Lan tỏa nét đẹp văn hóa ứng xử trong gia đình

Từ xa xưa, người Việt Nam luôn coi trọng cách đối nhân - xử thế, đặc biệt là văn hóa ứng xử trong gia đình. Nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa mang tính truyền thống...

Gia đình “Tứ đại đồng đường” của ông bà Bùi Văn Sách và Nguyễn Thị Khoát, xã Thanh Đình, TP Việt Trì luôn sum vầy vui vẻ, hạnh phúc.

Gia đình “Tứ đại đồng đường” của ông bà Bùi Văn Sách và Nguyễn Thị Khoát, xã Thanh Đình, TP Việt Trì luôn sum vầy vui vẻ, hạnh phúc.

(baophutho.vn)

- Từ xa xưa, người Việt Nam luôn coi trọng cách đối nhân - xử thế, đặc biệt là văn hóa ứng xử trong gia đình. Nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt như: Sự hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái; sự tôn trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, anh em... Một gia đình chỉ thực sự hạnh phúc khi mọi người có sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ lẫn nhau, cùng vun đắp cho tổ ấm chung.

Nét đẹp văn hóa truyền thống
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Gia đình Việt Nam truyền thống được gắn kết một cách bền chặt là do tình nghĩa và trách nhiệm giữa các thành viên. Nhiều gia đình Việt Nam xưa nhờ biết duy trì lối ứng xử có văn hóa đã tạo ra nền nếp, kỷ cương để mọi người cùng noi theo. Chính gia lễ, gia phong ấy là cái gốc của gia đình, giữ cho con người Việt Nam, gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt và sự trong sáng với cội nguồn.Từ xa xưa, văn hóa ứng xử trong gia đình đã được ông cha ta đặc biệt coi trọng: Gia đình phải có gia giáo; gia lễ; gia pháp; gia phong mà mỗi người trong gia đình phải tuân thủ theo hết sức nghiêm ngặt. Văn hóa ứng xử trong gia đình được người Việt đề cao và rất coi trọng. Trong kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam cho thấy có rất nhiều câu thể hiện điều này. Từ lúc mới sinh ra, con người đã được đặt trong sự gắn bó thiêng liêng của tình mẫu tử, phụ tử: “Cá chuối đắm đuối vì con”. Khi khôn lớn mỗi người không thể quên công ơn dưỡng dục của cha mẹ: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ, kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Chữ “hiếu” luôn được đề cao trong quan hệ ứng xử với cha mẹ và được thể hiện bằng tục báo hiếu. Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, con cái đối với cha mẹ đã được ông cha ta nâng lên thành đạo làm cha mẹ, đạo làm con. Từ mối quan hệ chủ đạo này đã hình thành nên đạo thờ ông bà tổ tiên, đạo thờ cha mẹ, góp phần nuôi dưỡng cho con người tình cảm “Uống nước nhớ nguồn”.

Nghệ nhân Hà Thị Tiên, xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn truyền dạy cho con cháu giữ gìn nét văn hóa truyền thống trong gia đình người Mường.

Nghệ nhân Hà Thị Tiên, xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn truyền dạy cho con cháu giữ gìn nét văn hóa truyền thống trong gia đình người Mường.

