Lan tỏa kiến thức pháp luật từ hội thi hòa giải viên giỏi

Phần thi chào hỏi của huyện Tuy An. Ảnh: NGỌC DUNG

Những năm qua, công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Việc này giúp hóa giải kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp, thắt chặt tình đoàn kết ở khu dân cư, giảm thiểu vụ việc khiếu nại vượt cấp, góp phần ổn định an ninh trật tự địa phương.

Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Phú Yên do UBND tỉnh vừa tổ chức không chỉ trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải, mà còn lan tỏa kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội.

Thiết thực, hữu ích

Hội thi dành cho các hòa giải viên được bầu, công nhận theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở đến từ 9 huyện, thị, thành phố. 9 đội thi tranh tài ở 3 nội dung: Giới thiệu, trả lời câu hỏi, tiểu phẩm.

Trong phần thi đầu tiên, hầu hết các đội đều giới thiệu những nét đặc thù trong công tác hòa giải ở cơ sở, đặc điểm văn hóa, phong tục truyền thống địa phương… thông qua các làn điệu, hò vè sinh động, dí dỏm. Ở phần trả lời câu hỏi, các đội thi đã trả lời chính xác những câu hỏi trắc nghiệm về kiến thức pháp luật xoay quanh Luật Hòa giải cơ sở, kỹ năng hòa giải những tình huống thường xảy ra trong thực tiễn ở các lĩnh vực dân sự, hành chính, đất đai, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, bạo lực gia đình…

Đặc biệt, ở phần thi tiểu phẩm, các đội thi đã đầu tư xây dựng kịch bản rất công phu. Thông qua các tiểu phẩm: “Vì ngày mai tươi sáng” (huyện Tuy An), “Tình làng nghĩa xóm” (huyện Tây Hòa), “Chuyện muôn thuở” (huyện Sơn Hòa)…, những vấn đề về mâu thuẫn trong gia đình, tranh chấp nhỏ trong đời sống hàng ngày ở khu dân cư được các đội khái quát, dàn dựng đưa lên sân khấu. Bằng kiến thức pháp luật, vốn sống cùng kỹ năng nghiệp vụ của mình, các hòa giải viên đã khéo léo hóa giải những mâu thuẫn này một cách thấu tình đạt lý. Trong số các tiểu phẩm được trình diễn, tiểu phẩm “Vì ngày mai tươi sáng” của đội huyện Tuy An được ban giám giảo đánh giá cao không chỉ ở việc chọn nội dung bạo lực gia đình - vấn đề nóng hiện nay ở các địa phương, mà còn ở cách hòa giải viên hóa giải mâu thuẫn, hướng dẫn người dân cách làm kinh tế để thoát nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Tiểu phẩm “Vì ngày mai tươi sáng” xoay quanh câu chuyện gia đình ông Hạnh. Ông Hạnh nhiều năm làm ăn thua lỗ, lâm cảnh nợ nần nên chán nản đắm chìm trong men rượu, thường xuyên đánh đập vợ con, khiến gia đình đứng bên bờ vực của ly hôn. Nhờ chị Hòa - cán bộ hòa giải trong thôn khuyên nhủ, ông Hạnh dần tỉnh ngộ, tu chí làm ăn. Ngoài ra, ông Hạnh còn được vợ chồng chị Hòa giới thiệu tham gia mô hình trồng rau sạch để phát triển kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hân, thành viên đội huyện Tuy An chia sẻ: “Tham gia hội thi này, chúng tôi rất vui, vì không chỉ được giao lưu với các đội bạn mà còn nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ, để từ đó làm tốt hơn công tác hòa giải ở cơ sở”.

Nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở

Toàn tỉnh hiện có gần 4.000 hòa giải viên. Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở đạt nhiều kết quả tích cực, với tỉ lệ hòa giải thành hàng năm đạt 75% trong số các vụ việc tiếp nhận hòa giải. “Hòa giải ở cơ sở có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Bởi đây là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, phát huy quyền làm chủ của người dân, kịp thời giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, gắn kết tình làng nghĩa xóm, hạn chế đơn thư khiếu nại, giảm áp lực cho các cơ quan nhà nước, góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội địa phương. Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Phú Yên được UBND tỉnh tổ chức nhằm tạo diễn đàn cho các hòa giải viên giao lưu, nâng cao kiến thức pháp luật, nâng cao kỹ năng hòa giải; biểu dương, tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác này”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Nguyên Thảo nhấn mạnh.

Đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo đề nghị, thời gian tới, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tạo điều kiện để hoạt động hòa giải ở cơ sở đạt hiệu quả, tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên; hỗ trợ kinh phí cho các tổ hòa giải hoạt động; phấn đấu tất cả vụ việc đưa ra hòa giải được thực hiện theo đúng quy định Luật Hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên cần thường xuyên phối hợp với chính quyền, ngành Tư pháp tham gia công tác hòa giải ở cơ sở…

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác này ở địa phương, ông Hà Công Khánh, Giám đốc Sở Tư pháp chia sẻ: Sau hội thi này, Sở Tư pháp lựa chọn hòa giải viên, đội thi tiêu biểu tham gia hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV vào thời gian tới; đồng thời tham mưu UBND tỉnh tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải cơ sở. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và theo dõi thi hành pháp luật về hòa giải cơ sở; tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tổ chức tập huấn chuyên sâu hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở, nâng cao kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên. Sở cũng sẽ có giải pháp huy động đội ngũ luật gia, luật sư tham gia công tác này để ngày càng nâng cao tỉ lệ các vụ việc hòa giải thành ở địa phương…

NGỌC QUỲNH

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/164/303462/lan-toa-kien-thuc-phap-luat-tu-hoi-thi-hoa-giai-vien-gioi.html