Lan tỏa nghị lực tự học ở người khiếm thị
Ngày 7/11, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Hội Người mù Việt Nam phối hợp tổ chức lễ tổng kết, trao giải cuộc thi 'Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh'.
Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 6 giải Ba và 41 giải Khuyến khích cho các thí sinh xuất sắc nhất. Trong đó, giải Nhất thuộc về ông Nguyễn Trung Thành, hội viên Hội Người mù tỉnh Nghệ An. Hai giải Nhì được trao cho bà Lê Thị Diệu Châu, Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố Đà Nẵng và Lê Dương Thể Hạnh - tác giả cuốn sách "Có một mặt trời không bao giờ tắt", "Bình yên sau giông bão".
Cuộc thi “Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh” được Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Hội Người mù Việt Nam phối hợp phát động từ tháng 8/2020 đến cuối tháng 9/2020.
Đây là cuộc thi dành cho người khiếm thị, không giới hạn độ tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp; tạo cơ hội cho người khiếm thị cả nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về việc đọc và học tập suốt đời. Cuộc thi cũng góp phần phát triển năng lực tự học, nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo, phát triển trí tuệ, tâm hồn, nhân cách… của người khiếm thị; khẳng định giá trị tốt đẹp của việc đọc và tự học đối với sự phát triển của con người, đặc biệt là người khiếm thị.
Sau thời hạn phát động, Ban tổ chức đã nhận được hàng trăm bài dự thi của của các thí sinh khiếm thị từ mọi miền của Tổ quốc với các bài viết được đánh máy, dưới dạng chữ nổi, clip và âm thanh. Thí sinh nhiều tuổi nhất sinh năm 1942, thí sinh ít tuổi nhất sinh năm 2006. Hà Nội, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương có nhiều bài gửi dự thi nhất.
Chất lượng của các bài dự thi tốt. Nhiều bài được đầu tư công phu. Điều đáng trân quý là từ những chia sẻ trong các bài dự thi, chúng ta đã gặp những tấm gương vượt khó, không đầu hàng số phận rất đáng khâm phục của những người khiếm thị cả nước. Qua đó có thể khẳng định, việc đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp họ có thêm động lực vươn lên và thành công trong cuộc sống.
Kênh “Cùng bạn đọc sách” trên mạng xã hội Youtube đã giúp các thí sinh có cơ hội tiếp cận thông tin tri thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là những kinh nghiệm, phương pháp về việc đọc sách, nghe sách nói. Những người khiếm thị cũng sẵn sàng chung tay đóng góp clip cho kênh. Nhiều thí sinh đã đề xuất, kiến nghị cần truyền bá và phổ biến mạnh hơn nữa về kênh “Cùng bạn đọc sách” trong cộng đồng, đồng thời tổ chức nhiều cuộc thi, hoạt động để người khiếm thị có thêm cơ hội được giao lưu, học tập…