Trong quan hệ ứng xử, người xưa cũng đặc biệt coi trọng tình nghĩa giữa anh chị em trong một gia đình: “Anh em như chân, như tay. Như chim liền cánh, như cây liền cành”, “Em thuận, anh hòa là nhà có phúc”… Mối liên hệ ruột thịt là mối liên hệ thiêng liêng không thể chia cắt: “Cắt dây bầu dây bí/ Chẳng ai cắt dây chị dây em”. Vì lẽ đó, ông cha ta cũng lên án nghiêm khắc những ai không giữ được tình cảm anh em: “Người dưng có nghĩa thì đãi người dưng/ Anh em vô nghĩa thì đừng anh em”… Đối với quan hệ vợ chồng, sự hòa thuận và tình nghĩa thủy chung luôn mang ý nghĩa thiêng liêng, sâu nặng, là mối ràng buộc trách nhiệm cao suốt đời người: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”…Chung tay giữ gìnThời nay, trong gia đình, dù văn hóa ứng xử có thay đổi rất nhiều so với ngày xưa, nhưng những khuôn phép của mỗi gia đình vẫn không thể thiếu được. Đến xã Thanh Đình, TP Việt Trì, hỏi thăm gia đình ông Bùi Văn Sách và bà Nguyễn Thị Khoát hầu như ai cũng biết, gia đình “đông con nhiều cháu” nhưng sống vui vẻ đầm ấm, hạnh phúc suốt mấy chục năm nay. Bước qua tuổi 80, niềm vui tuổi già của ông bà là được thấy 10 gia đình của con trai, con gái với 30 cháu nội ngoại và 13 chắt luôn mạnh khỏe. Dù gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, nhưng các thành viên vẫn luôn hòa thuận, đoàn kết, kính trên nhường dưới. Ông Sách chia sẻ: “Gia đình tôi đông con, đông cháu nên hai vợ chồng tôi luôn làm gương cho các cháu, cư xử đúng mực, công bằng. Cuộc sống hàng ngày, bố mẹ phải là trung tâm đoàn kết. Từ nhiều năm nay, các cháu giữ truyền thống tổ chức sinh nhật cho bố mẹ và các thành viên. Những bữa ăn có đông đủ gia đình là dịp để mỗi người bày tỏ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống”.Tiếp lời ông Sách bà Khoát bộc bạch về bí quyết giữ gìn hạnh phúc trong gia đình: “Tôi cũng là từng làm dâu. Người xưa có câu “Thật thà cũng thể lái trâu/ Thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng”. Nhưng với tôi khi các con về làm dâu, dù ở cùng hay không tôi luôn cư xử đúng mực. Sống trong gia đình nhiều thế hệ, chắc chắn mỗi thành viên sẽ có những quan điểm sống khác nhau. Để tránh xảy ra xô xát, khúc mắc, các thành viên trong gia đình thường thẳng thắn trao đổi, để mọi người hiểu mình hơn và cố gắng đặt vị trí của mình vào người khác nhằm tạo sự tin tưởng lẫn nhau. Nhờ vậy mà trong gia đình tôi luôn đầy ắp tiếng cười”.

Bữa cơm gia đình là thời gian chia sẻ, gặp gỡ, gắn kết các thành viên trong gia đình.

Bữa cơm gia đình là thời gian chia sẻ, gặp gỡ, gắn kết các thành viên trong gia đình.

Hai vợ chồng, 2 người con (1 trai, 1 gái), các thành viên của gia đình chị Nguyễn Thanh Hà, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì luôn biết cách dung hòa các mối quan hệ trong gia đình. Là người “giữ lửa” trong gia đình, chị Hà luôn biết cách để vợ chồng sống hòa thuận. Hơn 10 năm chung sống, vợ chồng chị chưa lần nào phải to tiếng với nhau. Trong việc dạy bảo các con, chị xác định làm bạn với con, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con, không áp đặt theo ý của mình. Bây giờ, điều chị tự hào là 2 con ngoan ngoãn, lễ phép, hiếu kính với ông bà, bố mẹ.Chị Hà tâm sự: “Với tôi, gia đình luôn là nơi bình yên nhất, nơi gửi gắm nuôi dưỡng những ước mơ, giáo dục nhân cách đầu tiên cho con trẻ về cách ứng xử. Là một người vợ, người mẹ, tôi luôn cố gắng dung hòa mối quan hệ giữa cha mẹ và các con. Vợ chồng tôi thống nhất luôn phải làm gương cho các con noi theo trong từng cử chỉ, hành động, lời ăn tiếng nói”.Để phát huy văn hóa ứng xử tốt đẹp trong thời gian qua, các tổ chức đoàn thể phát động các phong trào, tiêu biểu như: Hội Phụ nữ với phong trào xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, gia đình “5 không, 3 sạch”; Hội Nông dân với phong trào “Gia đình nông dân hạnh phúc”; Hội Cựu chiến binh với Phong trào “Gia đình hội viên gương mẫu”... Những mô hình, hoạt động này đã kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác gia đình; cách ứng xử trong gia đình, trong quan hệ vợ - chồng, bố mẹ - con; các bí quyết giữ gìn hạnh phúc trong gia đình; phê phán lối sống ích kỷ, thực dụng, vô cảm, xuống cấp về đạo đức xã hội, quá đề cao vật chất mà đánh mất giá trị đạo đức, văn hóa ứng xử truyền thống trong gia đình.

Thu Hà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202106/lan-toa-net-dep-van-hoa-ung-xu-trong-gia-dinh-177902