Lan tỏa để điểm tô nét đẹp văn hóa, truyền thống, tinh thần và khát vọng Việt Nam
Chiều 28-8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023.
Sự kiện nhằm đánh giá phong trào thi đua triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, thiết thực kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023); 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 - 28/8/2023).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng Hội nghị.
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố…
Trân quý, nhân rộng những cách làm sáng tạo
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe Thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống của ngành Văn hóa Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2023) và Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực Văn hóa toàn quốc năm 2023; xem phim phóng sự về phong trào thi đua của ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và 78 gương điển hình tiên tiến; đồng thời được giao lưu với các điển hình tiên tiến tiêu biểu dự Hội nghị.
Thông tin tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, sự kiện là dịp để toàn ngành nhìn nhận lại những nỗ lực, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, động lực và đột phá mới, đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước; biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục làm cho phong trào thi đua của ngành ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, thực sự là động lực thúc đẩy, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thời gian tới.
Cụ thể, toàn ngành đã lựa chọn được 78 tấm gương tiêu biểu đại diện, là những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa ngàn việc tốt trong phong trào thi đua của ngành Văn hóa.
Có thể kể đến Nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng với những nỗ lực lưu giữ, lan tỏa di sản hát Then ở tỉnh Thái Nguyên; Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tân Đông (tỉnh Phú Yên) Phan Thuyết Trình vận động người dân xóa bỏ tục rải vàng mã trong đám tang ở địa phương; Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp Trần Thị Mỹ Trinh với việc lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng... Hay diễn viên múa Phạm Thu Hằng (Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam) luôn nỗ lực vượt khó vươn lên để cống hiến tỏa sáng.
Đây là những tấm gương bình dị mà cao quý, có nhiều đóng góp cho toàn ngành, cho đất nước bằng những công việc được lượng hóa cụ thể, qua đó, lan tỏa một tinh thần tích cực tới toàn xã hội.
Chuyển từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, dành nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa, bảo tồn văn hóa dân tộc, phát triển văn học nghệ thuật và nhiều lĩnh vực văn hóa khác.
“Trong giai đoạn phát triển mới với tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường; nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, mang lại những cơ hội, vận hội mới nhưng cũng không ít thử thách đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch. Chính vì vậy, để vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, cần chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, tập trung quán triệt và triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc; phải xây dựng những chương trình, kế hoạch, đề ra nhiệm vụ cụ thể, lộ trình rõ ràng, đúng người, đúng việc”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu.
Để làm được điều này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, toàn ngành Văn hóa cần tiếp tục đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”, tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao trên tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo. Rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.
Tăng cường huy động, phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực nhà nước và xã hội để phát triển toàn diện văn hóa, để văn hóa, con người thực sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc. Khẩn trương hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh với trọng tâm là bảo tồn, phát huy và nhân lên các giá trị văn hóa, truyền thống quý báu của dân tộc.
Cùng với đó, cần tạo điều kiện thuận lợi, khơi dậy mạnh mẽ sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ nhằm tạo ra những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao, phản ánh đầy đủ, sinh động, hấp dẫn những nét đẹp truyền thống của dân tộc và thực tiễn quá trình đổi mới của đất nước. Bảo tồn bền vững, phát huy hiệu quả những di sản văn hóa của dân tộc, gắn kết và làm động lực phát triển kinh tế, thể thao, du lịch. Phát triển mạnh mẽ hơn nữa thể thao quần chúng để vừa nâng cao sức khỏe toàn dân, vừa làm tiền đề phát triển thể thao thành tích cao. Tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo có trọng tâm, trọng điểm những tài năng thể thao; đẩy mạnh hợp tác công - tư trong lĩnh vực thể thao thành tích cao.
Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phục hồi và phát triển du lịch theo hướng hiện đại với nhiều sản phẩm đa dạng, hấp dẫn, tạo giá trị khác biệt, giá cả cạnh tranh dựa trên tiềm năng, thế mạnh của đất nước, con người Việt Nam. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm, năng lực sáng tạo của đội ngũ cán bộ. Kịp thời phát hiện, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có thành tích, các gương điển hình tiên tiến, đặc biệt là các cá nhân trực tiếp làm công tác văn hóa, văn nghệ tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, Bác Hồ kính yêu từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, các cán bộ ngành Văn hóa cần tích cực rèn luyện, trau dồi đạo đức, phẩm chất chính trị, nâng cao chuyên môn, hăng hái thi đua, trở thành tấm gương sáng, có sức ảnh hưởng, có khả năng truyền cảm hứng đối với cộng đồng, xã hội.
“Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi trân trọng những cống hiến, đóng góp của đội ngũ những người làm công tác văn hóa trên toàn quốc; nhiệt liệt chúc mừng 78 điển hình tiên tiến ngày hôm nay, đồng thời, mong muốn và tin tưởng những gương điển hình hôm nay sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm của mình, tiếp tục là nguồn cảm hứng, là động lực, lan tỏa mạnh mẽ những “câu chuyện người thực, việc thực”; để sau Hội nghị này, chúng ta sẽ có thêm ngày càng nhiều tấm gương tốt, nhiều cách làm hay, góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ của ngành Văn hóa nói riêng, vì sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung. Các anh chị là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp của lĩnh vực văn hóa. Hương sắc của những hành động đẹp đó sẽ lan tỏa trong cộng đồng để điểm tô thêm nét đẹp của văn hóa, truyền thống, tinh thần và khát vọng Việt Nam. Một Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa, hùng cường và thịnh vượng”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành trao các phần thưởng cao quý, Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng 5 tập thể, 73 cá nhân điển hình tiên tiến của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì những đóng góp xuất sắc của các tập thể, cá nhân cho sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam.