Lan tỏa chương trình nhân văn 'Mẹ đỡ đầu'

Triển khai từ tháng 12/2021, chương trình 'Mẹ đỡ đầu' được các cấp Hội LHPN trong tỉnh tích cực vận động cán bộ, hội viên, các tổ chức và cá nhân hưởng ứng. Với sự sáng tạo, tâm huyết, Hội LHPN đã có nhiều hình thức hỗ trợ, nhận đỡ đầu và xây dựng quy trình phù hợp để đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 và các trẻ mồ côi hoàn cảnh khó khăn.

Hội LHPN phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) phối hợp với Chi hội phụ nữ tổ 6 ra mắt mô hình "Mẹ đỡ đầu kết nối yêu thương”. Mô hình đã nhận nhận đỡ đầu 2 trẻ mồ côi đến năm các cháu đủ 18 tuổi.

Hội LHPN phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) phối hợp với Chi hội phụ nữ tổ 6 ra mắt mô hình "Mẹ đỡ đầu kết nối yêu thương”. Mô hình đã nhận nhận đỡ đầu 2 trẻ mồ côi đến năm các cháu đủ 18 tuổi.

Mới đây, Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội nghị biểu dương cán bộ hội cơ sở giỏi - Người đứng đầu các mô hình tiêu biểu tại cộng đồng - Giao lưu dân vũ cấp tỉnh và chương trình "mẹ đỡ đầu - lan tỏa yêu thương”. Đại diện các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ chương trình "Mẹ đỡ đầu” hơn 625 triệu đồng. Đặc biệt, đã có 34 cháu được nhận đỡ đầu, trong đó các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu 22 cháu với số tiền hỗ trợ các cháu đến năm 18 tuổi hơn 519 triệu đồng. Tổng số tiền ủng hộ và nhận đỡ đầu các cháu tại chương trình hơn 1,14 tỷ đồng.

Đồng chí Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Nhận thức tầm quan trọng, ý nghĩa lớn lao của chương trình "Mẹ đỡ đầu”, hội đã ban hành hướng dẫn triển khai trong các cấp hội. Hội LHPN tỉnh phối hợp Sở LĐ-TB&XH rà soát, tổng hợp, lập danh sách trẻ mồ côi do Covid-19 và các nguyên nhân khác. Tính đến ngày 20/5/2023, toàn tỉnh có 3.043 trẻ mồ côi, trong đó 2.935 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, 108 trẻ mồ côi cả cha và mẹ, 15 trẻ mồ côi do Covid-19.

Từ những số liệu thực tế, Hội LHPN các cấp đã lựa chọn hình thức hỗ trợ, nhận đỡ đầu và xây dựng quy trình nhận đỡ đầu phù hợp; làm tốt vai trò kết nối giữa "Mẹ đỡ đầu” và các con, tiếp nhận, phân bổ nguồn lực hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu nuôi dưỡng. Qua đó giúp các cháu phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng. Đến nay, Hội LHPN cấp huyện, cơ sở đã nhận và vận động nhận đỡ đầu được 223 trẻ mồ côi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (15 trẻ mồ côi cha/mẹ do dịch covid-19); mỗi trẻ được nhận từ 200 – 500 nghìn đồng/tháng hoặc được tặng sổ tiết kiệm, học bổng theo năm, giai đoạn hoặc đến khi 18 tuổi.

Để chương trình ý nghĩa đúng như tên "Mẹ đỡ đầu”, các cấp hội không chỉ hỗ trợ về vật chất mà còn hỗ trợ tinh thần, thường xuyên thăm, giúp đỡ, hướng dẫn rèn luyện kỹ năng sống để các cháu không cảm thấy cô đơn, luôn tự tin trong cuộc sống. Ngoài hỗ trợ hàng tháng, đến nay, các cấp hội đã thăm, tặng 135 suất quà cho trẻ mồ côi thuộc chương trình với số tiền trên 118,9 triệu đồng; tổ chức sinh nhật tại gia đình cho 15 cháu.

Nhiều tập thể, cá nhân đã thực hiện tốt chương trình như: Hội Phụ nữ Công an tỉnh tham mưu Đảng ủy Công an tỉnh vận động đóng góp của cán bộ trong ngành; tổ chức hội nghị triển khai chương trình, nhận đỡ đầu 21 trẻ mồ côi với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/cháu/tháng. Hội LHPN huyện Lạc Sơn chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội triển khai chương trình, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân giúp đỡ các cháu mồ côi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đến nay đã nhận đỡ đầu 46 trẻ mồ côi tại địa phương. Ngoài hỗ trợ tiền mặt hàng tháng đã giúp xây 4 nhà, tặng xe đạp, nhu yếu phẩm… cho các cháu, tổng giá trị trên 327,4 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhiều mẹ đỡ đầu trực tiếp quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với trẻ như: Chị Hoàng Thị Chung, hội viên Chi hội Phụ nữ xóm Bờ Sông, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) nhận đỡ đầu, chăm sóc 1 trẻ mồ côi tại địa phương với mức hỗ trợ bằng hiện vật trị giá 450 nghìn đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, hội viên Chi hội Phụ nữ khu 6, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) nhận đỡ đầu 5 cháu mồ côi trong 1 gia đình, thường xuyên đỡ đần, hướng dẫn các cháu những kỹ năng cơ bản trong sinh hoạt cũng như học tập...

Để tất cả trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu, thời gian tới, các cấp Hội LHPN tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình; làm tốt vai trò vận động, kết nối tổ chức, cá nhân là cán bộ, hội viên tại địa phương nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi cùng với gia đình và người đại diện chăm sóc thay thế. Rà soát, khảo sát đối tượng bảo đảm tiêu chí "đỡ đầu”, giúp đỡ kịp thời, đúng người, đúng đối tượng, tránh bỏ sót. Thường xuyên quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ các cháu nhận đỡ đầu đến khi đủ 18 tuổi...

Hồng Duyên

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/180846/lan-toa-chuong-trinh-nhan-vanme-do-dau.htm