Lan tỏa, gia tăng giá trị tinh thần của Ngày Pháp luật
Ngày 8-11 tới đây tại Hội trường Bộ Tư lệnh Thủ đô, TP Hà Nội sẽ tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Điểm đặc biệt trong Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật của Hà Nội năm nay là TP vinh dự được Bộ Tư pháp chọn là đơn vi mô hình điểm để lan tỏa, gia tăng giá trị tinh thần Ngày Pháp luật trên cả nước.
Ngày Pháp luật phát huy hiệu quả trên thực tế
Năm 2019 là năm thứ 6 Ngày Pháp luật được triển khai trên toàn quốc nói chung và trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng. Nhìn lại 6 năm qua, trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, trước sự phát triển mạnh mẽ khoa học, kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - nhu cầu được tiếp cận với các thông tin pháp luật ngày càng tăng, cả chiều rộng, chiều sâu.
Điều này đã đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở phải luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao kịp thời đáp ứng nhiệm vụ công tác PBGDPL trong tình hình mới đạt chất lượng, hiệu quả. Trong đó, Ngày Pháp luật được đánh giá là một trong những chế định quan trọng đặt tiền đề cho việc đổi mới tổ chức thực hiện công tác PBGDPL. Các hoạt động triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam trên địa bàn TP Hà Nội đã được thực hiện nghiêm túc, sáng tạo với nhiều mô hình hay, có hiệu quả cho người dân ở cơ sở như tổ phổ biến, giáo dục và trợ giúp pháp lý, CLB pháp luật, nhóm nòng cốt…
6 năm qua, Ngày Pháp luật đang dần đi vào tiềm thức của người dân, được nhân dân đón nhận và đồng tình hưởng ứng, đã hình thành ý niệm về Ngày Pháp luật với mục đích, ý nghĩa cao đẹp. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật đã có ý thức nghiên cứu, học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân cũng như phục vụ thiết thực cho công tác chuyên môn, đáp ứng triển khai các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và thực sự coi Ngày Pháp luật như là một Ngày để tôn vinh nghề nghiệp của mình.
Theo PGĐ Sở Tư pháp Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội Hồ Xuân Hương: “Việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô”. Năng lực tổ chức và vận động nhân dân chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức cũng như hiểu biết và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của nhân dân ở cơ sở theo đó được nâng cao hơn; góp phần giúp cho chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực thi trong thực tiễn, hạn chế vi phạm pháp luật.
Thi tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến – Điểm nhấn hưởng ứng Ngày Pháp luật của Thủ đô
Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động tuyên truyền, PBGDPL hướng tới Ngày Pháp luật năm nay của Hà Nội chính là cuộc thi Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên địa bàn TP. Cuộc thi được tổ chức nhằm mục đích phổ biến rộng rãi cách thức sử dụng DVCTT của TP; các dịch vụ thực hiện qua DVCTT; mức độ sử dụng, lệ phí, phí, thời hạn giải quyết, hồ sơ giải quyết....
7 tháng triển khai, cuộc thi đã nhận được 867.418 bài tham gia dự thi. Với con số này, đây là cuộc thi trực tuyến thu hút lớn nhất số lượng lượt người tham gia lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP Hà Nội.
Tuy nhiên, kết quả quan trọng, tích cực nhất mà cuộc thi mang lại không chỉ dừng lại ở con số bao nhiêu bài tham gia dự thi, mà là đã tạo ra một cuộc vận động lớn để đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội hiểu thế nào là dịch vụ công, hiểu thế thế nào là DVCTT, hiểu các mức độ DVCTT. Không những thế, nhiều bài thi đã đưa ra được các giải pháp, sáng kiến có thể ứng dụng ngay trong thực tế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 hiện đang thực hiện tại TP Hà Nội.
Ngoài cuộc thi “Tìm hiểu DVCTT”, năm 2019, Hà Nội cũng đã tổ chức thành công cuộc thi “Hòa giải viên giỏi”. Cuộc thi đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về hòa giải cơ sở cũng như các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ, đời sống hàng ngày của người dân đến với đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn TP. Đây cũng là dịp tôn vinh hòa giải viên cùng những đóng góp của họ cho cộng đồng dân cư. Đồng thời là kênh tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hiệu quả cho đội ngũ hòa giải viên của TP.
“Với việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật - Hà Nội có thêm kênh thông tin hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Đây cũng là thế mạnh của Thủ đô trong quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống và là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam”, PGĐ Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương chia sẻ.
Cách làm và kết quả Hà Nội đạt được trong công tác PBGDPL nói chung và trong triển khai thực hiện Ngày Pháp luật nói riêng đã nhiều lần được lãnh đạo Bộ Tư pháp đánh giá cao. Trong dịp tổng kết 5 năm triển khai Ngày Pháp luật của TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh trong bài phát biểu của mình đã nhấn mạnh: “Hà Nội thực sự là địa phương đi đầu trong triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống”.