Lan tỏa hình ảnh 'Bộ đội Cụ Hồ', củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc
Nhiều giải pháp hữu hiệu, sát tình hình thực tiễn của quân đội và các địa bàn biên giới được đề xuất để có thể lan tỏa thông tin về quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc đến từng chiến sĩ và bà con dân tộc thiểu số.
Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ Đề án Hỗ trợ thông tin và tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc thuộc các tỉnh địa bàn biên giới đất liền” (Đề án 1219) vừa được Bộ Quốc phòng tổ chức sáng nay.

Toàn cảnh hội nghị dưới sự chủ trì của Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Thế Đại
Thêm khó khăn trong những ngày đầu thực hiện sáp nhập
Theo Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân, quá trình triển khai đề án gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, các tỉnh biên giới thường có địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, giao thông không thuận tiện, ảnh hưởng đến việc hỗ trợ và tiếp cận thông tin.
Trình độ của người dân ở các vùng biên giới còn hạn chế, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn quen sống theo kinh nghiệm “truyền khẩu”, một số hủ tục lạc hậu còn phổ biến.

Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân. Ảnh: Thế Đại
Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên còn mỏng. Các cơ quan, đơn vị quân đội, công an đóng quân tại các địa bàn biên giới đất liền chủ yếu kiêm nhiệm nhiệm vụ thông tin tuyên truyền; còn hạn chế trong việc hiểu phong tục, tập quán, lối sống, tín ngưỡng, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số.
Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng chia sẻ thêm một số khó khăn sau khi sáp nhập các tỉnh thành, vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng. Ảnh: Thế Đại
Từ 1/7, khu vực biên giới nước ta có 443 xã, 107 phường, 13 đặc khu thuộc 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng khu vực biên giới đất liền có 248 xã, phường thuộc 22 tỉnh. 44 Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh được tổ chức lại thành 33 Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng trực thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố có biên giới.
“Việc sắp xếp lại nhân sự, quy định lại chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, tuyên huấn, văn hóa - văn nghệ… bước đầu có thể gây xáo trộn về tổ chức, tư tưởng. Đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu, bám sát địa bàn và tâm lý, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số bị điều chuyển sang vị trí khác, ảnh hưởng đến chất lượng công việc”, ông Quế cho hay.
Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền Đề án 1219, Đại tá Phạm Viết Khánh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2 đề xuất một số giải pháp.

Đại tá Phạm Viết Khánh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2. Ảnh: Thế Đại
Trong đó đáng chú ý là việc tổ chức các đợt hành quân dã ngoại kết hợp công tác tuyên truyền, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, lan tỏa hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của 5 Đoàn Kinh tế - Quốc phòng trên địa bàn các tỉnh biên giới, vừa giúp nhân dân phát triển kinh tế vừa xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, thực sự là “phên giậu” bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ của Tổ quốc.
Đặc biệt, “cần chú trọng lựa chọn cán bộ là người dân tộc thiểu số, am hiểu phong tục, ngôn ngữ địa phương để thực hiện công tác tuyên truyền hiệu quả hơn. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số làm cầu nối trong tuyên truyền chính sách”, Đại tá Phạm Viết Khánh nói.
Đề án 1219 có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh biên giới đất liền.
Cập nhật số liệu cả nước hiện có 29.269 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (không chỉ người lớn tuổi mà còn rất nhiều người trẻ), bà Sùng Thị Mai, Vụ Tuyên truyền công tác dân tộc, tôn giáo - Bộ Dân tộc và Tôn giáo gợi ý, nên phát huy vai trò của đội ngũ này trong hoạt động tuyên truyền; kịp thời nêu gương, khen thưởng người dân tộc thiểu số thực hiện tốt công tác tuyên truyền.
Mặt khác, có thể cân nhắc giải pháp in mã QR rồi dán ở trụ sở ủy ban hoặc một số địa điểm khác, người dân khi đến làm việc có thể quét mã QR để đọc tài liệu tuyên truyền.
Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khuyến nghị Bộ Quốc phòng sớm áp dụng bộ chỉ số đánh giá kết quả tuyên truyền, để khi tổng kết Đề án 1219 sẽ có được bức tranh tổng thể với những con số cụ thể, chính xác.
Gắn Đề án 1219 với thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm
Phát biểu kết luận hội nghị, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh: Đề án 1219 là đề án duy nhất từ trước đến nay Chính phủ triển khai để hỗ trợ các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, lực lượng từ Trung ương đến địa phương trong hoạt động thông tin và tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc.
Đề án cũng là sự cụ thể hóa Nghị quyết số 10 của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đề án có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược, góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Để thực hiện tốt Đề án 1219, Trung tướng Trương Thiên Tô đề nghị các cơ quan, đơn vị phải vào cuộc với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, nhanh chóng nhận diện những khó khăn từ cơ sở, “mổ xẻ”, phân tích kỹ nguyên nhân để kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ. Mặt khác, cần nhân rộng việc làm tốt, cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện.
Trung tướng chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị cần phải gắn việc triển khai Đề án 1219 với thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm.
“Nói thì đơn giản, nhưng để làm chất lượng, hiệu quả, sát tình hình đất nước, sát thực tế địa bàn là bài toán rất khó. Nếu không tâm huyết, trách nhiệm, vào cuộc quyết liệt thì hiệu quả sẽ không cao”, Trung tướng lưu ý.
Đề án 1219 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành ngày 18/10/2024, chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2025-2027; giai đoạn 2 từ đầu năm 2028-2030.
Ngày 26/5/2025, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ký ban hành Kế hoạch số 2898 về thực hiện Đề án 1219 trong Bộ Quốc phòng.
Triển khai Đề án 1219 được xác định là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, nhằm giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, bảo đảm ổn định quốc phòng, an ninh, xây dựng các tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển, tạo động lực nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.