Lan tỏa mô hình khuyến nông hiệu quả
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều mô hình khuyến nông cho hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, qua các mô hình này, người nông dân từng bước tiếp cận nền sản xuất hiện đại, tạo nền tảng cho nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng bền vững.
Thay đổi tập quán sản xuất
Để nhân rộng mô hình nông nghiệp theo hướng VietGAP, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ các hợp tác xã, hộ dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cho năng suất, chất lượng cao.
Theo Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Hùng, mỗi năm đơn vị thực hiện khoảng 3-4 mô hình khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản. Điển hình là mô hình trồng bưởi Diễn, quy mô gần 5ha tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thượng Vực (huyện Chương Mỹ). Sau một thời gian trồng theo hướng VietGAP, quả Bưởi đều và đẹp, tỷ lệ quả loại 1 cao. Mặt khác, mô hình được cấp chứng nhận VietGAP, nên giá bán cao hơn từ 2.000 đến 4.000 đồng/quả so với trồng bưởi truyền thống, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.
“Trồng bưởi theo hướng VietGAP giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện quy trình sản xuất, tạo thói quen ghi chép nhật ký để có biện pháp chăm sóc cây trồng phù hợp”, ông Nguyễn Văn Hùng cho hay.
Tương tự, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ mô hình nuôi dê lấy sữa và thịt, quy mô 220 con, thực hiện tại 4 điểm trên địa bàn huyện Thạch Thất và huyện Sóc Sơn. Ông Trần Văn, một trong những hộ nuôi dê theo mô hình khuyến nông tại xã Hạ Bằng (huyện Thạch Thất) chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ của cơ quan khuyến nông về kỹ thuật, con giống, mô hình nuôi dê lấy sữa và thịt của gia đình ông đang phát huy hiệu quả, đàn dê khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt, cho giá trị kinh tế cao.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với các địa phương chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế từ 10% đến 20% so với ngoài mô hình. Khi kết thúc, trung tâm tổ chức nghiệm thu, đánh giá kết quả để rút kinh nghiệm và mô hình nào hiệu quả sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.
“Thông qua việc hỗ trợ các mô hình khuyến nông đã đưa các tiến bộ khoa học, công nghệ đến gần với nông dân, giúp họ thay đổi phương thức sản xuất, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo ra nông sản an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”, bà Vũ Thị Hương cho biết thêm.
Cần nhiều điều kiện để nhân rộng
Hiện tại, việc triển khai các mô hình khuyến nông gặp không ít khó khăn do ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của nông dân còn hạn chế, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ chuyên môn còn nhiều hạn chế, việc tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới chưa đầy đủ, dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo; đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh, không ổn định…
Do đó, để các mô hình khuyến nông được thực hiện có hiệu quả và ngày càng nhân rộng ở các địa phương, ông Nguyễn Tuấn Văn, một trong những hộ nuôi thủy sản theo công nghệ cao ở xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) kiến nghị, ngoài hỗ trợ của cơ quan khuyến nông về kỹ thuật, con giống, các ngành chức năng cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giúp duy trì và mở rộng mô hình. Mặt khác, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, mã QR, liên kết chuỗi để đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, như: Siêu thị, cửa hàng tiện ích…
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để các mô hình khuyến nông tiếp tục phát huy hiệu quả, các đơn vị chức năng cần chọn các mô hình gắn với nhu cầu thực tế của người dân và phù hợp với định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp Thủ đô. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân; triển khai hỗ trợ cây, con, giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng bệnh… Từ đó, hình thành các tổ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cũng như phát triển thương hiệu, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế và thay đổi tư duy sản xuất cho người dân.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ hỗ trợ các hộ dân, hợp tác xã vay vốn từ Quỹ Khuyến nông thành phố để phát triển mô hình sao cho hiệu quả nhất. Mặt khác, khuyến khích nông dân thực hiện các hình thức liên kết, nhân rộng vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP và thực hiện đồng bộ quy trình trên diện rộng, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng yêu cầu cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Khi chứng tỏ hiệu quả, những mô hình khuyến nông đã và đang triển khai cần được nhân rộng. Các mô hình này không chỉ cho sản phẩm chất lượng tốt, năng suất cao, mà còn mở ra hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đang phát huy hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lan-toa-mo-hinh-khuyen-nong-hieu-qua-648693.html