Lan tỏa cuộc sống số

Tổ Chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng cấp tỉnh, huyện, cùng Tổ Công nghệ số cộng đồng tại cơ sở sẽ phát huy những kết quả cụ thể trên hành trình chuyển đổi số của tỉnh 1 năm qua.

Cán bộ Bưu điện tỉnh hướng dẫn nông dân đưa nông sản lên sàn Postmart

Cán bộ Bưu điện tỉnh hướng dẫn nông dân đưa nông sản lên sàn Postmart

Công nghệ sẽ đến gần hơn với từng người dân, bất kể thành thị hay nông thôn. Đó là mục tiêu trong hành trình chuyển đổi số tiếp theo của tỉnh.

Từ mục tiêu cụ thể...

Do nhu cầu công việc, anh Nguyễn Đức Hướng, sinh năm 1980, ở thôn Phương Khê, xã Hồng Hưng (Gia Lộc) thường xuyên có mặt tại bộ phận “một cửa” của huyện. Để thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, những người như anh Hướng chỉ cần nộp hồ sơ tại bộ phận “một cửa” thay vì phải thực hiện trực tiếp nhiều khâu như trước. “Kết quả sẽ được gửi trả tận nhà. Nộp tiền thuế cũng được thực hiện qua mạng. Rất nhanh chóng, tiện lợi. Có thắc mắc hay khó khăn gì cũng đều được giải đáp kỹ càng”, anh Hướng cho biết.

Công ty CP Sản xuất thương mại Agrico ở phường An Phụ (Kinh Môn) thường xuyên đăng tải thông tin về các sản phẩm từ tỏi đen mang thương hiệu Vietkiga lên 2 sàn thương mại điện tử Voso, Postmart. Anh Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc công ty cho biết: “Gần 20% doanh số bán sản phẩm của công ty là từ 2 sàn thương mại điện tử này”.

Cũng kinh doanh trên mạng, chị Trần Thị Hương ở thị trấn Phú Thái (Kim Thành) lại chọn cách đăng tải thông tin sản phẩm từ tính năng cung cầu trên ứng dụng Smart Hải Dương. Cũng từ ứng dụng này, một số người bạn của chị Hương đã tìm được công việc mới phù hợp nhờ tìm kiếm thông tin thông qua tính năng tin tuyển dụng.

Dịch vụ công trực tuyến, sàn thương mại điện tử hay ứng dụng Smart Hải Dương là 3 mảnh ghép trong 1 bức tranh tổng quan về chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh thời gian qua. Trong bức tranh ấy, 3 trụ cột của CĐS gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đang dần được định hình ngày một rõ nét.

Có được kết quả đó, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo là sự nhiệt tình, năng nổ của đội ngũ cán bộ tại các sở, ban, ngành, địa phương, sự chung tay từ các doanh nghiệp công nghệ. CĐS cũng nhờ đó mỗi ngày một gần hơn với người dân. “Sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cán bộ chính quyền đã giúp người dân như tôi cảm thấy công nghệ thông tin không phải điều gì đó phức tạp. Thậm chí còn giúp chúng tôi hiểu thêm về những lợi ích do CĐS mang lại”, anh Nguyễn Đức Hướng nói thêm.

... đến “cánh tay nối dài”

Để tiếp nối những kết quả đáng tự hào trên hành trình CĐS 1 năm qua, đồng thời thực hiện mục tiêu mang công nghệ số vươn xa đến mọi nơi, mọi người dân trong tỉnh, ngày 21.3, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Tổ Chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng (Tổ Chỉ đạo CĐS) tỉnh. Đây được coi là lực lượng huy động sức mạnh toàn dân, là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo CĐS từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Đến nay, Gia Lộc là địa phương đầu tiên trong tỉnh thành lập Tổ Chỉ đạo CĐS huyện. Để nhanh chóng đưa công nghệ số đến từng người dân, đến ngày 5.4, tất cả 18 xã, thị trấn trong huyện thành lập và hoạt động Tổ Chỉ đạo CĐS cấp xã, cùng với đó là Tổ Công nghệ số cộng đồng tại tất cả 104 thôn, khu dân cư.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, Tổ trưởng Tổ Chỉ đạo CĐS huyện Gia Lộc cho biết: “Trên thực tế, hiểu biết cũng như kỹ năng về công nghệ thông tin của nhiều người dân còn hạn chế. Với Tổ Chỉ đạo CĐS cũng như Tổ Công nghệ số cộng đồng, những hạn chế đó sẽ dần được tháo gỡ, nhất là với phương châm đi từng nhà, hướng dẫn từng người”.

Đây cũng là quan điểm xuyên suốt trong mọi nhiệm vụ của Tổ Chỉ đạo CĐS và Tổ Công nghệ số cộng đồng. Các định hướng, chiến lược tổng thể về CĐS sẽ được cụ thể hóa và từng bước đưa vào cuộc sống một phần nhờ những tổ công tác này.

Theo ông Phạm Huy Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, CĐS bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy tiếp cận công nghệ là việc làm thiết thực. CĐS nếu tạo giá trị cho người dân, được người dân hưởng ứng, sử dụng thì sẽ đi vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số. “Là lực lượng gần người dân, sâu sát cùng người dân, Tổ Công nghệ số cộng đồng sẽ đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến từng người dân. Ngoài ra, những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của người dân cũng sẽ được ghi nhận, góp phần cùng chung tay xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số”, ông Thắng cho biết.

HÀ KIÊN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/khoa-hoc---cong-nghe/lan-toa-cuoc-song-so-200252