Lao; mô hình nuôi lợn đen tại xã Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ, Chiềng Ken, Nậm Tha. Từ nguồn vốn Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ mỗi hộ 5.000.000 đồng, sau 5 tháng nuôi, Hội Cựu chiến binh huyện và Hội Cựu chiến binh tỉnh khảo sát đánh giá, lứa đầu bình quân mỗi hộ thu về 14.500.000 đồng.
Đặc biệt, từ năm 2016, Hội Cựu chiến binh huyện đã liên kết với Công ty TNHH MOOCOS Hải Phòng trồng gấc xuất khẩu. Lúc đầu có hội viên La Văn Đức trồng 1 ha và 13 hội viên ở xã Dương Quỳ trồng thí điểm tại vườn và quanh khu vực nhà ở. Năm 2018, Công ty TNHH MOOCOS Hải Phòng nghiệm thu, đánh giá quả gấc tại xã Dương Quỳ đạt tiêu chuẩn châu Âu. Năm 2019, Công ty đầu tư thêm 2 ha trồng tại xã Võ Lao, đồng thời bao tiêu toàn bộ quả gấc khi được thu hoạch. Hiện, cây gấc đang phát triển tốt, hứa hẹn thương hiệu gấc Văn Bàn sẽ được thị trường châu Âu biết đến trong tương lai, góp thêm nguồn thu nhập mới cho các hộ gia đình hội viên cựu chiến binh.
* Cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) cũng đặt ra nhiều vấn đề về môi trường như: Rác thải sinh hoạt, rác thải chăn nuôi, rác thải đồng ruộng... Trước thực trạng trên, Hội Cựu chiến binh xã đã tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, UBND xã về chủ trương xây dựng câu lạc bộ cựu chiến binh bảo vệ môi trường. Đến nay, đã thành lập được 2 tổ vệ sinh môi trường. Cụ thể, ở thôn Bắc Ngầm 1 tổ, dùng ô tô vận chuyển, thu gom rác với tần suất 2 ngày/lần; ở thôn Làng Bạc thành lập 1 tổ dùng xe bò tự chế vận chuyển, thu gom rác thải với tần suất 1 lần/ngày.
Việc thành lập câu lạc bộ cựu chiến binh bảo vệ môi trường, lấy lực lượng hội viên cựu chiến binh làm nòng cốt để nhân rộng ra cộng đồng, kết hợp thực hiện mô hình 1+5 của Hội Cựu chiến binh xã và các chi hội, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, con em hội viên và nhân dân nghiêm túc ký cam kết chấp hành việc thu gom rác thải theo quy chế của câu lạc bộ đã đề ra. Nhân dân trong khu vực có tổ thu gom rác thuộc Làng Bạc và Bắc Ngầm, thực hiện bỏ rác vào thùng, để thùng rác đúng nơi quy định. Sau khi thu gom, rác được xử lý tại bãi rác tập trung của huyện tại thôn Làng My, từ đó đã góp phần cải thiện môi trường ở xã Xuân Quang, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
* Hội Cựu chiến binh xã Bản Vược phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ biên giới
Xã Bản Vược (Bát Xát) có hơn 5 km đường biên giới. Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn xã luôn được đảm bảo, đường biên, cột mốc được bảo vệ vững chắc. Đóng góp vào kết quả trên có một phần công sức của cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh xã. Cụ thể, Hội Cựu chiến binh đã phối hợp với các đoàn thể, Đồn Biên phòng Bát Xát tổ chức 26 buổi tuyên truyền cho hơn 2.000 lượt người tham gia (gồm hội viên cựu chiến binh và nhân dân) tìm hiểu về Luật Biên giới quốc gia, quy chế quản lý biên giới, hiệp định về quy chế biên giới trên bộ đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc; nghị định của Chính phủ về “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”...
Bên cạnh đó, Hội Cựu chiến binh còn phối hợp với Bộ đội Biên phòng, công an xã, Ban Chỉ quy quân sự xã xây dựng kế hoạch tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới, đấu tranh và ngăn chặn các loại tội phạm. Đã tổ chức 35 buổi tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới; cung cấp 45 nguồn tin về việc xuất - nhập cảnh trái phép. Năm 2017 và 2018 đã ngăn chặn kịp thời 3 vụ buôn bán người tại khu vực bờ sông thuộc thôn 3 và tại khu vực cửa khẩu phụ Bản Vược. Phối hợp kiện toàn 1 tổ tự quản về an ninh trật tự; 4 tổ tự quản đường biên, cột mốc; tổ chức cho 415 hộ hội viên cựu chiến binh và nhân dân tại 4 thôn giáp biên ký nhận tham gia bảo vệ đoạn biên giới, cột mốc.
*Cựu chiến binh nỗ lực làm giàu trên quê hương
Xuất ngũ trở về địa phương năm 1987 với hai bàn tay trắng, tôi luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Sau một thời gian tìm tòi, tôi bắt đầu nghĩ đến mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng – rừng và bắt tay vào cải tạo mảnh đất hoang vu cỏ dại của gia đình. Cuối năm 1995, được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho sử dụng mảnh đồi rộng 15 ha để phát triển vườn rừng, tôi mạnh dạn bàn với vợ vay mượn gần 500 triệu đồng để làm trang trại một cách quy mô, bài bản, quy hoạch khu trồng rừng, khu đào ao thả cá, khu xây chuồng trại chăn nuôi. Cứ thế lần hồi, chăm chỉ lao động, sau mấy năm vất vả, mô hình kinh tế của gia đình bắt đầu phát huy hiệu quả, từ 500 triệu đồng đầu tư ban đầu đã tăng lên 3 tỷ đồng.
Nhận thấy nguồn nguyên liệu và người lao động sẵn có ở địa phương, tôi đã quyết định thành lập Công ty TNHH Anh Kiên với số vốn ban đầu hơn 4 tỷ đồng, chuyên thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con như: Ngô, sắn, vỏ quế... Sau 18 năm hoạt động, công ty đã có lãi, doanh thu hằng năm đạt trên 500 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động, những lúc cao điểm có thể lên tới 60 lao động, trong đó có nhiều con em hội viên cựu chiến binh; thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, công ty tích cực tham gia các hoạt động từ thiện ở địa phương, giúp đỡ gia đình hội viên cựu chiến binh khó khăn bằng vật chất và tiền mặt từ 15 - 20 triệu đồng/năm.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình tôi đã hiến 2.500 m2 đất làm đường liên thôn; ủng hộ gạch lát vỉa hè, 500 m3 cát, sỏi, 100 chuyến xe chở vật liệu và 25 triệu đồng, cùng hàng trăm công lao động trực tiếp, máy san gạt nền đường...