Lan tỏa mô hình 'Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy'

Với phương châm “4 tại chỗ”, mô hình “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và điểm chữa cháy công cộng” đã phát huy hiệu quả tại các địa phương. Thông qua mô hình đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân về công tác PCCC; hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Tổ liên gia số 1, tổ dân phố Vĩnh Thành, phường Ngô Quyền (Vĩnh Yên) kiểm tra trang thiết bị hỗ trợ PCCC. Ảnh: Trường Khanh

Tổ liên gia số 1, tổ dân phố Vĩnh Thành, phường Ngô Quyền (Vĩnh Yên) kiểm tra trang thiết bị hỗ trợ PCCC. Ảnh: Trường Khanh

Tổ liên gia số 1, tổ dân phố Vĩnh Thành, phường Ngô Quyền (Vĩnh Yên) là tuyến phố trung tâm, gần chợ Vĩnh Yên, nhiều hộ sử dụng diện tích tầng 1 để kinh doanh. Trong đó, có không ít mặt hàng là các chất dễ gây cháy lớn như quần áo, chăn màn, đồ hàng mã…

Trong khi đó, hệ thống dây dẫn điện không bảo đảm, không trang bị hệ thống báo cháy, gần 50% số hộ trong tổ liên gia chưa có bình chữa cháy, lối thoát nạn duy nhất là cửa chính, các cửa sổ đã hàn song sắt… tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao, việc thoát nạn của các thành viên trong gia đình gặp nhiều khó khăn.

Với phương châm “từng nhà an toàn - từng khu phố an toàn - phường an toàn”, UBND phường Ngô Quyền phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh xây dựng thí điểm mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC và điểm chữa cháy công cộng” tại tổ liên gia số 1, tổ dân phố Vĩnh Thành.

Trong đó, lấy công tác phòng ngừa là chính, huy động tối đa lực lượng chữa cháy tại chỗ khi có sự cố xảy ra. Các thành viên tham gia mô hình sẽ hoạt động theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng ở trong dân, phương tiện ở trong dân, hậu cần ở trong dân và chỉ huy ở trong dân”.

Tham gia mô hình, 13 hộ dân ở tổ liên gia số 1, tổ dân phố Vĩnh Thành đã thay mới, trang bị đầy đủ mỗi hộ 2 bình chữa cháy xách tay đặt tại địa điểm dễ quan sát nhất trong gia đình.

Đồng thời, các hộ dân đều trang bị 1 thiết bị chuông báo cháy, với 2 nút ấn. Chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ liên gia được kết nối với nhau, bảo đảm khi bấm bất kể nút nào thì toàn bộ chuông của các hộ đều báo hiệu có sự cố.

Bên cạnh đó, các thành viên cài đặt và sử dụng thành thạo ứng dụng App “Báo cháy 114” và “Help 114”; cập nhật danh sách thành viên trong tổ liên gia để sử dụng tính năng “Tôi an toàn”, thông báo an toàn khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố.

Song song với đó, các hộ dân thực hiện tốt các điều kiện an toàn khác về PCCC, sắp xếp vật dụng ngăn nắp, an toàn về PCCC; chuẩn bị các phương án thoát nạn; chủ động nghiên cứu, học tập các kỹ năng PCCC và thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra..

Nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác PCCC và CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, hiện nay, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với lực lượng công an cơ sở triển khai thí điểm xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” ở các khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Theo hình thức tự trang bị phương tiện báo cháy, thiết bị PCCC và CNCH tại hộ gia đình, tổ liên gia tự quản, mỗi huyện chọn 1 xã, mỗi xã chọn 1 khu dân cư làm điểm. . Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 20 mô hình ở các tổ liên gia, bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả, nền nếp.

Bên cạnh thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC ở khu dân cư, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH tích cực hướng dẫn xây dựng “Điểm chữa cháy công cộng”. Qua đó, tận dụng được “thời điểm vàng”, huy động lực lượng chữa cháy tại chỗ khi xảy ra vụ cháy.

Đại úy Khổng Văn Quý, Phó Đội trưởng Đội Chữa cháy và CNCH số 1, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh nhấn mạnh: Các hộ dân tham gia mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng” ngoài việc tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC tại hộ gia đình, hộ kinh doanh thì tổ sẽ thành lập ra 1 tổ chữa chữa cháy cơ động, với 5 thành viên có sức khỏe, được bồi dưỡng và có kinh nghiệm xử trí các tình huống sự cố, cháy, nổ kịp thời.

Tủ chữa cháy công cộng sẽ được trang bị đầy đủ bình bột chữa cháy, xà beng, kìm cộng lực và có nội quy quản lý, sử dụng phương tiện PCCC&CNCH, tạo thuận lợi cho việc sử dụng các phương tiện để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, không gây cản trở giao thông.

Qua triển khai mô hình giúp nâng cao ý thức của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chấp hành các quy định của pháp luật và kiến thức về PCCC. Đồng thời, chủ động công tác phòng ngừa, không để xảy ra cháy, nổ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án để xử lý tình huống một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra với bất kỳ loại hình cơ sở nào, nếu như không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Do đó, việc thành lập mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng” đã phát huy tích cực vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác PCCC và CNCH; góp phần để người dân nâng cao ý thức tự phòng ngừa, kịp thời phát hiện và chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Kim Hiền

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/an-ninh-quoc-phong/82860/lan-toa-mo-hinh-%E2%80%9Cto-lien-gia-an-toan-ve-phong-chay-chua-chay%E2%80%9D.html