Lan tỏa lòng nhân ái

Trong mùa dịch Covid-19, dù nhiều nỗi lo lắng và nhiều việc phải lo toan, nhưng nhiều người dân vẫn có những việc làm thiết thực tự nguyện góp sức chăm lo phòng chống dịch. Người dân cũng không quên nhắc nhở nhau về cách thể hiện đúng đắn lòng nhân ái với người bệnh, với cộng đồng và với du khách nước ngoài.

Chân thành thông cảm, bao dung và chia sẻ

2 tháng qua, trong mùa dịch bệnh vẫn có rất nhiều câu chuyện đẹp, nhiều hình ảnh dễ thương. Nhiều người dân, nhiều nhóm thiện nguyện đóng góp tặng lương thực thực phẩm ủng hộ các bệnh viện đang điều trị người bệnh. Có nhóm còn chăm chút nấu các phần ăn chuyển đến hỗ trợ những người đang cách ly tập trung. Nhiều bạn trẻ vận động kinh phí mua khẩu trang, nước rửa tay tặng người đi đường.

Các giới tôn giáo, nghệ sĩ, doanh nhân đã nhiệt thành ủng hộ kinh phí rất lớn để mua sắm trang thiết bị và xây dựng phòng điều trị cho các bệnh viện. Và nhiều người khác nữa sẵn lòng góp sức, hưởng ứng lời kêu gọi chung tay chống dịch…

Tuy nhiên, cũng có những chuyện đáng tiếc trong mùa dịch. Trên mạng xã hội đã có những tin đồn thất thiệt về dịch Covid-19, có khi là những lời nói đùa cho vui, có khi là nhằm câu view để mọi người chú ý đến mình, có khi vì ích kỷ mưu lợi cho bản thân trong chuyện kinh doanh online...

Nhóm thiện nguyện An Lạc tặng trang thiết bị giúp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thêm phương tiện hoạt động chống dịch. Ảnh: MINH THUẬN

Nhóm thiện nguyện An Lạc tặng trang thiết bị giúp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thêm phương tiện hoạt động chống dịch. Ảnh: MINH THUẬN

Đây là thực trạng không hay, không ít người dùng mạng xã hội đã không cư xử đúng mực, thậm chí thiếu thân thiện đến mức đáng trách. Hễ có thêm một ca nhiễm, một thông báo phát hiện thêm ca mới hay quyết định cách ly, thì điệp khúc “Toang!” lại được nhiều người xướng lên như mình đứng ngoài cuộc, chỉ quan sát và phán.

Khi hay có bệnh nhân mới phát hiện nhiễm bệnh, ngay lập tức trên mạng xã hội bắt đầu một cuộc truy trang mạng cá nhân để tìm thông tin, người thân, bạn bè của người bệnh, rồi thêu dệt những câu chuyện “giật gân”, chỉ trích. Tại nhiều khu chung cư có người nước ngoài thuê trọ, có những cư dân do cảnh giác phòng dịch mà hành xử thái quá, biểu hiện kỳ thị thiếu văn hóa.

Mỗi người hãy sống có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng, với lòng nhân ái, biết thông cảm, bao dung và chia sẻ - đó là cách hành xử văn hóa rất đẹp trong mùa dịch.

HẠ UYÊN, Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Nam

Thể hiện lòng nhân ái, thân thiện, hiếu khách

Một gia đình người Nhật gồm 4 thành viên bị thất lạc hết giấy tờ tùy thân ngay khi đặt chân đến đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã được người dân địa phương hết lòng giúp đỡ, một doanh nghiệp đã hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn ở, tham quan cho cả gia đình này. Trong thời gian đó, lực lượng an ninh hàng không, ngành du lịch và cộng đồng mạng tại địa phương cũng đã vào cuộc hỗ trợ tìm kiếm và liên tục đăng tin, nhờ vậy đã giúp tìm được toàn bộ tài sản cùng giấy tờ mà gia đình du khách này bị thất lạc.

Đó là một trong rất nhiều câu chuyện đẹp về tình người, sự thân thiện, hiếu khách của người Việt Nam. Đó là cơ hội làm đẹp hình ảnh đất nước, hiếu khách, thân thiện tình người trong ứng xử. Một cảm nhận tốt, chia sẻ từ khách du lịch còn hơn hàng ngàn câu quảng cáo suông của ta.

Thế nhưng, thời gian gần đây, do lo ngại nguy cơ nhiễm và lây lan dịch bệnh Covid-19, một số cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch ở các địa phương đã từ chối phục vụ khách nước ngoài. Thậm chí, không ít nơi có những biểu hiện tiêu cực như tẩy chay, kỳ thị khách nước ngoài. Điển hình là chuyện du khách đến Ninh Bình tìm tới 6 khách sạn đều bị từ chối cho thuê phòng. Đâu đó đang có tâm lý kỳ thị du khách nước ngoài. Nếu bị từ chối phục vụ vì kỳ thị, du khách lâm vào cảnh cơ nhỡ nơi đất khách quê người, thử đặt mình trong hoàn cảnh ấy sẽ thấy bất an, khốn khổ và thất vọng như thế nào.

Với vấn đề này, cơ quan chức năng cần có giải pháp phù hợp, ưu tiên theo hướng kiểm soát tốt và an toàn, nhưng phù hợp với văn hóa ứng xử, nghĩa tình vốn có của người Việt Nam; nên đứng ra làm đầu mối phối hợp, làm việc với chủ khách sạn và resort thỏa thuận thu xếp những địa điểm cố định cư trú cho du khách có thu phí. Qua đó, hướng dẫn các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch, cơ sở lưu trú du lịch chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và hướng dẫn của cơ quan y tế.

BÙI THỊ HỒNG NHUNG, Sở Du lịch TPHCM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lan-toa-long-nhan-ai-652701.html