Lan tỏa đời sống văn hóa mới

Phát huy truyền thống là một trong những địa phương luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước cùng tinh thần năng động, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, 5 năm qua, các phong trào thi đua trong lĩnh vực văn hóa xã hội gắn với thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng, phong trào thi đua 'Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau'… đã góp phần tích cực cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhân ái, nghĩa tình.

Lan tỏa nét đẹp văn hóa ứng xử của người dân Thủ đô

Trong 5 năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào thi đua xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” và triển khai 2 Bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố tiếp tục được triển khai có hiệu quả, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, tạo chuyển biến tích cực về văn hóa ứng xử, văn minh, thanh lịch trong nhân dân Thủ đô.

Thông qua phong trào, nhiều mô hình hoạt động của các câu lạc bộ tại các phường, xã, thị trấn cũng được quan tâm, đổi mới thu hút đông hội viên tới tham gia như: Câu lạc bộ Văn hóa, Câu lạc bộ Gia đình trẻ, Câu lạc bộTiền hôn nhân, Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình... Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; nếp sống văn hóa đô thị được nâng lên.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào thi đua xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”được tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào thi đua xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”được tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

Thành phố cũng triển khai có hiệu quả đề án nâng cao chất lượng xây dựng mô hình văn hóa cơ sở 2016-2020 và Đề án hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ Thành phố đến cơ sở; Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư (tăng 60 nhà văn hóa cấp xã, 508 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố so với năm 2016).

Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích (trong đó có 431 di tích được tu bổ, tôn tạo trong giai đoạn 2016 - 2020), 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Nhiều di sản văn hóa trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Giao lưu văn hóa trong nước, khu vực và quốc tế tiếp tục được mở rộng, nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn, có uy tín, chất lượng cao được tổ chức thường niên tại Thủ đô. Trong đó, các không gian văn hóa sáng tạo cộng đồng (phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố Bích họa Phùng Hưng, phố Sách Hà Nội...) trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch nổi bật.

Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO - Một động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo, xây dựng một thành phố thông minh, năng động và bền vững, nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh hấp dẫn mới cho Thủ đô.

Hưởng ứng phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 19/5/2019, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước đã phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” nhằm thực hiện có hiệu quả 2 Bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố.

Quá trình triển khai phong trào đã có nhiều biện pháp, giải pháp, mô hình được các cấp, ngành triển khai đạt hiệu quả.Sau hơn 1 năm thực hiện, phong trào thi đua này đã lan tỏa mạnh mẽ, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị.Cán bộ, công chức, viên chức và người dân Thủ đô không ngừng nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử tại công sở, nơi cư trú và nơi công cộng, lấy đó là cốt lõi để lan tỏa, nhân rộng ra toàn xã hội, từng bước xây dựng trật tự, kỷ cương trong xã hội.

Nét đẹp văn hóa ứng xử của người dân Thủ đô đã góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh Hà Nội thân thiện, an toàn và mến khách đối với tất cả du khách trên thế giới, lượng khách du lịch đến Hà Nội ngày càng cao.

Giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội

Bên cạnh văn hóa, trong lĩnh vực an sinh xã hội, giải quyết việc làm, các phong trào thi đua như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và những người có công”... được các cấp, ngành triển khai có hiệu quả, huy động được sự vào cuộc của toàn thể nhân dân trên địa bàn Thủ đô. 5 năm qua, các cấp, ngành đã vận động 208,4 tỷ đồng xây dựng “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa”, thăm tặng quà các gia đình chính sách, người có công và hoàn cảnh khó khăn trên 1 triệu suất quà với tổng trị giá gần 900 tỷ đồng;

Tặng 20.974 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá 22,627 tỷ đồng đối với các gia đình chính sách, người có công có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa trên 9000 căn nhà cho người có công và hộ nghèo, trị giá 971,210 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí xã hội hóa (trong đó riêng năm 2017 là 8.211 căn trị giá 955 tỷ đồng).

Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai có hiệu quả, phát huy tinh thần đoàn kết của cộng đồng trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến cuối kỳ Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn mới; 9 quận, huyện không còn hộ nghèo, Thành phố hoàn thành vượt mức kế hoạch hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở của người có công với cách mạng quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ- TTg ngày 26/4/2013 và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Song song với đó, Hà Nội cũng triển khai nhiều mô hình, chính sách trong đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động như: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; đào tạo nghề gắn với sản xuất đáp ứng nhu cầu xã hội; phát triển các sàn giao dịch việc làm truyền thống và trực tuyến; hệ thống đăng ký hồ sơ tuyển dụng, đào tạo; Đề án “Giáo dục định hướng nghề nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”...

Trong 5 năm đã giải quyết việc làm trên 682.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp thành thị năm 2020 giảm còn 2,21 %; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng hằng năm, trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 48%.

Công tác phòng chống, tệ nạn xã hội được thực hiện quyết liệt. Thành phố đã tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn, gây nguy hiểm và bức xúc trong xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội; mô hình xã, phường, địa bàn dân cư, cơ quan, trường học không có tệ nạn xã hội được nhân rộng. Chất lượng quản lý, giáo dục, chữa trị tại các trung tâm chữa bệnh và giáo dục lao động xã hội được nâng cao. Các câu lạc bộ sau cai, đội tình nguyện xã hội tại các xã, phường, thị trấn được duy trì và hoạt động hiệu quả.

Từ những kết quả đạt được về văn hóa xã hội nêu trên, có thể khẳng định phong trào thi đua yêu nước của Thành phố giai đoạn 2015-2020 đã có sự thay đổi mới về chất, góp phần quan trọng cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền Thành phố hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng Thủ đô.

Các phong trào thi đua là động lực mạnh mẽ, phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô, giúp diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục của cả nước./.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/lan-toa-doi-song-van-hoa-moi-116211.html