Lan tỏa nét đẹp văn hóa 'đền ơn đáp nghĩa'

TP Hồ Chí Minh hiện có gần 74.000 đối tượng chính sách, người có công. Với tình cảm, trách nhiệm tri ân, những năm qua, Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân, Phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa' lan tỏa sâu rộng, trở thành nét đẹp trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thành phố, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của Thành phố mang tên Bác.

Những ngày tháng 7 tri ân, nhiều đoàn du khách viếng thăm Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (Củ Chi)-nơi thờ phụng 44.752 liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong lời thuyết minh của hướng dẫn viên không chỉ toát lên lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam mà còn có cả những câu chuyện xúc động, hùng tráng về những tấm gương anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Với nghĩa cử tri ân và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, mỗi năm có hàng triệu lượt du khách đến thăm viếng, dâng hương tưởng nhớ công lao các liệt sĩ.

Đại tá Lê Văn Phước, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, chia sẻ: “Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược nằm trong tổng thể Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, từ bao năm nay đã trở thành nơi hội tụ hồn thiêng sông núi ở địa danh "đất thép thành đồng" Củ Chi anh hùng. Nơi đây trở thành điểm đến trong hành trình tri ân, một điểm cầu trong Chương trình “Linh thiêng Việt Nam” do Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7). Cũng tại đây, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương, trường học... thường chọn làm nơi tổ chức các sự kiện giáo dục truyền thống, kết nạp đảng viên, tham quan học tập... để bồi đắp lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ; đồng thời tuyên truyền, giáo dục văn hóa tri ân đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cho hòa bình, thống nhất đất nước”.

Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh tặng quà, động viên thương binh nặng.

Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh tặng quà, động viên thương binh nặng.

Các hoạt động tri ân còn diễn ra ở nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa, tượng đài chiến thắng, khu tưởng niệm, các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong tháng 7 và những dịp lễ, tết. Chính quyền địa phương cùng các tầng lớp nhân dân đều tổ chức dâng hương, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ; thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công. Những việc làm ý nghĩa đó đã trở thành thông lệ, một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam, được TP Hồ Chí Minh duy trì, thực hiện thường xuyên bằng tấm lòng tôn kính.

Đối với các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công, cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể Thành phố thường xuyên quan tâm bằng những việc làm thiết thực. Trong đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố đã chủ động tham mưu ban hành nhiều chính sách, thực hiện nhiều hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, góp phần ổn định cuộc sống cho thương binh, người có công với cách mạng. Công tác xác nhận người có công được triển khai theo đúng quy trình, quy định của pháp luật, có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, huy động trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo được sự đồng thuận sâu rộng, phát huy sức mạnh của cả cộng đồng tích cực tham gia chăm lo đối tượng chính sách, người có công.

Theo bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, Thành phố đã tích cực triển khai các hoạt động tri ân, vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 188,8 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa 3.013 căn nhà cho người có công với kinh phí hơn 132,6 tỷ đồng; hỗ trợ thương binh, bệnh binh có vết thương hoặc bệnh tật đặc biệt nặng và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn mức 2 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ thêm kinh phí trang bị phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho người có công. Đến nay, 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng.

Cụ thể hóa chủ trương chăm lo đối tượng chính sách, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh chủ động phối hợp tổ chức tặng quà, hỗ trợ kinh phí giúp thương binh, bệnh binh ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình; phối hợp với các doanh nghiệp, trung tâm đào tạo nghề chung tay giải quyết việc làm cho con thương binh, thân nhân liệt sĩ. Dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay, Thành phố dành hơn 77 tỷ đồng để chăm lo cho gia đình chính sách, người có công. Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025), Thành phố triển khai khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công và thân nhân người có công là 140 căn nhà. Hiện tại đã hoàn thành khoảng 60% tổng nhu cầu và phấn đấu xong trước thời gian diễn ra lễ kỷ niệm vào tháng 4-2025.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, nhấn mạnh: “TP Hồ Chí Minh là nơi khởi phát nhiều phong trào thiện nguyện và hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thu hút sự quan tâm, tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố. Các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công tiếp tục được Thành phố thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực. Đây cũng là nét văn hóa đặc trưng của người TP Hồ Chí Minh hào sảng, nghĩa hiệp, hết lòng giúp đỡ người nghèo và tri ân công lao của những người đã cống hiến, hy sinh vì dân, vì nước”.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG - ĐỖ PHÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/lan-toa-net-dep-van-hoa-den-on-dap-nghia-786226