Lan tỏa Luật Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực thi Luật BVMT 2020 mới được Quốc hội thông qua, để đưa vào cuộc sống. Ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN&MT kêu gọi các doanh nghiệp (DN) tích cực đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản nêu trên để làm sao khi ban hành có thể thực thi ngay và lan tỏa trách nhiệm bảo vệ môi trường (BVMT) để phát triển bền vững (PTBV) đất nước.
Bảo vệ môi trường là một trọng tâm trong 3 trụ cột phát triển bền vững. Sản xuất, kinh doanh là một trong những yếu tố có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Lãnh đạo Chính phủ đã khẳng định, cộng đồng DN có PTBV, thì kinh tế xã hội của đất nước mới PTBV. Sự hưởng ứng tham gia BVMT, tuân thủ pháp luật về môi trường của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh là một đòi hỏi tất yếu để phát triển DN bền vững, qua đó góp phần PTBV kinh tế, xã hội của đất nước.
Những năm vừa qua, hệ thống pháp luật về BVMT luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu PTBV, hỗ trợ cho quá trình hội nhập quốc tế. Từ phiên bản Luật BVMT năm 2014, Việt Nam đã đưa ra những cách tiếp cận mới, chính sách mới tiến bộ về BVMT. Trong đó, đã từng bước đưa phương thức quản lý và giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó, sang chủ động ngăn ngừa, kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đầu tiên đã đưa nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu cụ thể hóa vào Luật BVMT 2014.
Tuy nhiên, trước thách thức về suy thoái môi trường phát sinh từ thực tiễn cuộc sống và phát triển kinh tế…, để thúc đẩy PTBV, Chính phủ đã xây dựng Luật BVMT 2020 với những nội dung có tính đột phá. Tại kỳ họp mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật BVTM 2020 và sẽ có hiệu lực trong năm 2021.
Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp PTBV Việt Nam 2020, do Hội đồng DN vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD) tổ chức mới đây, ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN&MT - cho biết: Luật BVTM 2020 đã qui định phương thức quản lý môi trường đối với các dự án đầu tư theo cơ chế sàng lọc, với các tiêu chí về môi trường để kiểm soát các dự án có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường; cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; cụ thể hóa các tiêu chí về BVMT đối với 4 nhóm loại hình dự án, gồm “nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường”, “nguy cơ”, “nguy cơ thấp” và “không có nguy cơ”. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng chỉ đánh giá tác động môi trường đối với các dự án nhóm “nguy cơ cao”.
Luật BVMT 2020 đã tích hợp các thủ tục hành chính về BVMT nằm ở các luật khác (cấp phép xả thải vào nguồn nước, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, xả khí thải, cấp phép chất thải nguy hại…) vào “giấy phép môi trường”, phân cấp rõ ràng không để chồng chéo. Giấy phép môi trường cũng chỉ áp dụng và xem xét kỹ lưỡng đối với các dự án xả thải có nguy cơ tác động xấu đến môi trường cao, còn các dự án khác không cần có giấy phép môi trường. Thay đổi mạnh mẽ tư duy quản lý môi trường, không hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế; xác định BVMT không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải, mà yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh hài hòa với qui luật tự nhiên. Qui định tất cả xã hội có trách nhiệm BVMT từ Chính phủ, DN đến công dân. Bổ sung nhiều nội dung về “sức khỏe môi trường”, trong đó qui định BVMT là bảo vệ các thành phần môi trường như môi trường đất, nước, không khí, di sản thiên nhiên… và người dân phải được hưởng những thành quả của công tác BVMT.
Đồng thời, định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Qui định về phát triển kinh tế tuần hoàn từ thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, dịch vụ… theo hướng sử dụng tiết kiệm tài nguyên, kéo dài vòng đời dự án, hạn chế chất thải phát sinh, hạn chế tác động xấu đến môi trường.
Ngoài ra, Luật BVMT 2020 cũng đã cụ thể hóa, bổ sung các qui định về ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển thị trường cacbon, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon, xác định rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT cùng các bộ, ngành liên quan và địa phương về vấn đề này. Lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu vào các chiến lược, qui hoạch về cơ sở dữ liệu quốc gia, báo cáo quốc gia.
Tạo lập chính sách thúc đẩy các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, kinh tế tuần hoàn, phát triển các nguồn vốn tự nhiên; xây dựng công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ môi trường; phát triển các ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ thân thiện môi trường, ưu tiên mua sắm xanh đối với các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, chi trả dịch vụ về sinh thái tự nhiên, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, tăng cường năng lực phục hồi môi trường...